Mùa hè chiều thẳng đứng
Phần 1: KHEN
(bởi NguoiThangLong http://hanoicorner.com)
Người ta nói điện ảnh chính là cuộc sống, nhất là khi người đạo diễn cảm nhận và thể hiện thành công tất cả những điều ấy, mình muốn nói về một tác phẩm của Trần Anh Hùng ra mắt công chúng hồi năm 2000: À la verticale de l'été.
Bộ phim có tựa đề rất lạ và đôi khi không phải là dễ cảm nhận cho tất cả mọi người. "Mùa hè chiều thẳng đứng" đã được lựa chọn chính thức để tham gia liên hoan phim Cannes 2000. Trong bộ phim dài 1 giờ 48 phút này Trần Anh Hùng đã gửi gắm rất nhiều tâm sự của mình đồng thời cũng nói lên được một phần tính cách người Hà Nội, nếu không muốn nói là rất thành công trong số các tác phẩm điện ảnh về Hà Nội.
Bối cảnh của bộ phim rất đơn giản, không hề có khái niệm về một nơi chốn cụ thể (ta không thấy trong phim cảnh các công trình nổi tiếng hay các địa danh quen thuộc) điều duy nhất có thể biết được là xã hội tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng với những ai là người Hà Nội hay đơn giản chỉ là sống nhiều năm ở Hà Nội là đã có thể nhận ra ngay lập tức cái "chất" rất Hà Nội ngay từ đầu phim. Trần Anh Hùng không cho chúng ta khái niệm thời gian, mà thật ra thời gian không có nghĩa lý gì khi đối diện với những giá trị thật sự, ta chỉ cảm nhận được thời gian lặng lẽ trôi qua trong từng cảnh quay, từng sự kiện. Êm ả, bình dị như cuộc sống hàng ngày. Cái khó và đồng thời cũng là nét tài hoa của người đạo diễn gốc Việt trẻ này là anh đã đưa người xem vào trong phim một cách hoàn toàn tự nhiên. Ta cảm thấy mình như một nhân vật trong phim, như một người hàng xóm, chăm chú lắng nghe và theo dõi câu chuyện của một gia đình bên cạnh. Như câu nói cửa miệng "Hàng xóm láng giềng tắt lửa, tối đèn có nhau". Như thế vô tình ta đã sống những khoảnh khắc thật tuyệt vời ngay giữa lòng thành phố, với những người Hà Nội. Các sự kiện trong phim hoàn toàn có thể xảy ra ở một nơi khác nhưng trong "Mùa hè chiều thẳng đứng" ta có thể cảm thấy rõ ràng tất cả đang diễn ra tại Hà Nội.
Câu chuyện của một gia đình nhỏ, đông anh chị em, bắt đầu từ một buổi sáng rất đỗi bình thường của hai anh em Liên và Hải. Có một cái gì đó không tên mà rất đỗi Hà Nội từ trong cách bài trí nhà cửa, từ ánh sáng dịu dàng (Trần Anh Hùng luôn rất sáng tạo trong ánh sáng) và từ trong cách nói chuyện thật có duyên, cách gọi hàng xôi sáng...Điều ấn tượng ngay lập tức trong phim là khuôn mặt của những người phụ nữ. Đẹp một cách đoan trang, nồng thắm và rất Hà Nội. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Hùng đã chọn Lê Khanh và Như Quỳnh vào các vai diễn chính. Bộ phim không có nhân vật chính, từng diễn viên đều đóng một vai trò quan trong khác nhau không thể nào thiếu được. Cái gọi là "nhân vật chính" trong phim chính là cuộc sống của người Hà Nội. Thế nhưng ẩn chứa trong mỗi khoảnh khắc dịu dàng ấy là cả những bão dông.
Có thể nói bộ phim là một bức tranh được tạo nên từ nhiều mảnh ghép mà từng cá thể ấy lại là một thế giới hoàn toàn độc lập. Cuộc sống hạnh phúc của Kiên và Khanh, một gia đình với một chút bí ẩn của Quốc và Sương, hai anh em Hải, Liên vô tư lự. Nếu như Quốc, nhà văn, mang nặng trong mình dòng máu "Kẻ sĩ Bắc Hà" thì Khanh thật dịu dàng và quyến rũ như người con gái Hà Nội. Trái lại, Quốc gân guốc và đầy đam mê, Sương đằm thắm nhưng cũng tràn khát vọng. Liên như một gạch nối tươi trẻ giữa hai bà chị và đầy hoài bão hạnh phúc, mộng mơ. Hải có vẻ như không nổi lắm nhưng chính anh lại là chỗ dựa tinh thần cho Liên mặc dù Hải chỉ là một diễn viên phụ chuyên đóng những vai "ít người để ý đến rồi lúc dựng phim sẽ bị...cắt đi". Thế nhưng điều bất ngờ lại nằm ở chố cái cảnh "phụ" mà Hải sẽ đóng lại là cảnh "chính" cho những cặp vợ chồng khác. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ thú vị và cả những bão dông không thể nào đoán trước.
Ta bắt gặp trong từng cảnh quay là những bức tranh đầy mầu sắc về Hà Nội. Quán Cà-phê của Liên làm ta liên tưởng tới "Lâm" và những mảng tường tróc vôi nhiều mầu ấy giống như những bức tranh sơn mài nhiều lớp. Ta ít gặp trong phim những cảnh quay "không gian" mà tất cả dường như được thu lại trên một mặt phẳng, lắng đọng. Đó cũng chính là Hà Nội. Góc nhìn thường khá hẹp tạo cảm giác như khi ta đi trong "36 phố phường" hay chen vào những khu nhà ống. Những khung cửa cũ kỹ, những chậu cây cảnh, một chiếc lọ hoa trong góc nhà...và ánh sáng nhẹ nhàng đến từ phía sau. Tất cả những điều quen thuộc ấy ta vẫn gặp hàng ngày giữa lòng Hà Nội. Cả những thói quen giản dị nữa, tất cả đều nói về Hà Nội. Có lẽ lâu lắm rồi mình mới được cảm nhận Hà Nội một cách đời thường như thế. Một Hà Nội trong trẻo và suy tư.
Những con người Hà Nội ấy sống, vui đùa, tưởng nhớ và đối diện với những nghiệt ngã của đời thường. Bộ phim bắt đầu bằng ngày giỗ và cũng kết thúc bằng một ngày giố, trong khoảng thời gian ấy có biết bao sự kiện đã xảy ra. Nó có chút gì giống như vòng quay của cuộc đời, của kiếp luân hồi. Nếu như Kiên trăn trở, tìm tòi để diễn giải cuộc sống ra trên mặt giấy bằng câu chữ thì Quốc lại để lắng niềm đam mê ấy vào bên trong ít người thấy được. Thế nhưng điều khao khát của cả hai thì lại hoàn toàn giống nhau. Sự bằng an trong cuộc sống. Có đi qua những thăng trầm thì ta sẽ hiểu hơn rất nhiều giá trị của hai chữ "bằng an" ấy trong cuộc đời. Bên cạnh các đức ông chồng đầy hoài bão thì các bà vợ luôn là niềm cảm hứng, là chỗ dựa, là biểu hiện của niềm khao khát vô bờ về hạnh phúc. Có cách gì để ta phân biệt những người phụ nữ Hà Nội ấy với những người phụ nữ khác? Có đấy, dễ mà khó, đó chính là cái "chất Hà Nội" đã ăn sâu vào từng câu nói, từng cử chỉ, từng thói quen và cả từng cảm xúc nữa. Trần Anh Hùng không đi tìm một cách vô ích để diễn giải điều ấy, đơn giản anh chỉ mang lại cho người xem cái "chất người Hà Nội" một cách giản dị và chính xác nhất.
Ta có thể hiểu bộ phim như câu chuyện về những mảnh đời nhỏ trong một gia đình lớn nhưng ta cũng có thể hiểu bộ phim như là nhữung mặt khác nhau của cùng một số phận. Một thân phận con người. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Anh Hùng đã chọn nhạc Trịnh Công Sơn làm chủ đạo. Bản thân "Mùa hè chiều thẳng đứng" cũng có nét gì đó rất chung với nhạc Trịnh. Một nét Thiền, một nét đam mê. Một nét Hà Nội.
Mỗi người có một cách nhìn nhận và xử lý sự việc khác nhau về cùng một sự việc. Mỗi người có một bí mật (hay nhiều hơn?) cho chính mình, một "phía tối tâm hồn" mà ngay đến cả chồng hoặc vợ cũng không thể nào tới được. Âu cũng là một lẽ thường tình trong cuộc sống. Chính những điều bí ẩn ấy lại tạo nên sự quyến rũ ? Không phải Sương mà chính Khanh đã nói đến điều khao khát chưa thỏa của một người đàn bà trong Sương. Khi Kiên nhìn Quốc như một người hoàn hảo thì bên trong anh lai là một tâm hồn bất ổn. Quốc không tìm nổi sự bình yên trong mình ngay cả khi anh cố đến với thiên nhiên bình lặng. Sương và Quốc đều cố đi tìm cho mình một bến bờ khát vọng trong khi muốn níu kéo lại những gì tốt đẹp đã có trong cuộc sống gia đình. Cuộc ngoại tình của Sương không hề mang tính "tội lỗi", nó đơn giản chỉ là biểu hiện của một khát khao đuợc yêu thương chưa thỏa. Sự giằng co trong Quốc là có thật, nó là những tình cảm hoàn toàn tự nhiên của con người. Hóa ra tình cảm lại có thể xẻ chia ngay cả trong quan hệ vợ chồng. Có lẽ nỗi đau của nhân loại là tiền kiếp? Cuộc đối thoại của Quốc và lão ngư phủ là một trong những đoạn triết lý hay nhất của bộ phim. Khi Quốc khát khao được rời bỏ tất cả để tìm về với chính mình thì lão ngư lại không tài nào chịu được nỗi buồn cô đơn. Cả hai đề cố tìm cách quên lãng, chạy trốn dù chỉ trong khoảnh khắc nhất thời, những nối buồn nhân thế. Khi mà sự mất bình yên kéo dài thì nó ắt phải dẫn đến một nỗi buồn không tài nào hết được. Nỗi niềm tâm sự ấy, sự đau đáu ấy rất chung mà lại cũng rất Hà Nội. Có cá nhân và có cả trách nhiệm.
Tiết tấu của bộ phim khá chậm, nó có chút gì đó gần giống với nhịp điệu đời thường của Hà Nội. Cũng chầm chậm, từ tốn ngay cả trong những hối hả, dọc ngang hàng ngày trên phố. Sự khác biệt ấy làm nên Hà Nội, nó không tấp nập như Sài Gòn, không quá buồn như Huế. Như một khúc nhạc mà tiết tấu đủ để ta man mác, đủ để ta xao lòng. Hà Nội là đất của "Kẻ sĩ", đất của "Lề thói", đất của tinh hoa nên cho dù người Hà Nội được hình thành từ dân thập phương nhưng giá trị chung lại chẳng hề thay đổi. Bên trong những thong thả ấy lại là cả một dòng chảy cuồn cuộn, là những khao khát vươn tới một đỉnh cao hoàn mỹ nhất. Đạo đức trong xã hội là những điều ước lệ, ta không thể nào tuyệt đối hoá chúng, nâng cao chúng lên đến đỉnh tuyệt đối vì như thế chúng sẽ làm ta ngạt thở. "Cái chất Hà Nội" được thể hiện rõ trong những ứng xử ấy, khi đối diện với những điều không thể thì người ta biết được rõ hơn chính mình. Phải, đầu tiên là tự mình biết rõ mình.
Trong câu chuyện của ba chị em có một chút tò mò, có một chút ngưỡng mộ về một mối tình "nghi vấn" của người Mẹ quá cố. Khanh xếp nó vào loại "mối tình thời thơ ấu", họ nói với nhau bằng sự trong trẻo, không hề vẩn đục, như thế điều không thể lại là điều đáng được trân trọng, nâng niu.
Mối tình của Khanh và Kiên gần như hoàn hảo, nó đẹp như muôn ngàn gia đình Hà Nội khác và đôi lúc cũng có cả bão đông. Khi Kiên không tìm ra được cách kết thúc quyển sách của chính mình (hay là sự kết thúc cho tất cả các cặp vợ chồng khác?) thì anh lại gặp câu trả lời ngay trong cuộc sống. "Văn là Đời", điều ấy luôn có giá trị. Chuyến đi vào Sài gòn của Kiên hoàn toàn mang tính định mệnh và thử thách. Cả hai cuộc gặp gỡ của anh với người yêu cũ, Hiền, và một người đẹp đầy quyến rũ và bí ẩn chính là thử thách. Cuộc gặp gỡ không diễn ra ở phần đầu hay giữa cuốn tiểu thuyết như thường lệ, nó đã xảy ra ở chương cuối và sẽ quyết định số phận của tất cả quyển sách - cuộc đời. Cao trào của xung đột, của giằng co đã làm sáng rõ hơn bao giờ hết phẩm chất của người Hà Nội. Xin đừng hiểu một cách ngây thơ rằng tất cả mọi người Hà Nội đề có hành xử như Kiên trong phim. Anh đã dừng lại ở đúng điểm cần phải dừng lại. Cũng như Quốc và Sương đã biết làm như thế. Tất cả đều trung thực với lòng mình. Còn lại Khanh mong manh và trong trắng đến vô ngần cùng những giọt nước mắt của nỗi đau ngờ vực. Tất cả đều rất thật. Rất Hà Nội.
Tất cả diễn ra như trong một giấc mơ, trong khoảng thời gian giữa hai ngày Giỗ. Cuộc sống vẫn vẹn nguyên hình hài của nó với số phận, gia đình, trách nhiệm, hạnh phúc, gian dối, hy vọng...và tương lai. Bên cạnh những sự kiện cứ tăng dần cường độ ấy là sự xuất hiện rất tự nhiên của Hà Nội trong mọi góc độ. Những hình ảnh ấy dần dần in vào tâm trí của người xem, lắng đọng lại một vẻ đẹp không ngòi bút nào tả nổi. Trần Anh Hùng đã đưa chúng ta vào một cuộc viễn du ngay giữa lòng thành phố. Những điều đơn sơ nhất lại là những điều đẹp nhất. Hiếm có một bộ phim nào lại sử dụng thành công đến như thế các yếu tố trang trí hoàn toàn tự nhiên như trong "Mùa hè chiều thẳng đứng".
Đơn giản là Hà Nội, thành phố đã sản sinh ra những điều kỳ diệu và sẽ còn tiếp tục những huyền thoại sống ấy.
Mùa hè chiều thẳng đứng
Phần 2: CHÊ
(bởi Xthaovn - http://www.dienanh.net/forums/showthread.php?t=12996)
Nhân xthaovn đọc 1 bài viết về bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" trên DAN. Bài viết bình luận trong box này thì khen nhiều hơn chê, chắc tại ít ai chịu bỏ công ngồi viết về cái mình không thích. Lại lâu ngày không có "cãi nhau" nên nhớ DAN quá...
Phim quay rất đẹp. Nhưng về giá trị của phim, tùy mỗi người thôi, xthaovn không nghĩ nó hay đến độ như bài báo phía trên ca tụng.
Rất nhiều cảnh quay đẹp về bố cục nhưng nặng tính sắp xếp và không còn giữ được vẻ tự nhiên. Điển hình là cảnh Liên và anh chàng người yêu đứng dưới bóng đa, trước 1 bức tường gạch thô ven làng ... 2-3 đứa trẻ chăn trâu mờ ảo trước khung hình ... rất là giáo khoa, rất là bưu thiếp, rất là ... người Việt xa quê lâu ngày. Có lẽ cách thể hiện đó thỏa mãn những hình ảnh thân thương trong tiềm thức người xa xứ. Nhưng với chúng ta, những người đang sống trong không gian thật sự và sống động thì chúng chỉ như những tấm ảnh bưu thiếp.
Về ngôn ngữ, thật khó mà đồng cảm với giọng lơ lớ Pháp của nhân vật Liên, mà đó lại là hình ảnh của một cô gái trẻ Hà thành mới ghê chứ. Rồi cảnh Liên và Hải nắm tay nhau chạy dưới cơn mưa trên phố phường Hà Nội mà cứ như đang ở Paris vậy. Không thật. Xét về sự thuyết phục, nói hơi nặng, cảnh đôi tình nhân chở nhau bằng vespa quanh phố phường trong "Những cô gái chân dài" còn dễ nuốt hơn.
Về tâm lý của những nhân vật, tính cách Việt như phim mô tả cũng không thể nào hiểu nổi. Xthaovn không hiểu căn nguyên nào mà đạo diễn cho Liên năm lần bảy lượt trêu Hải những câu đại loại: "nhìn 2 đứa mình có giống đôi tình nhân không?"; "chúng mình trông cũng đẹp đôi đấy chứ". Xin hỏi trên khắp xứ Việt Nam này có em gái nào nói đùa với anh trai mình như vậy? Thật là lạ lùng Hay như vậy mới là văn minh và tự do?
Còn nhân vật nhà nhiếp ảnh ... quằn quại, trăn trở, ưu tư như nhà hiền triết lỗi lạc của phương Đông vậy ... mặt lúc nào cũng nhăn như quả mơ chua. Chẳng lẽ con người Việt Nam truyền thống là phải như vậy sao. Lại 1 kiến thức rất là giáo khoa và phiến diện của đạo diễn. Thật ra chẳng cần lí luận gì nhiều. Cứ nhìn vào tranh dân gian Đông Hồ, nhìn vào chèo, nhìn vào nghệ thuật tạo hình của cha ông ... sẽ hiểu cái cách triết lý của con người Việt không phải như "Mùa hè chiều thẳng đứng" mô tả. Họ triết lý nhưng rất đời, ưu tư nhưng cũng hài hước và dân dã ... làm gì toàn những con người quằn quại mỗi ngày mỗi giờ như thế.
Báo khen lời thoại không sáo, nhưng tôi thấy sáo gấp trăm lần phim Việt Nam. Cứ nghe cái đoạn lí luận về bàn tay phụ nữ và việc làm gà ngày giỗ thì biết sự ngớ ngẩn và thô thiển của lời thoại đến mức nào.
Cũng tiếc cho Lê Khanh và Như Quỳnh là 2 tên tuổi khá lớn trong làng điện ảnh lại chọn 2 vai không có gì là quá đột phá trong phim. Xem đoạn chị em cãi nhau thật không nhịn nổi cười, vì từ bé tới giờ chưa thấy người Việt nào hành văn trong lúc cãi nhau như thế cả. Chưa kể những đoạn âu yếm giữ nhân vật của Như Quỳnh và nhân vật của Lê Tuấn Anh nhìn khá gai mắt ... đơn giản vì chênh lệch tuổi hơi bị nhiều, mà phim cũng chẳng nêu chi tiết nào cho thấy người đàn bà có điểm quyến rũ nổi bật khiến anh chàng trai trẻ kia có thể quên đi chuyện tuổi tác, mọi chuyện cứ ào qua như tên bắn, cốt để dẫn tới "cảnh quan trọng" theo đúng như thủ tục "3 chương 2 hồi" của phim Tây Âu.
Phim này xem hình ảnh cho vui mắt, xem cho biết thêm 1 cách làm phim "ngồ ngộ" thì được, chứ bảo là tuyệt phẩm đáng để noi theo thì coi bộ lương tâm người viết hơi bị thấp. Không phải cứ đi dự Liên hoan quốc tế là hàng loại Nhất.
==========================================
Mọi người khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Đa phần các ý kiến đều có lý tuy đôi chỗ ca ngợi hơi sáo rỗng cũng như chê bai hơi khắt khe.
Phải nói ngay là viettien khen Mùa hè chiều thẳng đứng nhiều hơn chê nhưng vì những cái khen cũng khá giống bác Người Thăng Long rồi nên không nói lại nữa. Chỉ đề cập tới vài cái mình thấy hơi gờn gợn:
1. Cái giọng “Việt kiều” lơ lớ, ngòng ngọng của cô em út Liên (Trần Nữ Yên Khê đóng) đã gần như làm hỏng bộ phim.
2. Đạo diễn đã cho các nhân vật quá lạm dụng thuốc lá.
(12 phần trên YouTube - Có thể có password)
7 bình luận :
bác post cả 2 ý kiến một loạt, đọc thấy hay quá.
Có lẽ phải xem phim ngay
Mới xem được 1 part.
Cảm nhận ban đầu: Quay đẹp, kĩ lưỡng trong trang phục và bối cảnh, tiếc là âm thanh hơi nhỏ, các nhân vật đối thoại còn cứng, giọng như đọc, thiếu tự nhiên. Không hiểu sao phim của VK mà cũng mắc lỗi này?
Bác làm thế nào mà cái bảng thống kê nó đếm được tổng số lời bình vậy?
Chào bác!
Còm luôn một thể nhé :-P :
- Bác nói rất đúng về lời thoại như đọc. Tôi xem một số phim của VK (kể cả hướng về Tổ Quốc lẫn hướng ra Tổ Quốc - và thấy lỗi lời thoại thiếu tự nhiên là một đặc trưng).
- Tôi thích hình ảnh Hà Nội trong phim, ánh sáng đẹp... Cả nhà quây quần hát TCS...
- Còn số lời bình: một đoạn mã HTML thêm vào Template để làm điều này.
- Nhân thể, phỏng vấn bác về truyện ĐI bên nhà bác Lập: bác hiểu thế nào?
Cái truyện ngắn Đi thú thực tôi vẫn chưa "đọc" được nó. Như tôi đã hỏi bọ Lập, tôi rát thắc mắc về thông điệp của nó.
Có một số bác cũng đã đưa ra những kiến giải của mình về truyện ngày.tôi có đọc nhưng chưa bị thuyết phục, bác có đưa ra một liên tưởng theo lối chơi chữ với tiểu thuyết NGỒI, thú thật tôi vẫn chưa đọc nó nên không thật hiểu hàm ý của bác.
Tôi có trao đổi với 1 người bạn khi băn khoăn trong cái kết của truyện này.
Vấn đề là thêm 1 bước thì khác. Con số 2008 có thể suy luận là năm 2008 như bọ gợi ý, vậy năm 2007 có gì khác với năm 2008? Sang một thế giới mới có vẻ tươi đẹp hơn, nhẹ nhõm hơn nhưng rốt cuộc lại bị đóng khung bởi 1 con số 2007 thì có gì triết lí ở đây?
Một thế giới mới mở ra với 2007 bước chân. Lúc đầu tôi nghĩ, thế giới 2007 bước chân là 1 thế giới vô nghĩa vì chiến tranh ( đường mờ, hố sâu thẳm), bước thêm 1 bước là sang thế giới khác. Như vậy, truyện có thiên hướng phê phán cái thế giới hiện tại, nó vô nghĩa, đen tối, đưa con người vào chỗ chết.
Nhưng thế giới mới lại chỉ có 2007 bước chân, vậy làm sao có bước chân quyết định để rời bỏ cái thế giới mới mà cũ này?
Nếu đó chỉ là sự luẩn quẩn bé tăc thì chuyện chẳng có ý nghĩa gì hết, tôi nghĩ vậy, vì linh hồn bướm đã chỉ đường cho linh hồn người lính, ấy vậy mà cũng chẳng có cõi tiên...
Và luận theo cái suy nghĩ của tôi thì tác phẩm này nó lại chẳng có giá trị gì cả, không hiểu sao nó bị đánh.
Nhưng tôi vẫn cho rằng mình chưa giải mã được tác phẩm này
<span>- Còn số lời bình: một đoạn mã HTML thêm vào Template để làm điều này. </span>
..............
Bác cho tôi đoạn mã ấy đi
1. Cảm ơn bác đã nói chuyện về truyện ĐI. Quả thực tôi không hiểu gì sất O:-) . Đọc còm của bác cứ như ruộng hạn được mưa =-O .
2. Tôi không chắc có dùng được trên WP không. Để tôi tìm đoạn mã đó rồi post lên đây nhé.
Đăng nhận xét-bình luận
Cảm ơn Bình luận/Nhận xét của bạn.