16 tháng 8, 2009

Cài đặt WordPress trên 000Webhost


HOAN NGHÊNH MỌI NGƯỜI VÀO TRANG BLOG NÀY NHƯ NHỮNG NGƯỜI BẠN. CÒN AI ĐÃ ĐƯỢC VIETTIEN MỜI RA KHỎI NHÀ THÌ KHÔNG NÊN DÙNG LINK BÀI VIẾT NÀY ĐỂ LAI VÃNG Ở ĐÂY. SỰ ĐÁP TRẢ (~3GB tài liệu "thú vị") ĐÔI KHI NGOÀI SỨC TƯỞNG TƯỢNG.
(Tặng bác Mèo Bự)
I. ĐÔI ĐIỀU VỀ WORDPRESS VÀ CÁC HOST MIỄN PHÍ
WordPress (WP) là một trong những nền tảng tốt nhất cho những người viết nhật kí mạng (blogger) hiện nay. Nhiều người dùng WP vì nó có thiết kế trang nhã, thân thiện, dễ dùng, nhiều theme và nhiều plugin bổ sung, hỗ trợ tiếng Việt, và nhất là khả năng tùy biến rất cao.
Blog giống như một góc nhà trong phòng khách của chúng ta, và cũng là một lẽ thường tình, ai cũng muốn tạo một sắc thái riêng cho góc nhà đó. Hầu hết bà con hiện đang dùng WP do chính hãng WP cung cấp trên chính host của hãng này (wordpress.com). Ưu điểm của điều này là tính ổn định nhưng nhược điểm cố hữu lại là khả năng tùy biến blog hạn chế. WP.com cực kì bủn xỉn trong việc cho phép người dùng tùy biến giao diện cũng như thêm plugin vào blog. Hậu quả là nhà ai trông cũng na ná như nhau. Đơn điệu!
Giải pháp cho vấn đề này là cài đặt WP trên một host khác có hỗ trợ WP. Nếu bà con có “xèng” thì mua một host trả tiền (khoảng $1 - $xyz/tháng tùy host). Tuy nhiên, hình như mọi người đều thích “đồ chùa” hoặc ngại/gặp khó khăn trong thanh toán trực tuyến. Rất may là hiện nay host miễn phí “nhiều như lợn con” , thoải mái lựa chọn. Song vì là đồ chùa nên đúng là “thượng vàng hạ cám”, mỗi nhà cung cấp lại có những yêu cầu, đòi hỏi riêng... Phổ biến nhất là chèn quảng cáo và đòi tham gia post bài trên forum của họ.
Theo tìm hiểu của viettien sau khi tham khảo ý kiến nhiều người thì hiện nay 000Webhost và Byethost là 2 host miễn phí tốt nhất cho WP (và không chỉ WP). Trước khi giới thiệu về cách cài đặt WP lên một host miễn phí, có lẽ chúng ta cũng cần biết đôi chút về 2 host nêu trên.

000webhost
000webhost là một trong các nhà cung cấp host miễn phí có nhiều tính năng và đáng tin cậy nhất. Bạn được cung cấp 1500 MB dung lượng trên host và 100GB bandwith, và tất nhiên là không thể thiếu PHP và MySQL. Host này có Control Panel (Cpanel) quản lý rất phổ biến hiện nay (CPanel và Fantastico Autoinstaller) với rất nhiều các tính năng quản lý web hosting, giúp bạn dễ dàng cài đặt các nền tảng khác như: Joomla, Drupal, PHP Website v.v...

Các tính năng cơ bản của 000Webhost:

• cPanel control panel: Bảng điểu khiển Cpanel
• Website Builder: Công cụ tạo Website tự động
• 1500 MB disk space: Dung lượng cho phép của mỗi tài khoản
• 100 GB bandwidth limit: Băng thông tính trên tháng cho mỗi tài khoản
• PHP scripts Autoinstaller: Script cài PHP tự động
• Backup options: Các chức năng Sao lưu
• 99.9% uptime: thời gian host hoạt động
• FTP and File Manager support: Hỗ trợ FTP và tải file từ host
• Webmail: Cung cấp Webmail riêng cho mỗi tài khoản
• No advertisement: Không quảng cáo

Byethost
Byethost cung cấp dịch vụ host miễn phí, tên miền, website miễn phí và rất nhiều cách dịch vụ khác trên nền web. So với 000Webhost, Byethost hỗ trợ nhiều nền tảng hơn, cung cấp dung lượng lưu trữ và băng thông nhiều hơn. Byethost là nơi rất tốt nhất để host blog cá nhân hoặc website của các công ty, tổ chức nhỏ. Có thể nói Byethost rất thích hợp cho các newbie.
Byethost cung cấp miễn phí FTP, PHP và MySQL cùng với dung lượng cho mỗi tài khoản là 5500MB và bandwidth 200GB giúp cho bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Byethost có Cpanel quản lý hosting được thế kế riêng (gọi là Vista Panel) giúp cho bạn thêm domain hay quản lý các tác vụ khác thật sự dễ dàng, đơn giản.
Các tính năng cơ bản của Byethost:
• 5500 MB disk space: Dung lượng cho phép của mỗi tài khoản
• 200 GB bandwidth transfer: Băng thông tính trên tháng cho mỗi tài khoản
• 50 addon domains, 50 parked domains, 50 sub domains: Số tên miền thêm vào, ánh xạ và tên miền con
• 50 MySQL databases: Số lần được dùng MySQL
• VistaPanel and Automatic Script Installer: Cpanel và trình cài đặt file tự động
• FTP account and File Manager: Hỗ trợ FTP và tải file từ host
• POP3, Web-based Email: Hố trợ giao thức mail POP3 và Webmail
• Free website statistics: Thống kê website
• Password-protected files: Tạo mật khẩu cho file
• Instant activation: Đăng kí ngay lập tức (hình như không phải vậy với user từ Việt Nam)
• No advertiserment: Không quảng cáo

Với người dùng thông thường, 2 thông số Bandwidth transfer và No advertisement có lẽ là đáng quan tâm nhất. “Không quảng cáo” tức là nhà cung chấp dịch vụ không chèn quảng cáo bắt buộc vào blog hay website của người dùng. “Băng thông” được hiểu là lưu lượng dữ liệu được lưu chuyển mà mỗi tài khoản được phép sử dụng tính trên một tháng. Băng thông này được tính mỗi khi dịch vụ của bạn có khách viếng thăm. Giả sử tổng dung lượng trang chính của blog là 300KB. Khi tôi vào trang này blog, tôi đã dùng hết 300KB trên tổng số dung lượng cho phép của tài khoản của bạn. Theo cách hiểu này, trang web càng chứa nhiều multimedia và bạn có càng nhiều khách thì bạn cần phải có càng nhiều băng thông. Tuy nhiên, với băng thông 100GB và 200GB một tháng thì có lẽ quá đủ cho một blog cá nhân.
Tới đây hẳn bà con sẽ hỏi thế thì làm thế nào để “chạy” WP trên host 000Webhost hay Byethost?
Nội dung phần tiếp theo chính là câu trả lời cho câu hỏi trên.

II. CÀI ĐẶT WP TRÊN 000Webhost
-->
Thông thường mọi người đăng kí dịch vụ của WP.com và mặc nhiên có một blog chạy trên nền tảng WP. Đơn giản như vậy vì WP.com đã thực hết các bước thiết lập trên host cho người dùng. Còn trên các host khác, người dùng phải cài đặt WP cho mình. Dưới đây là hướng dẫn về cách cài WP lên host 000Webhost.
Tại sao lại chỉ cài đặt WP trên 000Webhost?
Về nguyên tắc, các bước cài WP trên 000Webhost và Byethost là tương tự như nhau (thậm chí còn dễ dàng hơn trên Byethost thông quan trình cài đặt tự động Fantastico). viettien chọn giới thiệu cách cài đặt WP trên 000Webhost vì nó khó hơn ( ?). Nếu bà con thích WP trên Byethost thì có thể làm tương tự như trên 000Webhost.

  1. Đăng kí một chỗ trên mạng với 000Webhost
    Vào www.000webhost.com. Làm theo hướng dân để đăng kí một tài khoản 000Webhost. Thông thường sau khi đăng kí thành công ta sẽ có một địa chỉ dạng http://username.net00.net/ (00 là bất kể số nào).
    Chú ý: tôi đăng kí 2 tài khoản một lúc và thành công ngay lập tức trong khi bác Mèo bự lại nhận được thông báo phải chờ 24 tiếng sau. Do đó, bà con cần kiên nhẫn ở khâu này)
  2. Download bản WP mới nhất từ http://wordpress.org/download/ (bản mới nhất hiện nay là 2.8.4)
  3. Giải nén file WP vừa download tới một thư mục trên ổ cứng (tới Desktop/wordpress chẳng hạn)
  4. Đăng nhập vào tài khoản 000Webhost từ http://members.000webhost.com/login.php
    Click vào “Go to CPanel “. Trang tiếp theo là toàn bộ những công cụ và dịch vụ mà 000Webhost cung cấp cho người dùng. Rất nhiều thứ phải không? Bà con sẽ nghiên cứu dần dần sau. Bây giờ ta phải chuẩn bị cho việc cài đặt WP lên 000Webhost.
  5. Để WP chạy được, ta cần tạo một cơ sở dữ liệu SQL cho nó. Trong mục Software/Services, chọn MySQL để mở trang “Manage MySQL Databases”. Click chuột vào “Create new database” để tạo một cơ sở dữ liệu.
    Bà con tùy ý chọn tên và password để nhập vào bảng rồi nhấn nút “Create database” nhưng phải ghi nhớ các thông tin này để dùng ở bước tiếp theo. Tốt nhất là không rời khỏi trang này sau khi đã nhấn nút “Create database”(cứ mở nguyên cửa sổ trang), và chuyển sang bước tiếp theo.
    Lưu ý:
-->
    - mỗi account miễn phí chỉ có thể tạo SQL với số lần hạn chế (hình như là 2 lần với 000Webhost) nên cần phải cẩn thận ở bước này.
    - 000Webhost có cung cấp trình cài đặt WP tự động là Fantastico Autoinstaller nhưng hiện nay 000Webhost đang nâng cấp phần mềm này và không hứa là đến bao giờ mới xong. Nếu dùng Byethost, bà con chỉ việc chạy Fantastico Autoinstaller để cài WP (bản 2.8.2).
  1. Mở thư mục vừa giải nén WP tới
    - Tìm file “wp-config-sample.php” và đổi tên thành “wp-config.php”. Dùng “notepad” hoặc “wordpad” mở file này để thêm các thông số cần thiết (dễ quan sát hơn với wordpad).
    - Tìm tới các dòng sau và thay đổi như gợi ý:



    define('DB_NAME', 'tên CSDL');

    define('DB_USER', 'tên người dùng');

    define('DB_PASSWORD', 'mật khẩu');

    define('DB_HOST', 'mysql11.000webhost.com');


      Các thông tin này hiện có ở trang tạo SQL (mục 5). Bà con biết tại sao tôi khuyên không nên đóng trang đó rồi chứ? Bây giờ chỉ việc copy và dán các thông tin tương ứng vào. Nhớ lưu lại các thay đổi của file “wp-config.php” này (DB_HOST luôn là mysql11.000webhost.com).

  2. Upload toàn bộ thư mục wordpress lên 000Webhost. Đây là bước khá đơn giản nhưng nhiều bà con lại gặp lúng túng.
    Lưu ý: các file và thư mục phải được upload vào bên trong thư mục “public_html” trên 000Webhost. Nên tạo cho WP một thư mục riêng (tôi đặt các file trong thư mục WP)
    000Webhost cung cấp một chương trình quản lí file có tên File Manager (trong Files của Cpanel). Bà con có thể dùng trình “Upload” hoặc “Java Upload” của File Manager để tải file lên host. Tuy nhiên, cách này có nhiều hạn chế như dung lượng file, upload thư mục khó khăn...
    Do đó, tôi nghĩ bà con nên dùng một chương trình FTP nào đó để làm việc này. Tôi bỏ phiếu cho Filezilla Client (http://filezilla-project.org/). Chương trình FTP rất dễ dùng và khắc phục được các hạn chế của các trình quản lí file trực tuyến (web-based File Manager).
    Nếu dùng Filezilla, lưu ý:
    - Host: là tên miền trên 000Webhost của bạn. Giả sử của tôi là: viettien.net16.net
    - Username, password: username ở đây là tên người dùng mà 000Webhost gán cho account của bạn. Bà con có thể thấy nó ngay dưới mục “Account Information” khi đăng nhập vào tài khoản 000Webhost.
    • Port: 21 (để trống cũng được)
    • Click “Quickconnect” để kết nối với tài khoản của bạn trên 000Webhost. Việc tải file lên host lúc này đơn giản như thực hiện trên PC (tức là kéo thả, copy...).

  1. Cài đặt WP.
    Sau khi đã tải toàn bộ file của WP lên 000Webhost, bà con chạy file cài đặt WP từ trình duyệt của mình. Đường dẫn như sau:
    http://tên_miền/thư_mục_chứa_WP/wp-admin/install.php
    Giả sử: http://meobu.net16.net/WP/wp-admin/install.php
    Nếu khó hình dung thì bà con có đăng nhập vào tài khoản 000Webhost để duyệt file cài đặt từ File Manager. Tìm tới thư mục WP vừa tải lên, tìm tới wp-admin, tick chọn “install.php” rồi nhấn Open.
    Nếu mọi việc suôn sẻ, ta sẽ nhìn thấy màn hình Welcome cài đặt của WP. Bà con nhập tên cho blog và địa chỉ email hợp lệ của mình, rồi nhấn nút “Install Wordpress”.
    Việc cài đặt diễn ra trong vài giây. Thông báo cài đặt thành công sẽ đi kèm với Usename là “admin” và một password ngẫu nhiên do WP tạo ra. Mặc dù có thể thay đổi sau nhưng bạn phải ghi nhớ password lúc này nếu không việc cài WP sẽ thành “công cốc”.
  2. Đăng nhập vào blog WP
    Bà con vào phần quản lí blog qua đường dẫn sau:
    http://tên_miền/thư_mục_chứa_WP/wp-admin.php
    Giả sử: http://meobu.net16.net/WP/wp-admin.php
    Nhập username: admin và password: là mật khẩu ở bước 8.

Tới đây, việc cài đặt WP trên host 000Webhost đã thành công. Bạn có thể thực hiện gần như mọi thao tác tùy biến mà trước đó không thực hiện được khi dùng WP trên host WP.com. Từ việc thêm theme ngoài, plugin, chỉnh sửa giao diện... nói chung tất tần tật.
Có 2 lưu ý nhỏ là:
1. File "wp-config.php" chứa các thông tin nhạy cảm. Mặc dù người dùng bình thường không thể đọc được nội dung file này trên host 000Webhost nhưng nó nằm ở thư mục "public_html" nên nếu thấy cần, ta có thể chuyển (move) file này tới thư mục gốc (root), tức là ra ngoài thư mục "public_html". Khi cần, WP sẽ tự động tìm file này trên host. Tuy nhiên, nếu ngại gặp trục trặc thì bạn cứ để nguyên nó ở thư mục cài đặt WP.
2. WP trên host WP.com là gà nhà nên có tính tương thích rất cao còn WP trên host khác (000Webhost, Byethost...) đôi khi đòi hỏi người dùng phải “tinh chỉnh” chút ít để có thể chạy một cách mượt mà. Tuy nhiên, trước mắt, bà con cứ cài WP trên 000Webhost hoặc Byethost cho thành công. Các phát sinh sẽ tính sau.

Chúc mọi người thành công.

15 tháng 8, 2009

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM







Đây là chương IV trong cuốn sách mang tên Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng của tác giả Ban Mai. Chính phần gây tranh cãi này đã khiến cuốn sách bị UBND tỉnh Bình Định đình chỉ phát hành.

"Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng." Với người mẹ, cái chết của bất cứ đứa con nào cũng đều đau đớn như nhau.

Sự thật thì vẫn vậy nhưng nói lên sự thật như thế nào thì có nhiều cách khác nhau. Ban Mai đã chọn cách bày tỏ không phù hợp với quan điểm của những người nắn "dòng chảy" chính. Vậy thôi!



-------------------

Chương IV. TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM


Mở đầu tập Ca khúc da vàng viết năm 1967, Trịnh Công Sơn bày tỏ nỗi đau thống thiết: “Tất cả đã bể, đã vỡ toang. Tiếng thét đã chìm xuống biển thành tiếng nói trầm tư, thành lời kêu uất về thân thế Việt Nam. Tiếng nói vang lên từ những hố bom đào lên cùng khắp. Ơi những bạn bè thân yêu đã chết từ đỉnh cao hay vực thẳm. Con người đã hóa thân làm vết thương. Cái chết hóa thân làm biểu tượng vô nghĩa. Đã biến hình đổi dạng từ những cơn hiểm họa cay nghiệt nhất của nhân loại. Lìa cha mẹ, anh em, bằng hữu yêu dấu vô cùng. Hãy kết hỏa châu làm đèn đãi ngộ quỷ dữ. Đốt đuốc cho người điên ấm phố mùa đông. Cả một hành trình hùng vĩ của giống nòi từ miền Triết Giang đổ về bây giờ như thế đó. Hỡi người yêu da vàng của tôi hãy duỗi tay thật dài về phía hố thẳm vốc lấy những hạt đất mềm mỏng đó mà hôn. Tôi sẽ làm người tiều phu đi nhặt từng cánh tay, bàn chân, từng đốt xương, sọ người vung vãi khắp nơi về làm củi đốt sáng cho đêm tìm lại dấu vết của một hành tinh Việt Nam da vàng bặt tăm. Ám khí dày đặc, làm sao thấy rõ mặt nhau. Hãy thử bắt đầu bằng tiếng hát như ca dao của tổ tiên ta ngày xưa đó”. ("Da vàng ca khúc" Trịnh Công Sơn) [53]

Trong ca khúc Gia tài của mẹ sáng tác năm 1965, Trịnh Công Sơn cho rằng đây là cuộc chiến tranh nội chiến.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.

(Gia tài của mẹ – 1965)

Chính quan điểm này đã làm cho chính quyền Miền Bắc e ngại ông. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu của thời hậu chiến, có người quá khích ở chiến khu đã tuyên bố khi về Sài Gòn sẽ “xử tử” Trịnh Công Sơn (2). Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi. Với tôi, tôi đồng cảm cùng suy nghĩ của Trịnh Công Sơn, bởi vì đứng trên góc nhìn dân tộc, cái chết nào cũng đau xót như nhau. Vì tất cả đều chung giòng máu Lạc Hồng(3). Đó chính là bi kịch của người dân Việt. Với trái tim nhạy cảm và nhân ái vô cùng, Trịnh Công Sơn đã nhận ra điều vô lý ấy. Trong bài nói chuyện Trịnh Công Sơn vì hòa bình và tình yêu do Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tổ chức tại Paris đêm 3-5-2003, giáo sư Cao Huy Thuần đặt câu hỏi: “Có cái gì nổi bật trong nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn?” và khẳng định: “Chẳng có gì ngoài chữ tình”. [8] Đúng, nhạc chiến tranh của ông bắt nguồn từ tình yêu thương, nó là những bài tự tình dân tộc, ông nói hộ cho dân tộc thân phận khổ ải của kiếp người trong chiến tranh, là tiếng kêu thương tuyệt vọng của người dân trong cảnh thịt xương tan nát.

Ôi da vàng Việt Nam vỡ nát
Xương thịt đó thiêng liêng vô cùng.
Khắp đất nước tràn đầy xác người:
Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy,
bên những vồng ngô khoai.

(Bài ca dành cho những xác người – 1968)

Là một trí thức, ông ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng của các thế lực quốc tế. Cảm nhận được nỗi đau mất mát ấy, cho nên dù đang ở trong cái thế chống đối nhau, tự trong thâm tâm của người dân Việt, họ vẫn thấy yêu nhau, gần nhau:

Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn, tôi đi môi gọi thầm,
Gọi tên anh, tên Việt Nam,
Gần nhau trong tiếng nói da vàng.

(Tình ca của người mất trí – 1967)

Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt. Trong thực tế cuộc đời, có khi họ là anh em, cha con, là người yêu của nhau, nhưng vì khác chiến tuyến, nên nhìn nhau xa lạ. Khi người Việt đó: Bỏ xác trôi sông, chết ngoài ruộng đồng / Chết rừng mịt mùng, chết lạnh lùng / Mình cháy như than, chết cong queo / Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu / Chết nghẹn ngào, mình không manh áo (Tình ca của người mất trí - 1967).

Trịnh Công Sơn cho rằng, đây là cái chết do một trận địa chấn, một cơn hồng thủy. Một cái chết không nằm trong dự tính của họ. Họ bị những cơn hiểm hoạ cay nghiệt nhất của nhân loại, vô hình xô đẩy nhau vào mâu thuẫn, hận thù. Nhưng trong sâu xa nơi tâm hồn, họ không thấy sự mâu thuẫn, hận thù mà chỉ thấy một màu da thơm mùa lúa chín, thấy yêu nhau, thấy gần nhau trong tiếng nói Việt Nam [23].

Huế Sài Gòn Hà Nội
Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
Huế Sài Gòn Hà Nội trong ta đau trái tim
Việt Nam.

(Huế – Sài Gòn – Hà Nội – 1969)

Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh “uỷ nhiệm” của các nước lớn.

Hai mươi năm là xác người Việt nằm
Làm sao ta giết hết những đứa con Việt Nam?
Xưa ta không thù hận
Vì đâu tay ta vấy máu?

(Tuổi trẻ Việt Nam – 1969)

Nói như Bửu Ý “… Chiến tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do người cầm súng, nó diễn ra ở bàn tròn, ở trong lòng người, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh… Giữa một nền trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn, ta nên nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý…”.[6] Theo Lê Trương, những bài ca nổi tiếng trong giai đoạn này như Tình ca của người mất trí, Ca dao mẹ, Gia tài của mẹ, Đi tìm quê hương là những bài hát có ca từ rất buồn thảm, giai điệu blues dìu dặt, thở than, kể lể như tiếng khóc của một người đàn bà trong góc phòng tối, rồi bỗng nhiên nức nở, gào thét thảm thiết. Ông nói hộ những gì trong tâm hồn họ bị nổ ra vì quá đau khổ, u uất, vì không thể đè nén lại được nữa. Những ước mơ từ lâu họ không được quyền nói tới, phải được chôn sâu vào trong lòng, nay bỗng bùng lên trong tiếng hát của người mất trí. [23]

Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”…

(Chiến tranh Việt Nam và tôi – Nguyễn Bắc Sơn) [62]

Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì… phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. “Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng” (Nhật ký Đặng Thùy Trâm). [11]

Trong khi đó, ở chiến tuyến khác, trong bài Nghinh địch hành Hà Thúc Sinh viết:

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
mà ăn uống cho say
Ta cũng người như chú
cũng nhỏ bé trong đời
có núi sông trong bụng
mà bất lực hôm nay

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào.

Một người lính Cộng hòa nói với một bộ đội miền Bắc như nói với anh em, và quả thật họ là anh em cùng giống “da vàng mũi tẹt” mà ra. Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích. [62]

Cũng như bao người trí thức miền Nam khác, Trịnh Công Sơn đau đớn nhận ra điều ấy, những thảm cảnh mất mát mà ông thấy trong trái tim của ông.

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.

(Hát trên những xác người – 1968)

Trịnh Công Sơn viết: “Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định. Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên định hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngắn hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo. Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại.

…Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông. Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình. Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một tổ quốc đích thực.

… Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ. Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn. Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản. Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiển linh” (Kinh Việt Nam–1968).(4)

Bửu Chỉ nhận định: “Tắt một câu, trong dòng nhạc phản chiến của mình, Trịnh Công Sơn đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả. Mà tất cả làm theo mệnh lệnh của con tim mình (…). Trái tim nhân ái, nhạy cảm, chỉ biết nói lên những cảm xúc nồng nhiệt của mình đối với quê hương, dân tộc, dù thiếu vắng một thái độ chính trị, nhưng trung thực. Nghĩa là tự đáy lòng mình thì mình nói”.[5]

Nhận định của Bửu Chỉ thật sâu sắc, tuy nhiên theo tôi, Trịnh Công Sơn không phải không có thái độ chính trị. Thái độ chọn lựa của ông đã thật rõ ràng. Ông thật sự không tham gia bên nào, vì đứng bên nào, ông cũng thấy trái tim mình nhói đau. Như một trò chơi, bạn bè thân của ông chia đều ở hai phía:

Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương

(Xin mặt trời ngủ yên – 1964)

Người miền Nam thấy mình trong ca khúc Cho một người nằm xuống, Trịnh Công Sơn thương tiếc Lưu Kim Cương, một Đại tá Không quân Việt Nam Cộng hòa tử nạn, là một người bạn hào hiệp của ông:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa về cội nguồn…
Những xót xa đành nói cùng hư không.

(Cho một người nằm xuống – 1968)

Người miền Bắc lại bắt gặp mình khi ông chia sẻ nỗi đau:

Tôi mất trong chiến tranh này
Bao nhiêu bao nhiêu nụ cười
Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui…

(Tôi đã mất – 1970)

Trịnh Công Sơn đau đớn khi nhìn nước Việt ly tan:

Mẹ Việt Nam ngồi
Ngày đêm tiếng cười
Rộn ràng khắp nơi
Một nước linh thiêng
Một màu da vàng
Người dân no lành
Hội hè suốt năm
…Nhưng hôm nay
Quê hương là miền Nam
Quê hương là trái sáng
Quê hương chở đầy hòm.
…Nhưng hôm nay
Quê hương là Hà Nội
Quê hương là cuộc đời
Những đứa trẻ mồ côi.

(Nhưng hôm nay – 1967)

Mùa hè đỏ lửa 1972, Trịnh Công Sơn viết: “Những thành phố và những xác chết của tháng 5/1972, một lần nữa, tôi không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ. Cuộc chiến đã không muốn ngừng, và có lẽ còn mang nhiều bộ mặt mới mẻ, thảm khốc hơn. Phải chăng những hồi chuông báo tử chưa đủ làm mềm lòng cuộc sinh sát”.(5)

Với Trịnh Công Sơn, trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.

Rồi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh chấm dứt, người ta nghe tiếng ông hát Nối vòng tay lớn trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Nhiều người miền Nam sửng sốt và thấy bị tổn thương như bị phản bội khi mà trái tim họ vốn đã tan nát khi Sài Gòn vừa thất thủ.

Giải thích hành động này ra sao?

Văn Cao mấy chục năm trời im hơi lặng tiếng, bỗng vỡ òa niềm vui với ca khúc Mùa xuân đầu tiên ở cùng thời điểm này, với những ca từ đầy chất nhân văn:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…

Mùa xuân thanh bình đầu tiên của đất nước, không phải là mùa xuân hoan ca chiến thắng. Với Văn Cao, đó là mùa xuân bừng tỉnh nhận ra tính nhân bản của người Việt bị đánh mất trong chiến tranh giờ đây cần phải được đánh thức trong mỗi con người:

Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

(Mùa xuân đầu tiên – Văn Cao)

Phải chăng những nghệ sĩ lớn đều như vậy, như đứa trẻ chỉ biết ca lên niềm hân hoan của dân tộc trong ngày vui chung của đất nước, sau bao năm ngăn cách. Vẫn là niềm vui vượt trên mọi quan điểm chính trị.

Ở Việt Nam, cái logic tư duy của người Việt thường thấy là: không bên này là bên kia. Điều này cũng dễ hiểu vì thực tiễn lịch sử Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ đã đặt con người vào cách tư duy trên. Thái độ không thật sự bên nào của Trịnh Công Sơn đã khiến ông rơi vào cái nhìn nghi ngờ từ cả hai phía.

Bên Cộng Hòa có người đã cho ông là “hèn nhát”: “Trịnh Công Sơn, ông chỉ là một cây sậy, hơn thế nữa, là một cây sậy yếu hèn (cho dù có là “cây sậy biết suy nghĩ” tới đâu). Trong lớp vỏ của một cây sậy, của một thể chất yếu đuối, là một bản chất yếu đuối…Là cây sậy, ông khó mà đứng thẳng trước những trận gió ào ạt, những trận cuồng phong. Ông phải cúi rạp xuống. Là cây sậy, ông cũng tham sống sợ chết, cũng thích ăn ngon mặc đẹp, cũng run sợ trước bạo lực, cũng lo âu trước những nỗi bất an, những mối đe dọa rình rập…”. [22]

Người ta nói “ông phải cúi rạp xuống… cũng run sợ trước bạo lực…”. Thế nhưng, khi nghiên cứu cuộc đời và nội dung các sáng tác của ông (các bài viết và gần 300 ca khúc), tôi không hề bắt gặp điều đó. Thậm chí, Trịnh Công Sơn rất ý thức khi không sáng tác một ca khúc nào có ca từ ca ngợi lãnh đạo, lãnh tụ hay ca ngợi thể chế mình đang sống, dù trong thời chiến tranh hay thời hậu chiến. Đó là lòng tự trọng của người trí thức mà không phải ai cũng có được.

Bên cộng sản, những người quá khích thì “gạt ông qua bên lề” vì thiếu vắng lập trường chính trị. Trịnh Công Sơn chênh vênh giữa hai “lằn đạn”… Mặc kệ những phán xét, ông sống theo suy nghĩ của riêng mình. Tôi nghĩ rằng, thái độ kiên định lập trường sống và hoạt động nghệ thuật của riêng mình chính là bản lĩnh hiếm có của một nghệ sĩ lớn. Là một nghệ sĩ, ông dùng lời ca để hát lên thân phận con người trong chiến tranh, kêu gọi hòa bình và tình yêu thương. Hành động dấn thân với tư cách là người nghệ sĩ đấu tranh cho hòa bình, theo tôi là một chọn lựa dũng cảm, đầy tính nhân văn của một trí thức. Và hành động ở lại Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư, thở cùng nhịp thở với đất nước, đau cùng nỗi đau của dân tộc là logic của một nhân cách lớn. Chính điều ấy đã làm ông trở thành một công dân “ngoại hạng”.

Và một nghịch lý đã xảy ra: Người dân bên nào cũng đều thích hát nhạc của ông, nhưng trớ trêu thay, chính quyền bên nào cũng đều cấm đoán.

Tại sao chính quyền phải run sợ trước những lời ca phản chiến?

Vì quả thật, những gì Trịnh Công Sơn nói lên qua ca khúc của ông đều là nỗi lòng và mơ ước chung của mọi người dân nước Việt. Đó chính là tiếng nói của lương tâm con người. Năm trăm năm trước, Nguyễn Trãi cũng đã từng nói lên nỗi phẫn nộ và đau xót trước cảnh tàn hại do giặc Minh xâm lược gây ra: “…Dân chúng lưu ly, những nỗi lìa tan không kể xiết, binh sĩ đánh chác, luôn năm chết chóc đáng thương thay!”. (Biểu Cầu phong – bài 21). [33] Và trong Bình Ngô đại cáo, ông cũng nói lên thân phận con người bị giày xéo trong chiến tranh:

Nướng con đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…
Người bị ép xuống biển, dòng lưng mò ngọc,
ngán thay cá mập thuồng luồng
Kẻ bị đem vào núi, đãi cát tìm vàng,
khốn nỗi rừng sâu nước độc…
Nặng nề những nỗi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi. [17]

Lịch sử Việt Nam như chúng ta biết, là một đất nước luôn luôn bị chiến tranh giày xéo, nội chiến phân ly. Vì vậy, những người dân trong đất nước này từ bao đời phải luôn sống trong cảnh ly tan. Hết giặc nọ đến giặc kia trùng trùng bủa vây. Đại thi hào Nguyễn Du cuối thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ 19, cũng nói lên nỗi thống khổ của người dân trong cảnh loạn lạc: Lần phố xin miếng ăn / Cách ấy đâu được mãi / Chết lăn rãnh đến nơi / Thịt da béo cầy sói (Sở kiến hành). [17]

Trịnh Công Sơn, giữa thế kỷ 20 cũng nói lên bao cảnh thương tâm diễn ra hằng ngày trên một đất nước tang tóc chiến tranh.

Từng chuyến bay đêm, con thơ giật mình,
Hầm trú tan hoang, ôi da thịt vàng…
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng.
Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.

(Đại bác ru đêm – 1967)

Trần Hữu Thục đã rất tinh tế khi nhận ra: “Trong nỗi bi phẫn vì chiến tranh, Trịnh Công Sơn lên tiếng kêu gọi tranh đấu, đồng thời nói lên những khát khao hòa bình với những ca từ hùng hồn, mang tính đấu tranh thúc giục và đầy niềm tin về tương lai: Việt Nam ơi / Còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau / Triệu chân em / Triệu chân anh / Hỡi ba miền vùng lên cách mạng (Huế – Sài Gòn – Hà Nội -1969). Hầu hết những ca từ mạnh mẽ hô hào đó, không phải là những hô hào chém giết, mà là hô hào chiến đấu cho hòa bình”. [50]

Trịnh Công Sơn vẽ ra hình ảnh một đất nước sau chiến tranh rất huy hoàng:

Ta cùng lên đường
Đi xây lại Việt Nam
Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao
Vác những cây rừng to
Về nơi đây ta xây dựng nhà
Dựng làng mới cho dân ta về
Dựng nhà mới cho miền quê.

(Dựng lại người dựng lại nhà – 1968)

Cũng theo Trần Hữu Thục, ẩn đằng sau những ca từ cho một viễn cảnh thanh bình đó, vẫn là những dòng nước mắt, là nỗi ưu tư nhân thế, là tâm trạng đớn đau cùng cực của thân phận nhỏ bé của kiếp người. “Vẫn là hạt bụi, vẫn là nỗi khắc khoải siêu hình trước cuộc nhân sinh. Chiến tranh, quê hương thân phận con người cuộn xoáy vào với nhau tạo thành một bi kịch. Rốt cuộc, thực chất cuộc đời ông là một kẻ suy ngẫm về kiếp người, một tên hát rong suốt đời lang thang, buồn bã. Chiến tranh cũng là bi kịch nhân sinh, như mọi bi kịch khác. Bởi vậy, có những lúc ông hô hào, reo ca đấu tranh cho hòa bình, thân phận ông cũng thế. Vẫn là một thân tượng buồn!” [50]

Vẫn là:

Trên đời người trổ nhánh hoang vu
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế.
… Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa.

(Cỏ xót xa đưa – 1969)

Có lẽ từ lần đầu tiên đặt bút viết, Trịnh Công Sơn đã nghiệm ra được chân lý riêng của mình: “Cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Đó là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống, cũng như thông điệp tình yêu và nhân ái đến với những tâm hồn yêu chuộng hòa bình và những con tim đang bị ngộ độc bởi ngòi thuốc nổ”. Cuối cùng gì, thân phận ông cũng như một ngọn cỏ bên đường. Và chính ngọn cỏ bé nhỏ đó đã tạo thành một Trịnh Công Sơn khác, mang ông đi vào vĩnh cửu.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, thân phận da vàng của một nước nhược tiểu được Trịnh Công Sơn đẩy đến tận cùng:

Người nô lệ da vàng ngủ quên
Ngủ quên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ…

(Đi tìm quê hương – 1967)

Với cái nhìn tỉnh táo, Trịnh Công Sơn đã nhận ra thân phận “nô lệ da vàng” của người Việt trong chiến tranh. Ông luôn nhắc nhở chúng ta về một dòng giống Lạc Hồng trong bối cảnh tranh giành quyền lợi của các nước lớn. Bởi vì, người Việt sống nhưng không có chủ quyền trong tay, sinh mạng bị phụ thuộc vào ngoại bang, giá trị làm người bị phủ nhận, thì khác gì một nô lệ. Trịnh Công Sơn hỏi: Vậy thì tại sao lại có cảnh nội chiến? Đây là lời tố cáo:

Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng,
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình…

(Gia tài của mẹ – 1965)

Sự xuất hiện của hai chữ lai căng trong ca từ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Lai căng tức là từ bỏ con người văn hóa dân tộc của mình để biến thành một người khác. Lai căng là phụ thuộc ngoại bang từ bên này hay bên kia, bằng cách này hay cách khác. Bọn lai căng đó trở thành một lũ bội tình dân tộc, vì luôn luôn đứng sát với ngoại bang để bóc lột, mưu cầu quyền lợi, hãm hại đồng bào mình.[23] Lời mẹ dặn con chớ quên màu da vàng, dặn con giữ gìn màu da vàng chính là một cách phản kháng tâm thức nô lệ, một hình thức chống lại những khuynh hướng lai căng đang đe dọa:

Dạy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da nước Việt xưa
Mẹ trông con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù.

(Gia tài của mẹ – 1965)

Dân tộc của ông là trăm trứng nở ra trăm con trong huyền thoại lịch sử, cùng giống Con Rồng Cháu Tiên. Dân tộc của ông là thế: là tất cả mọi người, không phân biệt Nam-Bắc, không phân biệt giai cấp. Vì sao? Vì có người mẹ nào phân biệt con? Dân tộc, bởi vậy, mang hình ảnh bà Mẹ. Bà Mẹ đó luôn ăn năn – ăn năn cả đến việc đã sinh ra con, bởi vì sinh ra con để làm gì khi chúng sống một kiếp người đọa đày, thù hận? [23]

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn
giọt lệ ăn năn
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân.

Chiến tranh là tủi nhục của bà Mẹ, vì xương thịt nào cũng từ Mẹ mà ra, xương thịt nào cũng là Việt Nam. Cùng là đứa con của Mẹ mà thôi. [23]

* * *

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn là thế. Có người tán thành, có người còn nghi ngại. Âu cũng là lẽ thường tình vì cách nghĩ của con người có bao giờ là như nhau. Nó luôn vận động và nhận chân lại những giá trị, lý giải lại những gì đã qua. Cuộc đời này mãi mãi là như vậy. Nhưng cho dù là gì đi nữa, theo tôi, chắc không ai không thừa nhận Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ lòng yêu thương con người. Mà cái gốc tình yêu thương của ông chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý “Tứ hải giai huynh đệ”, là nhân loại một nhà, vượt qua những hệ tư tưởng nhỏ bé, những hệ lụy đời thường. Ông đã đứng lên trên tất cả mọi thiên kiến chính trị để nói lên nỗi đau của người dân da vàng, của người dân nước Việt. Và phải chăng, vì viết theo “mệnh lệnh của con tim”, chứ không theo một thứ mệnh lệnh nào khác, mà người đời đã vinh danh ông là Kẻ du ca bất khuất của Việt Nam.

Ông ca tụng tình yêu thương, ông chống bạo lực và chống chiến tranh. Kêu gọi đoàn kết, xoá bỏ hận thù. Phải chăng đó là những chủ đề không chỉ có tính thời sự cấp thiết mà còn luôn luôn là vấn đề lớn của nhân loại của muôn đời.

Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua và thân phận các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Và chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?

Hay vẫn còn đó nỗi niềm:
Ôi gian nan đời nước nhỏ
Sao đau thương nhiều lắm thế

(Quê hương đau nặng – 1971)

Chiến tranh hạt nhân, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh giữa những hệ tư tưởng… nội chiến… ngay lúc này, chúng ta có thể nghe thấy tiếng bom nổ trong thành phố Baghdad, xung đột ở Palestine, khủng bố ở Thái Lan… cuộc chiến vẫn luôn chực chờ ở đâu đó và những ca từ kêu gọi hòa bình, yêu thương con người của Trịnh Công Sơn vẫn luôn mãi còn giá trị.



Tài liệu tham khảo:

[1] Anh Ngọc (2004), Nhớ thế kỷ hai mươi, NXB QĐND

[2] Báo Người Việt-Hoa Kỳ, trong bài Tiểu sử Trịnh Công Sơn viết: “Trước dây tại Sài Gòn, có người từng tuyên bố khi nắm được chính quyền sẽ xử tử Trịnh Công Sơn về tội đã gọi chiến tranh Việt Nam là “nội chiến” (trong câu hát”hai mươi năm nội chiến từng ngày”, thay vì phải gọi là”Chiến tranh chống Mỹ cứu nước”.Vì vậy, sau 30/4 Trịnh Công Sơn phải về Huế ngay khi “những người chiến khu” vào Sài Gòn…năm 1979, nguyên cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đứng ra che chở ông, đánh tiếng gọi ông về lại Sài Gòn.”

[3] Bùi Bảo Trúc (2004), Về Trịnh Công Sơn, in trong tập Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá, tr 351-375

[4] Bùi Vĩnh Phúc (2005), Trịnh Công Sơn / Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, NXB Văn Mới, California, Hoa Kỳ, và một phần của chuyên luận trên http://www.tcs-home.org

[5] Bửu Chỉ (2001), Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, báo Diễn Đàn Forum, tr29, tháng 9/2001, Paris.

[6] Bửu Ý (2003), Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận, in trong tập Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ.

[7] Bửu Ý (2004), Một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ.

[8] Cao Huy Thuần (2003), Nhạc chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[9] Đặng Tiến (2001), Đời và nhạc Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[10] Đặng Tiến (2001), Trịnh Công Sơn, tiếng hát hòa bình, Tạp chí Văn Học số 10&11/2001 California, Hoa Kỳ, tr.180

[11] Đặng Thùy Trâm (2005), Nhật ký, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, tr 50-51

[12] Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2001), Văn học Việt Nam (Thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII) NXB GD Hà Nội.

[13] Đinh Trọng Lạc (2003), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB GD.

[14] Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ X-thế kỷ XIV, NXB Văn học.

[15] Dương Viết Á (2000), Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Viện Âm nhạc Hà Nội.

[16] Eric Henry (2005), Phạm Duy và lịch sử Việt Nam hiện đại, in trên Talawas, tháng 11/2005

[17] Giảng văn Văn học Việt nam (2002), NXBGD.

[18] Hoài Thanh – Hoài Chân (1993), Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học Hà Nội.

[19] Hoàng Phủ Ngọc Tường (2005), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ.

[20] Lê Tiến Dũng (2003), Một đời người, một đời thơ, in trong tập “Thơ Xuân Diệu và những lời bình”, NXB VHTT.

[21] Lê Bá Hán (chủ biên), Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn (2003), Tinh hoa Thơ Mới thẩm bình và suy ngẫm, NXB GD.

[22] Lê Hữu, Ảo giác Trịnh Công Sơn, nguồn http://www.tcs-home.org

[23] Lê Trương, Phong trào da vàng ca, http://www.suutap.com

[24] Lý Hoài Thu (1997), Xuân Diệu trước Cách mạng tháng tám -1945, NXBGD.

[25] Mã Giang Lân (Tuyển chọn và biên soạn) (2003), Thơ Xuân Diệu và những lời bình, NXBVHTT.

[26] M.T. Stepaniants (2003), Triết học phương Đông. NXBKHXH.

[27] Một tài liệu khác trong băng Thúy Nga, Khánh Ly nói rằng năm 1962 Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Đà Lạt rủ về Sài Gòn đi hát nhưng Khánh Ly không về. Mãi đến 1965 Khánh Ly mới về Sài Gòn và cùng Trịnh Công Sơn đi hát.

[28] Nguyễn Đắc Xuân (2003), Có một thời như thế, NXB Văn học.

[29] Nguyễn Duy (2004), “Ngày sau sỏi đá”, in trong Một cõi TCS, NXB Thuận Hóa, tr. 44.

[30] Nguyễn Hưng Quốc, Các lý thuyết phê bình văn học. Nguồn http://www.tienve.org

[31] Nguyễn Quang Sáng (2004), Paris, tiếng hát Trịnh Công Sơn, in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa, tr. 270 – 283

[32] Nguyễn Văn Dân (2003), Lý luận văn học so sánh, NXBKHQG Hà Nội.

[33] Nguyễn Trãi toàn tập (1976), NXBKHXH.

[34] Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, NXB Thuận Hoá.

[35] Nhạc Trịnh Công Sơn trên xứ Phù Tang. Nguồn http://www.tcs-home.org

[36] Nhiều tác giả (2004), Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây.

[37] Nhiều tác giả (2003), Trịnh Công Sơn người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ.

[38] Nhớ người trong cõi (2004), trích các bài viết về Trịnh Công Sơn in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa, tr. 455.

[39] Phạm Bân. Tiếng Việt trong dòng Nhạc Trịnh Công Sơn, nguồn: http://suutap.com

[40] Phạm Văn Kỳ Thanh (2005), Phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc, TCS ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật, nguồn: in trên Talawas tháng 12/2005

[41] Phạm Văn Đỉnh, Danh muc ca từ Trịnh Công Sơn, http://www.tcs-home.org

[42] Phan Bích Hợp (2005), Bi kịch nhị nguyên và số phận con người, TC Tia Sáng điện tử 01/12/2005

[43] S.Freud, E.Fromm, A. Schopenhauer, V.Soloviev, Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2003), Phân tâm học và tình yêu, NXB VHTT, Hà Nội.

[44] Sâm Thương, “Thời thanh xuân Trịnh Công Sơn”, http://www.tcs-home.org.

[45] Tạ Tỵ, Trịnh Công Sơn, nguồn http://www.suutap.com

[46] Tạp chí Văn học (2001), Chuyên đề đặc biệt về Trịnh Công Sơn, tháng 10&11/2001 Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

[47] Tạp chí Văn (2004), California, Hoa Kỳ, số 92, tháng 8/2004.

[48] Tạp chí Hợp Lưu (2001), California, Hoa Kỳ, số 59, tháng 6&7/2001.

[49] Thụy Khuê, Triết học hiện sinh. Nguồn trang web Thuy Khue.

[50] Trần Hữu Thục (2001), Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn, in trong Tạp chí Văn Học tháng 10&11/2001 California, Hoa Kỳ.

[51] Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2003), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXBGD Huế.

[52] Trịnh Công Sơn. Đành vậy với tình yêu, đăng trên báo Đại Đoàn Kết. Nguồn http://www.suutap.com

[53] Trịnh Công Sơn, Da vàng ca khúc, nguồn http://www.suutap.com

[54] Trịnh Công Sơn (1995), Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm nhạc.

[55] Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người (2003), nxb Phụ nữ

[56] Trọng Thịnh (2005), Phạm Thiên Thư và “Ngày xưa Hoàng thị”, theo Báo điện tử Tiền phong 27/11/2005

[57] Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, NXBKHXN Hà Nội.

[58] Văn Cao (2004), Trịnh Công Sơn người thơ ca, in trong tập “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa, tr. 17.

[59] Văn Tân (1994), Từ điển Tiếng Việt, NXBKHGD.

[60] Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Bài hát đầu tiên bài hát cuối cùng, in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa, tr. 469.

[61] Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Kiếp sau tôi vẫn là người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa.TTVHNNĐT.

[62] Võ Phiến. Tổng quan Văn học Miền Nam, nguồn http://www.tienve.org

[63] Võ Xuân Hân. “Đóa hoa vô thường” http://tcs-home.org

[64] Yoshii Michiko (1991), Luận văn cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn.

[65] Schafer, John C., (2007) :D eath, Buddhism, and existentialism in the Songs of Trịnh Công Sơn, Journal of Vietnamese Studies, 2.1, pp. 144-186


(3) Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có cái nhìn tương tự. Tham khảo: Trịnh Công Sơn cây đàn lya của Hoàng tử bé, Nxb Trẻ, 2005, tr. 62-70.

(4) Trịnh Công Sơn, Kinh Việt Nam. (suutap.com)

(5) Phụ khúc da vàng (suutap.com).


-------------------

Nguồn: Tạp chí Da Mầu http://damau.org/archives/5470

12 tháng 8, 2009

Hà Nội là thủ đô nước nào? (Re-posted)

Although this Law student is no doubt a real idiot, he should not be blamed for not having known which country Hanoi is the capital of. The truth is that our present Vietnam is a country which is too small to be known in this changing world (from Who wants to be a millionaire, ITV2, UK 2009).







NGƯỜI VIỆT XẤU XÍ
(cả khi ở xứ văn minh)

Trước khi sang UK, viettien (và có lẽ hầu hết người VN chúng ta) nghĩ rằng thế giới biết nhiều về VN lắm. Nào là ta có 4K năm lịch sử, nào là 1K năm chống Tầu- 100 năm đánh Tây để giành độc lập, nào là đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng phải khiếp vía kinh hồn...và tất cả điều đó khiến cái tên Việt Nam ắt hẳn phải lừng lẫy sáu châu, chấn động cả hệ mặt trời, khiến khối kẻ phải thốt lên hoặc không thì âm thầm khâm phục khi nhắc tới hai tiếng "Việt Nam".

Mình ở KTS với khoảng 10 quốc tịch. Mở đầu màn chào hỏi khi mới gặp là hỏi quê hương, cố quốc. Mình đùa các chú: "Bạn đoán xem tớ là người nước nào". 5/10 các Th.S, TS. tương lai đoán mình là người TQ. Mình dõng dạc: "Tôi chưa bao giờ là người TQ và sẽ không bao giờ là người TQ". Các chú còn lại vội đoán nào là mình là người Nhật Bổn, Đại Hàn, Đài Loan, Sing, Thái, Mã... cho tới tận Phi-luật-tân mà vẫn chẳng chú quốc tịch nào nhắc tới hai tiếng "Viet Nam" hay "Vietnamese".

Không kiên nhẫn được nữa mình đành đưa ra đáp án: "Bản thân là người Việt Nam!".

'Bạn bè quốc tế' sung sướng reo lên: "A, Việt Nam!". Ôi, bỗng thú vị quá! Mình tưởng mình say.

Nhưng cảm giác lâng lâng, hãnh diện như ta đứng trên đầu ngọn sóng đó ngay lập tức bị câu hỏi tiếp sau chôn vùi xuống đáy biển Đông.

"À, thế Việt Nam ở đâu?".

Lần khác mình ra bưu điện gửi bưu thiếp về FOFL chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Bác nhân viên bưu điện cỡ ± 60 nhìn mình với con mắt đầy tình liên đới, rồi hỏi bằng giọng của những kẻ yêu chuộng hòa bình: "Cháu gửi về 'Bắc Việt Nam' hay 'Nam Việt Nam'?" Mình cố gắng bình tĩnh đáp lại là bây giờ không còn khái niệm Bắc/Nam Việt Nam nữa, rằng tổ quốc tôi thống nhất gần hơn 30 năm rồi... Bác này phân trần: "À, ta cứ tưởng tình hình còn giống bên xứ kim chi".

Hồi làm thêm ở WHSmith, mình gặp một cậu người  Gioóc-đa-ni (làm M.Phil in Advanced Computer Science). Cậu ta đoán là dân số VN vào khoảng 2 triệu người. Mình bổ túc cho hắn là dân ta khoảng +86 triệu và tiếng Việt là ngôn ngữ có số người nói nhiều thứ 13 trên thế giới. Cậu ta không tin, về hỏi Mr Google, hôm sau gặp mình thừa nhận sự thật nhưng lại vớt vát: "Tao không biết là vì xưa nay có thấy tiếng Việt nhà mày trong phần ngôn ngữ mặc định khi cài đặt Windows đâu".

Ở thành phố mình ở có khá nhiều học sinh VN sang học A-Level hoặc Foundation (dự bị đại học) tại trường Bellerbys. Cuối năm 2010, cty xe bus của thành phố không còn cho trường này làm thủ tục mua vé tháng cho học sinh dưới 18 tuổi của trường nữa. Lý do: trong năm học đó đã có 4 trường hợp trên 18 (thậm chí 24) bị phát giác giả mạo là dưới 18 để mua vé xe giá rẻ hơn. Cả 4 trường hợp đều mang quốc tịch VN. Một chị bạn làm counsellor ở Bellerbys cho mình biết trung bình có khoảng 50 HS VN (do các cty tư vấn du học như ILA, Sunrise ở VN môi giới) so với hàng trăm HS TQ, Nga, Ả-rập.

Tuy vậy, mấy năm đầu ở xứ người mình vẫn rất sẵn sàng và tự hào giới thiệu rằng mình là người VN và tới từ nước VN cho tới một ngày... Khi mình đang tự hào 'nâng cao hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế' rằng VN ngày nay đứng thứ 3 TG về xuất khẩu gạo, thứ nhất về hồ tiêu... thì một cậu người Anh đến từ Brum (cũng làm D.Phil) chua vào: "Gần đây 2 tiếng VN luôn làm em liên tưởng tới nhập cư bất hợp pháptrồng cần sa". Mình thấy anh ách vì thể diện dân tộc, lên thư viện tra BBC News, The Times, The Guardian (Observer), The Telegraph... trong một năm với từ khóa là "Vietnam" và "Vietnamese" thì thấy đúng là toàn tin về việc cảnh sát bắt người Việt nhập cư trái phép từ khối Schengen và các vụ trồng cần sa hàng triệu £. (Khôi hài nhất là vụ cảnh sát Southampton bắt một vụ người Việt trồng cần sa đình đám... một cách tình cờ: có tố cáo tới cảnh sát rằng điện của các hộ gia đình đã bị "câu" trộm. Cảnh sát tới kiểm tra thì phát hiện ra cả một cánh đồng cần sa trong ngôi nhà 4 tầng, bắt 6 người mà qua phiên dịch mới biết là người Việt tới UK từ Hung).

Từ đó mình rất cẩn trọng khi nói về quê hương và đồng bào của mình.

Những chuyện tương tự nhiều quá. Rồi, mình cũng chẳng thể  buồn, bực ngượng được nữa.

Nhiều khi nghĩ, vậy mà mấy lão hâm vẫn còn tranh luận xem nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ, vẫn cấu quá khứ ra để gặm nhấm và vẫn đầy nhiệt huyết mỗi khi khen chính mình.

9 tháng 8, 2009

For and To Mèo Bự

VÀI THẺ HTML CÓ THỂ DÙNG Ở PHẦN COMMENT CỦA WORDPRESS


(viết tặng bác Mèo Bự)





1. <a href="" title="">

A. Giải thích

Mã này cho phép nhúng một địa chỉ Internet (URL/link) vào phần comment thông qua một tiêu đề. Tức là, người đọc chỉ nhìn thấy phần tiêu đề, và khi click vào tiêu đề đó người đọc sẽ được dẫn tới trang mà người viết muốn.

B. Thực hành

<a href="http://myviettien.blogspot.com"> VIETTIEN's bog </a>

sẽ hiển thị qua phần comment là

VIETTIEN's bog

Trong đó:
- URL: http://myviettien.blogspot.com (thay link bác muốn)
- Title: VIETTIEN's blog hoặc (thay bằng tiêu đề bác muốn)


2. <abbr title="">

A. Giải thích

Thẻ này mô tả một cụm từ viết tắt. Khi bác đưa chuột lên trên từ viết tắt đó thì sẽ thấy cả cụm từ đầy đủ.

B. Thực hành

Từ <abbr title="ý muốn chỉ Trung Quốc">CC</abbr> đã có trong từ điển.

sẽ thành:

Từ CC đã có trong từ điển.


3. <acronym title="">

A. Giải thích

Thẻ này cũng mô tả một cụm từ viết tắt nhưng là viết tắt các chữ cái đầu tiên của các từ trong cụm từ.

B. Thực hành

Fidel nói: <acronym title="chủ nghĩa xã hội">CNXH</acronym> hay là chết.

sẽ thành:

Fidel nói: CNXH hay là chết.


4. <b>, <i>, <strike> và <em>;

A. Giải thích

Là các thẻ định dạng chữ đậm, nghiêng, gạch ngang và nhấn mạnh. Thẻ <em> thường đưa chữ về dạng in nghiêng.

B. Thực hành

Là các thẻ thẻ định dạng chữ <b>đậm</b> hoặc <i>nghiêng</i>, và <strike>không phải cho</strike> <em>gạch chân</em>

sẽ thành:

Là các thẻ thẻ định dạng chữ đậm hoặc nghiêng, và không phải cho gạch chân

Lưu ý:

- có thể dùng thẻ <strong> </strong> để định dạng chữ đậm (giống <b>)
- có thể dùng thẻ <u> </u> và <ins> </ins> để định dạng chữ gạch chân (mặc dù thẻ này mô tả thành phần thêm vào văn bản - nhưng hình như không phải theme nào của WP cũng hỗ trợ 2 thẻ này)


(Click vào ảnh để xem ảnh lớn hơn)

5. <blockquote cite="">

A. Giải thích

Thẻ này cho phép trích dẫn thông tin có kèm theo nguồn trích dẫn. Trích dẫn hiển thị ở dạng khối.

B. Thực hành

<blockquote cite="http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=a53SUPoZF2">
Người chết hai lần thịt da nát tan</blockquote>

sẽ thành:


Người chết hai lần thịt da nát tan


Chú ý: không phải trình duyệt nào cũng hỗ trợ thẻ này.


6. <cite>

A. Giải thích

Thẻ để trích dẫn hoặc định dạng chữ theo kiểu trích dẫn (thường là nghiêng)

B. Thực hành

<cite>Trích từ: Tuyên ngôn độc lập, trang, dòng...</cite>

sẽ thành:

Trích từ: Tuyên ngôn độc lập, trang, dòng...


7. <code>

A. Giải thích

Thẻ này cho phép post các mã máy tính mà không làm sai lệch các trị. Sở dĩ có điều này vì WP quá thông minh :-) nên khi nó nhìn thấy các đoạn mã, nó sẽ xử lí ngay. Kết quả là ta hoặc là không thấy gì hoặc là thấy những mã vô nghĩa.

B. Thực hành

<code> Mã máy ở đây</code>

Ví dụ:

<samp>Mã</samp>
<var>Variable</var>


Lưu ý: thẻ <code> không phải lúc nào cũng hoạt động tốt trên WP. Do vậy, WP đưa ra một thẻ riêng để mọi người post mã nguồn. Thẻ này có thể dùng cả ở phần bài viết lẫn comment.

[sourcecode language='css']Mã máy ở đây[/sourcecode]

Ví dụ:

[sourcecode language='css']

<!DOCTYPE HTML PUBLIC "-//W3C//DTD HTML 4.01//EN"
"http://www.w3.org/TR/html4/strict.dtd">
<title>Welcome - Bienvenue</title>
<h1>
<span lang="en">Welcome</span> -
<span lang="fr">Bienvenue</span>
</h1>
<p lang="en">This paragraph is in English.</p>
<p lang="fr">Ce paragraphe est en français.</p>

[/sourcecode]


8. <pre>

A. Giải thích

Thẻ <pre> cho phép hiển thị chữ dưới dạng đơn giản nhất, tức là lược bỏ đi hầu hết các định dạng và giữ lại các thông số text mặc định. Lúc này, font chữ thường là Courier.

B. Thực hành

<pre>Font chữ thường là Courier</pre>

sẽ thành:

Font chữ thường là Courier

9. <del datetime="">

A. Giải thích
Thẻ này cho biết ngày giờ một văn bản (đoạn VB, từ...) bị xóa. Không phải trình duyệt nào cũng hỗ trợ hoàn toàn thẻ này (thường chỉ hiển thị chữ bị gạch ngang).

B. Thực hành

<p>Hôm qua Mèo Bự nói <del datetime="2009-08-08T20:59:07Z">ghét</del> <ins>yêu</ins>!</p> Mèo Mun.

sẽ thành:

Hôm qua Mèo Bự nói ghét yêu Mèo Mun.


10. <q cite="">


A. Giải thích
Thẻ này cũng cho phép định dạng text theo kiểu trích dẫn. Trích dẫn sẽ nằm trong dấu ngoặc kép ("123")

B. Thực hành

Mèo Bự viết <q cite="http://happyhome271.wordpress.com/quick-comments/">Chưa biết nên comment chỗ nào thì mời các bác cứ gõ vào đây.</q>

sẽ thành:

Mèo Bự viết Chưa biết nên comment chỗ nào thì mời các bác cứ gõ vào đây.


Cũng không khó lắm phải không bác? Chú ý khi soạn thảo các thẻ HTML, bác phải nhớ phần khóa của thẻ:

Chẳng hạn thẻ chữ đậm <b> phải kết thúc bằng khóa </b>

Chúc bác vui.


http://myviettien.blogspot.com/

8 tháng 8, 2009

À la erticale de l'été

Mùa hè chiều thẳng đứng

Phần 1: KHEN


(bởi NguoiThangLong http://hanoicorner.com)





Người ta nói điện ảnh chính là cuộc sống, nhất là khi người đạo diễn cảm nhận và thể hiện thành công tất cả những điều ấy, mình muốn nói về một tác phẩm của Trần Anh Hùng ra mắt công chúng hồi năm 2000: À la verticale de l'été.

Bộ phim có tựa đề rất lạ và đôi khi không phải là dễ cảm nhận cho tất cả mọi người. "Mùa hè chiều thẳng đứng" đã được lựa chọn chính thức để tham gia liên hoan phim Cannes 2000. Trong bộ phim dài 1 giờ 48 phút này Trần Anh Hùng đã gửi gắm rất nhiều tâm sự của mình đồng thời cũng nói lên được một phần tính cách người Hà Nội, nếu không muốn nói là rất thành công trong số các tác phẩm điện ảnh về Hà Nội.



Bối cảnh của bộ phim rất đơn giản, không hề có khái niệm về một nơi chốn cụ thể (ta không thấy trong phim cảnh các công trình nổi tiếng hay các địa danh quen thuộc) điều duy nhất có thể biết được là xã hội tiêu biểu của đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng với những ai là người Hà Nội hay đơn giản chỉ là sống nhiều năm ở Hà Nội là đã có thể nhận ra ngay lập tức cái "chất" rất Hà Nội ngay từ đầu phim. Trần Anh Hùng không cho chúng ta khái niệm thời gian, mà thật ra thời gian không có nghĩa lý gì khi đối diện với những giá trị thật sự, ta chỉ cảm nhận được thời gian lặng lẽ trôi qua trong từng cảnh quay, từng sự kiện. Êm ả, bình dị như cuộc sống hàng ngày. Cái khó và đồng thời cũng là nét tài hoa của người đạo diễn gốc Việt trẻ này là anh đã đưa người xem vào trong phim một cách hoàn toàn tự nhiên. Ta cảm thấy mình như một nhân vật trong phim, như một người hàng xóm, chăm chú lắng nghe và theo dõi câu chuyện của một gia đình bên cạnh. Như câu nói cửa miệng "Hàng xóm láng giềng tắt lửa, tối đèn có nhau". Như thế vô tình ta đã sống những khoảnh khắc thật tuyệt vời ngay giữa lòng thành phố, với những người Hà Nội. Các sự kiện trong phim hoàn toàn có thể xảy ra ở một nơi khác nhưng trong "Mùa hè chiều thẳng đứng" ta có thể cảm thấy rõ ràng tất cả đang diễn ra tại Hà Nội.

Câu chuyện của một gia đình nhỏ, đông anh chị em, bắt đầu từ một buổi sáng rất đỗi bình thường của hai anh em Liên và Hải. Có một cái gì đó không tên mà rất đỗi Hà Nội từ trong cách bài trí nhà cửa, từ ánh sáng dịu dàng (Trần Anh Hùng luôn rất sáng tạo trong ánh sáng) và từ trong cách nói chuyện thật có duyên, cách gọi hàng xôi sáng...Điều ấn tượng ngay lập tức trong phim là khuôn mặt của những người phụ nữ. Đẹp một cách đoan trang, nồng thắm và rất Hà Nội. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Hùng đã chọn Lê Khanh và Như Quỳnh vào các vai diễn chính. Bộ phim không có nhân vật chính, từng diễn viên đều đóng một vai trò quan trong khác nhau không thể nào thiếu được. Cái gọi là "nhân vật chính" trong phim chính là cuộc sống của người Hà Nội. Thế nhưng ẩn chứa trong mỗi khoảnh khắc dịu dàng ấy là cả những bão dông.

Có thể nói bộ phim là một bức tranh được tạo nên từ nhiều mảnh ghép mà từng cá thể ấy lại là một thế giới hoàn toàn độc lập. Cuộc sống hạnh phúc của Kiên và Khanh, một gia đình với một chút bí ẩn của Quốc và Sương, hai anh em Hải, Liên vô tư lự. Nếu như Quốc, nhà văn, mang nặng trong mình dòng máu "Kẻ sĩ Bắc Hà" thì Khanh thật dịu dàng và quyến rũ như người con gái Hà Nội. Trái lại, Quốc gân guốc và đầy đam mê, Sương đằm thắm nhưng cũng tràn khát vọng. Liên như một gạch nối tươi trẻ giữa hai bà chị và đầy hoài bão hạnh phúc, mộng mơ. Hải có vẻ như không nổi lắm nhưng chính anh lại là chỗ dựa tinh thần cho Liên mặc dù Hải chỉ là một diễn viên phụ chuyên đóng những vai "ít người để ý đến rồi lúc dựng phim sẽ bị...cắt đi". Thế nhưng điều bất ngờ lại nằm ở chố cái cảnh "phụ" mà Hải sẽ đóng lại là cảnh "chính" cho những cặp vợ chồng khác. Cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ thú vị và cả những bão dông không thể nào đoán trước.

Ta bắt gặp trong từng cảnh quay là những bức tranh đầy mầu sắc về Hà Nội. Quán Cà-phê của Liên làm ta liên tưởng tới "Lâm" và những mảng tường tróc vôi nhiều mầu ấy giống như những bức tranh sơn mài nhiều lớp. Ta ít gặp trong phim những cảnh quay "không gian" mà tất cả dường như được thu lại trên một mặt phẳng, lắng đọng. Đó cũng chính là Hà Nội. Góc nhìn thường khá hẹp tạo cảm giác như khi ta đi trong "36 phố phường" hay chen vào những khu nhà ống. Những khung cửa cũ kỹ, những chậu cây cảnh, một chiếc lọ hoa trong góc nhà...và ánh sáng nhẹ nhàng đến từ phía sau. Tất cả những điều quen thuộc ấy ta vẫn gặp hàng ngày giữa lòng Hà Nội. Cả những thói quen giản dị nữa, tất cả đều nói về Hà Nội. Có lẽ lâu lắm rồi mình mới được cảm nhận Hà Nội một cách đời thường như thế. Một Hà Nội trong trẻo và suy tư.

Những con người Hà Nội ấy sống, vui đùa, tưởng nhớ và đối diện với những nghiệt ngã của đời thường. Bộ phim bắt đầu bằng ngày giỗ và cũng kết thúc bằng một ngày giố, trong khoảng thời gian ấy có biết bao sự kiện đã xảy ra. Nó có chút gì giống như vòng quay của cuộc đời, của kiếp luân hồi. Nếu như Kiên trăn trở, tìm tòi để diễn giải cuộc sống ra trên mặt giấy bằng câu chữ thì Quốc lại để lắng niềm đam mê ấy vào bên trong ít người thấy được. Thế nhưng điều khao khát của cả hai thì lại hoàn toàn giống nhau. Sự bằng an trong cuộc sống. Có đi qua những thăng trầm thì ta sẽ hiểu hơn rất nhiều giá trị của hai chữ "bằng an" ấy trong cuộc đời. Bên cạnh các đức ông chồng đầy hoài bão thì các bà vợ luôn là niềm cảm hứng, là chỗ dựa, là biểu hiện của niềm khao khát vô bờ về hạnh phúc. Có cách gì để ta phân biệt những người phụ nữ Hà Nội ấy với những người phụ nữ khác? Có đấy, dễ mà khó, đó chính là cái "chất Hà Nội" đã ăn sâu vào từng câu nói, từng cử chỉ, từng thói quen và cả từng cảm xúc nữa. Trần Anh Hùng không đi tìm một cách vô ích để diễn giải điều ấy, đơn giản anh chỉ mang lại cho người xem cái "chất người Hà Nội" một cách giản dị và chính xác nhất.

Ta có thể hiểu bộ phim như câu chuyện về những mảnh đời nhỏ trong một gia đình lớn nhưng ta cũng có thể hiểu bộ phim như là nhữung mặt khác nhau của cùng một số phận. Một thân phận con người. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Anh Hùng đã chọn nhạc Trịnh Công Sơn làm chủ đạo. Bản thân "Mùa hè chiều thẳng đứng" cũng có nét gì đó rất chung với nhạc Trịnh. Một nét Thiền, một nét đam mê. Một nét Hà Nội.

Mỗi người có một cách nhìn nhận và xử lý sự việc khác nhau về cùng một sự việc. Mỗi người có một bí mật (hay nhiều hơn?) cho chính mình, một "phía tối tâm hồn" mà ngay đến cả chồng hoặc vợ cũng không thể nào tới được. Âu cũng là một lẽ thường tình trong cuộc sống. Chính những điều bí ẩn ấy lại tạo nên sự quyến rũ ? Không phải Sương mà chính Khanh đã nói đến điều khao khát chưa thỏa của một người đàn bà trong Sương. Khi Kiên nhìn Quốc như một người hoàn hảo thì bên trong anh lai là một tâm hồn bất ổn. Quốc không tìm nổi sự bình yên trong mình ngay cả khi anh cố đến với thiên nhiên bình lặng. Sương và Quốc đều cố đi tìm cho mình một bến bờ khát vọng trong khi muốn níu kéo lại những gì tốt đẹp đã có trong cuộc sống gia đình. Cuộc ngoại tình của Sương không hề mang tính "tội lỗi", nó đơn giản chỉ là biểu hiện của một khát khao đuợc yêu thương chưa thỏa. Sự giằng co trong Quốc là có thật, nó là những tình cảm hoàn toàn tự nhiên của con người. Hóa ra tình cảm lại có thể xẻ chia ngay cả trong quan hệ vợ chồng. Có lẽ nỗi đau của nhân loại là tiền kiếp? Cuộc đối thoại của Quốc và lão ngư phủ là một trong những đoạn triết lý hay nhất của bộ phim. Khi Quốc khát khao được rời bỏ tất cả để tìm về với chính mình thì lão ngư lại không tài nào chịu được nỗi buồn cô đơn. Cả hai đề cố tìm cách quên lãng, chạy trốn dù chỉ trong khoảnh khắc nhất thời, những nối buồn nhân thế. Khi mà sự mất bình yên kéo dài thì nó ắt phải dẫn đến một nỗi buồn không tài nào hết được. Nỗi niềm tâm sự ấy, sự đau đáu ấy rất chung mà lại cũng rất Hà Nội. Có cá nhân và có cả trách nhiệm.

Tiết tấu của bộ phim khá chậm, nó có chút gì đó gần giống với nhịp điệu đời thường của Hà Nội. Cũng chầm chậm, từ tốn ngay cả trong những hối hả, dọc ngang hàng ngày trên phố. Sự khác biệt ấy làm nên Hà Nội, nó không tấp nập như Sài Gòn, không quá buồn như Huế. Như một khúc nhạc mà tiết tấu đủ để ta man mác, đủ để ta xao lòng. Hà Nội là đất của "Kẻ sĩ", đất của "Lề thói", đất của tinh hoa nên cho dù người Hà Nội được hình thành từ dân thập phương nhưng giá trị chung lại chẳng hề thay đổi. Bên trong những thong thả ấy lại là cả một dòng chảy cuồn cuộn, là những khao khát vươn tới một đỉnh cao hoàn mỹ nhất. Đạo đức trong xã hội là những điều ước lệ, ta không thể nào tuyệt đối hoá chúng, nâng cao chúng lên đến đỉnh tuyệt đối vì như thế chúng sẽ làm ta ngạt thở. "Cái chất Hà Nội" được thể hiện rõ trong những ứng xử ấy, khi đối diện với những điều không thể thì người ta biết được rõ hơn chính mình. Phải, đầu tiên là tự mình biết rõ mình.

Trong câu chuyện của ba chị em có một chút tò mò, có một chút ngưỡng mộ về một mối tình "nghi vấn" của người Mẹ quá cố. Khanh xếp nó vào loại "mối tình thời thơ ấu", họ nói với nhau bằng sự trong trẻo, không hề vẩn đục, như thế điều không thể lại là điều đáng được trân trọng, nâng niu.

Mối tình của Khanh và Kiên gần như hoàn hảo, nó đẹp như muôn ngàn gia đình Hà Nội khác và đôi lúc cũng có cả bão đông. Khi Kiên không tìm ra được cách kết thúc quyển sách của chính mình (hay là sự kết thúc cho tất cả các cặp vợ chồng khác?) thì anh lại gặp câu trả lời ngay trong cuộc sống. "Văn là Đời", điều ấy luôn có giá trị. Chuyến đi vào Sài gòn của Kiên hoàn toàn mang tính định mệnh và thử thách. Cả hai cuộc gặp gỡ của anh với người yêu cũ, Hiền, và một người đẹp đầy quyến rũ và bí ẩn chính là thử thách. Cuộc gặp gỡ không diễn ra ở phần đầu hay giữa cuốn tiểu thuyết như thường lệ, nó đã xảy ra ở chương cuối và sẽ quyết định số phận của tất cả quyển sách - cuộc đời. Cao trào của xung đột, của giằng co đã làm sáng rõ hơn bao giờ hết phẩm chất của người Hà Nội. Xin đừng hiểu một cách ngây thơ rằng tất cả mọi người Hà Nội đề có hành xử như Kiên trong phim. Anh đã dừng lại ở đúng điểm cần phải dừng lại. Cũng như Quốc và Sương đã biết làm như thế. Tất cả đều trung thực với lòng mình. Còn lại Khanh mong manh và trong trắng đến vô ngần cùng những giọt nước mắt của nỗi đau ngờ vực. Tất cả đều rất thật. Rất Hà Nội.

Tất cả diễn ra như trong một giấc mơ, trong khoảng thời gian giữa hai ngày Giỗ. Cuộc sống vẫn vẹn nguyên hình hài của nó với số phận, gia đình, trách nhiệm, hạnh phúc, gian dối, hy vọng...và tương lai. Bên cạnh những sự kiện cứ tăng dần cường độ ấy là sự xuất hiện rất tự nhiên của Hà Nội trong mọi góc độ. Những hình ảnh ấy dần dần in vào tâm trí của người xem, lắng đọng lại một vẻ đẹp không ngòi bút nào tả nổi. Trần Anh Hùng đã đưa chúng ta vào một cuộc viễn du ngay giữa lòng thành phố. Những điều đơn sơ nhất lại là những điều đẹp nhất. Hiếm có một bộ phim nào lại sử dụng thành công đến như thế các yếu tố trang trí hoàn toàn tự nhiên như trong "Mùa hè chiều thẳng đứng".

Đơn giản là Hà Nội, thành phố đã sản sinh ra những điều kỳ diệu và sẽ còn tiếp tục những huyền thoại sống ấy.


Mùa hè chiều thẳng đứng

Phần 2: CHÊ

(bởi Xthaovn - http://www.dienanh.net/forums/showthread.php?t=12996)


Nhân xthaovn đọc 1 bài viết về bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" trên DAN. Bài viết bình luận trong box này thì khen nhiều hơn chê, chắc tại ít ai chịu bỏ công ngồi viết về cái mình không thích. Lại lâu ngày không có "cãi nhau" nên nhớ DAN quá...

Phim quay rất đẹp. Nhưng về giá trị của phim, tùy mỗi người thôi, xthaovn không nghĩ nó hay đến độ như bài báo phía trên ca tụng.

Rất nhiều cảnh quay đẹp về bố cục nhưng nặng tính sắp xếp và không còn giữ được vẻ tự nhiên. Điển hình là cảnh Liên và anh chàng người yêu đứng dưới bóng đa, trước 1 bức tường gạch thô ven làng ... 2-3 đứa trẻ chăn trâu mờ ảo trước khung hình ... rất là giáo khoa, rất là bưu thiếp, rất là ... người Việt xa quê lâu ngày. Có lẽ cách thể hiện đó thỏa mãn những hình ảnh thân thương trong tiềm thức người xa xứ. Nhưng với chúng ta, những người đang sống trong không gian thật sự và sống động thì chúng chỉ như những tấm ảnh bưu thiếp.

Về ngôn ngữ, thật khó mà đồng cảm với giọng lơ lớ Pháp của nhân vật Liên, mà đó lại là hình ảnh của một cô gái trẻ Hà thành mới ghê chứ. Rồi cảnh Liên và Hải nắm tay nhau chạy dưới cơn mưa trên phố phường Hà Nội mà cứ như đang ở Paris vậy. Không thật. Xét về sự thuyết phục, nói hơi nặng, cảnh đôi tình nhân chở nhau bằng vespa quanh phố phường trong "Những cô gái chân dài" còn dễ nuốt hơn.

Về tâm lý của những nhân vật, tính cách Việt như phim mô tả cũng không thể nào hiểu nổi. Xthaovn không hiểu căn nguyên nào mà đạo diễn cho Liên năm lần bảy lượt trêu Hải những câu đại loại: "nhìn 2 đứa mình có giống đôi tình nhân không?"; "chúng mình trông cũng đẹp đôi đấy chứ". Xin hỏi trên khắp xứ Việt Nam này có em gái nào nói đùa với anh trai mình như vậy? Thật là lạ lùng Hay như vậy mới là văn minh và tự do?

Còn nhân vật nhà nhiếp ảnh ... quằn quại, trăn trở, ưu tư như nhà hiền triết lỗi lạc của phương Đông vậy ... mặt lúc nào cũng nhăn như quả mơ chua. Chẳng lẽ con người Việt Nam truyền thống là phải như vậy sao. Lại 1 kiến thức rất là giáo khoa và phiến diện của đạo diễn. Thật ra chẳng cần lí luận gì nhiều. Cứ nhìn vào tranh dân gian Đông Hồ, nhìn vào chèo, nhìn vào nghệ thuật tạo hình của cha ông ... sẽ hiểu cái cách triết lý của con người Việt không phải như "Mùa hè chiều thẳng đứng" mô tả. Họ triết lý nhưng rất đời, ưu tư nhưng cũng hài hước và dân dã ... làm gì toàn những con người quằn quại mỗi ngày mỗi giờ như thế.

Báo khen lời thoại không sáo, nhưng tôi thấy sáo gấp trăm lần phim Việt Nam. Cứ nghe cái đoạn lí luận về bàn tay phụ nữ và việc làm gà ngày giỗ thì biết sự ngớ ngẩn và thô thiển của lời thoại đến mức nào.

Cũng tiếc cho Lê Khanh và Như Quỳnh là 2 tên tuổi khá lớn trong làng điện ảnh lại chọn 2 vai không có gì là quá đột phá trong phim. Xem đoạn chị em cãi nhau thật không nhịn nổi cười, vì từ bé tới giờ chưa thấy người Việt nào hành văn trong lúc cãi nhau như thế cả. Chưa kể những đoạn âu yếm giữ nhân vật của Như Quỳnh và nhân vật của Lê Tuấn Anh nhìn khá gai mắt ... đơn giản vì chênh lệch tuổi hơi bị nhiều, mà phim cũng chẳng nêu chi tiết nào cho thấy người đàn bà có điểm quyến rũ nổi bật khiến anh chàng trai trẻ kia có thể quên đi chuyện tuổi tác, mọi chuyện cứ ào qua như tên bắn, cốt để dẫn tới "cảnh quan trọng" theo đúng như thủ tục "3 chương 2 hồi" của phim Tây Âu.

Phim này xem hình ảnh cho vui mắt, xem cho biết thêm 1 cách làm phim "ngồ ngộ" thì được, chứ bảo là tuyệt phẩm đáng để noi theo thì coi bộ lương tâm người viết hơi bị thấp. Không phải cứ đi dự Liên hoan quốc tế là hàng loại Nhất.


==========================================

Mọi người khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Đa phần các ý kiến đều có lý tuy đôi chỗ ca ngợi hơi sáo rỗng cũng như chê bai hơi khắt khe.

Phải nói ngay là viettien khen Mùa hè chiều thẳng đứng nhiều hơn chê nhưng vì những cái khen cũng khá giống bác Người Thăng Long rồi nên không nói lại nữa. Chỉ đề cập tới vài cái mình thấy hơi gờn gợn:

1. Cái giọng “Việt kiều” lơ lớ, ngòng ngọng của cô em út Liên (Trần Nữ Yên Khê đóng) đã gần như làm hỏng bộ phim.

2. Đạo diễn đã cho các nhân vật quá lạm dụng thuốc lá.


XEM PHIM

(12 phần trên YouTube - Có thể có password)



2 tháng 8, 2009

Bobby Robson - một con người cao quý trong thể thao





Julie Tunney

Khi Sir Bobby Robson đảm nhiệm cương vị huấn luyện viên trưởng CLB Newcastle United vào tháng Chín năm 1999, ông mô tả cương vị này như là “chuyến trở về nhà”.

Sinh ra tại hạt Durham ngày 18 tháng Giêng năm 1933, hơn 50 năm sau con trai của một người thợ mỏ đã trở lại vùng Đông-Bắc nơi ông thường cùng bố Philip và anh Ron ngồi trên các hàng ghế tại sân St James' Park mỗi chiều thứ Bẩy.

Đó là vị trí quan trọng cuối cùng trong bóng đá của cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá Anh.

Robson bị Newcastle sa thải tháng Tám năm 2004 và, mặc dù có thời gian ngắn làm cố vấn cho đội CH Ai-len, vào thời điểm ông qua đời ở tuổi 76 mối liên hệ duy nhất còn lại vơi bóng đá của ông là chức chủ tịch danh dự của CLB Ipswich Town nơi đã tạo dựng tên tuổi ông như là một HLV tầm cỡ và đại sứ của Liên đoàn Bóng đã Ai-len.

Nổi tiếng nhiều qua những triết lý bóng đá mà ông truyền đạt cho các cầu thủ của mình, Bobby còn được biết đến với 5 lần chống chọi với căn bệnh ung thư.

Ipswich Chào đón những người hùng đoạt cúp FA 1978

Vào tháng Mười hai năm 2007, ông nhận giải Cống hiến trọn đời từ tay người bạn lâu năm của ông, Sir Alex Ferguson, HLV đội Manchester thay mặt BTC trao tặng tại buổi lễ Vinh danh các Cá nhân xuất sắc trong Thể thao do BBC tổ chức.

Robson được biết tới lần đầu tiên với vị trí tiền vệ cánh trái tại CLB Fullhan trong những năm 1950. Sau đó, ông chuyển tới West Bromwich Albion nơi mà ông đã chơi 257 trận và ghi được 61 bàn thắng trước khi trở lại sân Craven Cottage vào năm 1962. Ông cũng đã 20 lần khoác áo đội tuyển Anh.

Sau một thời gian ngắn làm cầu thủ kiêm HLV tại CLB Vancouver Royals tại giải Bóng đã Bắc Mỹ, ông trở lại Fulham và nắm chức HLV trưởng vào tháng Giêng năm 1968 nhưng bị sa thải vào tháng Mười hai năm đó.

Năm 1969, ông gia nhập Ipswich Town, một CLB ít tên tuổi, và trong 13 năm ở đó ông đã giành được cúp FA năm 1978, cúp UEFA năm 1981 và 2 lần đưa đội chủ sân Portman Road tới ngôi á quân tại Giải hạng nhất cũ (giải ngoại hạng sau này).

Robson cũng nổi tiếng trong công tác đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ, chơi các trận đấu theo phong cách làm hài lòng người hâm mộ thuần túy – những đường chuyền nhuyễn trên sân – những vụ mua bán cầu thủ giá rẻ mà cầu thủ người Hà Lan Arnold Muhren và Frans Thijssen 2 trong số các ví vụ điển hình.





Cầu thủ:
1950-1956 Fulham
1956-1962 West Brom
1962-1967 Fulham
1958-1962 England (20 caps)
1967-1968 Vancouver Royals (player-manager)

HLV:
1965-1966 Oxford University
1968 Fulham
1969-1982 Ipswich
1982-1990 England
1990-1992 PSV Eindhoven
1992-1993 Sporting Lisbon
1994-1996 FC Porto
1996-1998 Barcelona
1998-1999 PSV Eindhoven
1999-2004 Newcastle

Danh hiệu:
1973 Texaco Cup (Ipswich)
1978 FA Cup (Ipswich)
1981 Uefa Cup (Ipswich)
1991 & 1992 Dutch league (PSV)
1994 Portuguese Cup (Porto)
1995 & 1996 Portuguese league (Porto)
1997 European Cup Winners' Cup (Barcelona)
1997 Spanish Cup (Barcelona

Khi Ipswich đánh bại St Etienne với tỷ số 4-1 tại vòng tứ kết cúp UEFA trong trận lượt đi trên sân khách tháng Ba năm 1981, các cầu thủ nhận nhận được sự ca ngợi hết lời từ cổ động viên - những người vẫn còn bàng hoàng vì thắng lợi của đội nhà trước đội bóng của những danh thủ như Michel Platini và Johnny Rep.

Và những sự trình diễn như vậy không bị Liên đoàn Bóng đa Anh bỏ qua.

Những ông chủ của Ipswich Town thuộc gia đình Cobbold luôn khẳng định rằng họ chỉ xem xét để Robson ra đi nếu ông ra đi để đảm nhiệm cương vị HLV trưởng đội tuyển bóng đá Anh mà thôi. Và các nhà bình luận dự đoán rằng cuộc đua giành vị trí thay thế cho Ron Greenwood (HLV đội Anh lúc đó) chỉ là giữa 2 người: HLV Ipswich và ông bầu Brian Lough của đội Nottingham Forest.

Có lẽ là nhờ nước của vùng Suffolk bởi vì HLV giúp đội Anh giành World Cup năm 1966, Sir Alf Ramsey, đảm nhiệm chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia sau khi đã thu thập những kinh nghiệm HLV tại Ipswich.

Cả Ramsey và Robson đều bắt đầu nổi danh tại sân Portman Road và cả hai đều được phong tước hiệp sĩ vì những cống hiến cho bóng đá (Robson vào năm 2002 sau chiến dịch vận động kéo dài của các tờ báo vùng Đông-Bắc và East Anglia.

Đội Anh bị loại khỏi vòng chung kết châu Âu năm 1984 nhưng Robson đã dẫn dắt họ có mặt tại vòng tứ kết World Cup năm 1986 – nơi mà đội tuyển bóng đá Anh bị “bàn tay của Chúa” của Diego Maradona đánh bại.

Đội bóng của Robson không vượt qua được vòng đấu bảng tại giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1988 nhưng họ lại trở lại mạnh mẽ tại Italia 1990. Đội Anh đi tới trận bán kết nơi mà họ bị đánh bại một cách đau đớn trong loạt sút penalty may rủi với đội Tây Đức.

Sports Personality vinh danh Sir Bobby 2007

Triều đại Robson diễn ra cùng với việc truyền thông bắt đầu tỏ ra quan tâm nhiều hơn tới vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia và sự soi mói đã đưa tới những hàng tít gây tranh cãi ở những giai đoạn khó khăn – điều tương tự đã xảy ra với Graham Taylor, Sven-Goran Eriksson và Steve McClaren sau này.

Robson chịu nhiều áp lực hơn tại Italia 1990 bởi vì người ta đã tiết lộ khi giải đấu đang diễn ra là ông sẽ rời vị trí HLV trưởng đội Anh để dẫn dắt PSV Eindhoven.

Robson giành được 2 danh hiệu tại Hà Lan trước khi gia nhập Sporting Lisbon vào năm 1992. Ông bị Lisbon sa thải sau 18 tháng nắm quyền sau khi bị loại khỏi cúp UEFA mặc dù giúp đội này đứng đầu giải vô địch Bồ Đào Nha. Sau đó, Robson kí hợp đồng với kình địch của Lisbon là Porto nơi mà ông có biệt hiệu Bobby 5-0 vì hệ thống phòng thủ của ông đã chấm rứt phong độ tồi tệ của CLB và họ quen dần với các trận thắng 5-0 trắng.

Hai danh hiệu của ông với Porto năm 1995 và 1996 đã khiến Barcelona chú ý.

Robson trở thành HLV trưởng của Barca năm 1996 và đưa CLB này tới vinh quang với cúp Nhà Vua và cúp Các đội đoạt cúp các quốc gia châu Âu trong khi cũng phát hiện và nuôi dưỡng tài năng của tiền đạo Braxin Ronaldo người mà ông đã mua về từ PSV Eindhoven với giá £12 triệu. Trợ lí cho cự HLV trưởng đội tuyển Anh lúc đó là Jose Mourinho. Cựu HLV Chelsea và HLV Inter Milan hiện nay cũng là phiên dịch cho Robson thời tại Lisbon.

Năm 1997, Robson lên làm Tổng giám đốc tại Barca trước khi trở lại PSV khoảng một năm kể từ tháng Bẩy năm 1998.

Năm 1999, đáp lại lời mời từ Newcastle, Robson đã tới và dẫn dắt CLB từ vị trí cuối bảng xếp hạng ở giải Ngoại hạng lên vị trí thứ tư mùa bóng 2001/02 và thứ 3 mùa bóng tiếp theo (điều này có nghĩa là giành được vị trí tham dự cúp C1 ở cả 2 mùa).

Robson đã lặp lại được thành tích tương tự như hồi còn ở Ipswich. Mùa bóng 1979/80, Ipswich nằm ở vị trí cuối bảng hồi tháng 10 nhưng sau đó đã vươn lên vị trí thứ 3 khi mùa giải kết thúc.

Những thành tích đó đảm bảo cho Robson có một vị trí vững chắc trong trái tim những cổ động viên của “các chàng trai lái máy cày” (Tractor Boys – biệt hiệu của các cầu thủ Ipswich) và cả những người không phải là cổ động viên của đội nhưng thích thú với phong cách bóng đá mà ông đem lại cho đội chủ sân Portman Road.

Hồi năm 2003, đã có những ta thán từ vùng Sufolk khi việc Newcastle thu nhận Darren Ambrose nhân lúc Ipswich đang gặp khó khăn tài chính dường như chỉ ra rằng Robson đã trục lợi cho Newcastle trên của CLB cũ – tuy nhiên người ta cũng nhanh chóng quên đi điều này.

Rất nhiều cổ động viên đã đổ tới sân xem khi Robson cùng với Porto trở lại sân Portman Road mùa bóng 1995/96. Ipswich hiện có rất nhiều cổ động viên ngoài vùng Suffolk, những người lần đầu biết tới CLB thời Robson và dưới sự dẫn dắt của ông, Ipswich cũng được nhiêu người tại châu Âu xem. Điều này tạo nền tảng cho công việc HLV tại châu Âu của Robson thời gian sau này.

Đội Ipswich của Robson cũng rất được yêu mến ở vùng Scandinavia với nhiều HLV Thụy Điển tìm kiếm lời khuyên từ Robson trong công tác HLV. Cựu HLV Manchester City Eriksson luôn là một cổ động viên của bóng đá Anh và khi còn là HLV tại quê nhà Thụy Điển, ông đã tới thăm Ipswich trong chương trình đào tại HLV.

Khi theo bước Robson đảm nhận vị trí HLV trưởng đội tuyển bóng đá Anh, Erikson tiết lộ: “Ở Ipswich, tôi đã ngồi trên băng ghế chỉ đạo với Robson. Không tệ chút nào.”

Khi Erikson rời vị trí HLV đội Anh, Liên đoàn bóng đá đã đề nghị Robson làm HLV tạm quyền trong thời gian họ tìm kiếm HLV mới nhưng kế hoạch này đã bị Newcastle, CLB sau đó sa thải Robson, phủ quyết.

Tuy phải rời bỏ Newcastle năm 2004 sau sự khởi đầu kén cỏi, Robson giữ rất nhiều hình ảnh tốt đẹp với CLB.

Dù lúc đó đã 71 tuổi, Robson vẫn nói: “Tôi chưa nghĩ tới việc nghỉ hưu. Chừng nào tôi còn đủ sức làm công việc này thì tôi vẫn tiếp tục làm nó. Tôi vẫn rất hào hứng và năng động như thường và tôi vẫn còn minh mẫn và sáng suốt.”

Niềm đam mê bóng đá của Robson đã trở thành huyền thoại, cho dù thói quen nói nói năng hơi dài dòng khi huấn luyện và việc gọi không đúng tên cầu thủ, ông nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ của rất nhiều hoạc trò cũng như người ham mộ bởi ông nổi tiếng là người thực hiện công việc lên trên sân tập.

Con đường mang tên Sir Bobby

Có tin nói rằng cựu đội trưởng Ipswich và tuyển Anh Terry Butcher đã dắt chú chó của người hàng xóm Robson đi dạo khi cựu HLV Ipswich bận thực hiện nhiệm vụ quốc gia.

Cho dù câu chuyện này có là “dã sử” thì cũng có một điều gì đó chua chát về việc Butcher bị đẩy xuống vị trí kẻ dắt cho đi dạo.

Cuối cùng, Butcher chính là hậu vệ vẫn chiến đấu cho từng đường bóng trong tình trạng chấn thương chưa hoàn toàn bình phục tại trận đấu với Thụy Điển trong vòng đấu loại World Cup năm 1989 mặc dù đầu quấn băng đẫm máu, vẫn chiến đấu cho những người có tình cảm đặc biệt dành vị HLV người mà anh lẽ ra đã phải giúp đỡ nhiều hơn trên mặt trận quốc nội.

Mối liên hệ của Robson với Ipswich trở nên gắn kết hoàn chỉnh vào tháng Năm năm 2008 khi ông được trao danh hiệu Công dân danh dự (freedom of the town) của thành phố nhân kỉ niệm 30 năm ngày CLB giành cúp FA trước Arsenal.

Hàng ngàn cổ động viên đã đứng chật 2 bên đường để chào mừng vị cựu HLV và đội hình đoạt cúp năm 1978 trên một chiếc xe bus mui trần diễu hành trên đường phố – và sự xuất hiện của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và cả nước cho thấy tình yêu mà những cổ động viên bình thường dành cho những người như ông.

Liệu có phải Liên đoàn bóng đá đã để lỡ mất cơ hội, như là với người tiền nhiệm Ramsey của ông, để tận dụng khả năng của một HLV có thể giành ít nhất một danh hiệu tại bất cứ quốc gia châu Âu nào ông làm nhiệm vụ HLV – trong khi một vị trí kĩ thuật như vậy có thể đem lại rất nhiều cho bóng đá Anh?

Và nếu ông vẫn dẫn dắt Newcastle thì liệu ông sẽ đáp lại niềm tin của các cổ động viên sân St. James' Park bằng việc tên của đội bóng được khắc trên chiếc cup bạc?

Vài tháng trước khi rời Newcastle, ông cũng được trao danh hiệu Công dân danh dự của thành phố tại hội đồng thành phố.

Sir Bobby Robson nhận danh hiệu Công dân danh dự của Durham

Trong cuốn tự truyện Giã biệt nhưng không Vĩnh biệt, Robson nói về những trải nghiệm của mình: “Một số ủy viên hội đồng thành phố viết thư cho tôi và cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến một buổi lễ tương tự đầy tình cảm như vậy. Có lẽ là vì tôi đã nói về cha tôi, và việc lúc ông xuống hầm mỏ thì trắng lúc trở lên thì đen, tại một địa phương mà 2 mầu đen trắng đã biểu tượng hóa tình yêu bóng đá của thành phố, một tình yêu luôn cháy bỏng trong tôi và sẽ không bao giờ tàn lụi.”

Đó là cách phù hợp nhất để tóm tắt nối ám ảnh về “bóng đá đẹp” của Bobby Robson.


Dịch từ BBC Sport

http://news.bbc.co.uk/sport1/hi/football/4779033.stm


 
Adapted and Bloggerised by VIETTIEN | Since 2007 | Designed by Lasantha Bandara