21 tháng 12, 2009

viettien ĐI VẮNG DÀI NGÀY.
HẸN GẶP LẠI SAU VÀI THÁNG NỮA.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

6 tháng 11, 2009

VÌ HÁM LỢI, ĐẬP THỦY ĐIỆN XẢ LŨ GÂY HẠI CHO DÂN




Theo báo Tuổi trẻ, tối ngày 02/11/2009, "lũ dữ bất thần tràn về làm hàng vạn người dân Phú Yên phía hạ lưu sông Ba chỉ kịp leo lên nóc nhà".

(ảnh từ VietnamNet)

Đọc tin, xem cảnh lũ lụt và nhất nghe thông báo về những cái chết... thương xót đồng bào miền Trung quá! Tối qua nghe bài này trên RFI thấy thật buồn. Quan điểm trong bài phỏng vấn này là của một cá nhân, và có thể đúng có thể sai, có thể chưa đầy đủ nhưng không thể phủ nhận là nó có tính tham khảo cao.

viettien xin dẫn lại đây có kèm theo đoạn Audio cuộc phỏng vấn nêu trên.


-------------------------------

VÌ HÁM LỢI, ĐẬP THỦY ĐIỆN XẢ LŨ GÂY HẠI CHO DÂN





Nghe cuộc phỏng vấn

Bão số 11 khi đến Việt Nam đã giảm cường độ thành áp thấp nhiệt đới. Nhưng do yếu tố con người, tương tự như vụ xả đập A Vương cách nay vỏn vẹn có một tháng, một lần nữa người dân Việt Nam phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình chỉ vì lòng tham không đáy của những kẻ khai thác tài nguyên thiên nhiên bất chấp hậu quả. 13 người dân thị xã Sông Cầu kém may mắn hoặc chậm chân đã bị lũ cuốn trôi ngay trong giây phút đầu tiên. Hàng chục thuyền đánh cá bị cuốn trôi, hàng vạn nhà dân bị ngập tận nóc trong lúc mưa đã tạnh mà nước vẫn dâng cao.

Bài học xả đập A Vương vào cuối tháng 9 trong lúc bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam làm 170 người chết và hàng ngàn người bị thương không được các quan chức Việt Nam quan tâm. Trong khi đó, theo giới chuyên gia, các sai lầm từ cách vận hành đến cấu trúc hồ chứa nước đều có thể khắc phục được.

Sau đây là phân tích của chuyên gia Phạm Phan Long, thuộc Hội Sinh Thái Việt, California, Hoa Kỳ về trường hợp đập thủy điện A Vương.



Mục đích và nhu cầu của đập A Vương.

Theo tài liệu của Hội Đập Lớn và Phát Triển Nguồn Nước Việt Nam, A Vương được phê duyệt năm 2003 với tổng số vốn đầu tư là 4000 tỷ đồng VN hay 250 triệu USD. Nhiệm vụ chính thức của công trình là đáp ứng cho nhừng mục đích sau:

1. Phát điện với công suất 210 MW

2. Cắt lũ thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn

3. Điều tiết nước cho hạ lưu

4. Góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các huyện phía tây tỉnh Quảng Nam.

A Vương đã thành công trong việc phát điện nhưng thất bại trong việc cắt lũ và điều tiết nước ngay trong mùa lũ đầu tiên sau khi được hoạt động.

Tai họa hồi cuối tháng 9.

Tai họa xả lũ đã xảy ra trong hai ngày 29 và 30/09/2009, khi cơn bão cấp 10 số 9 đang hòanh hành miền Trung, làm 48 người chết ở Kontum, 35 người tại Quảng Nam, 25 người ở Quảng Ngãi thì đập thủy điện A Vương ở Quảng Nam đã xả gần 150 triệu mét khối nước chồng lên, góp phần với lũ nhấn chìm hàng trăm nghìn dân ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn.

Việc hồ thủy điện A Vương xả nước gây thảm họa lũ không phải là lần đầu, các hồ thủy điện tại Việt Nam đã xả lũ gây lụt lội như thế, vào tháng 10/2000, tôi đã lên tiếng trên một diễn đàn UNDP về việc các hồ chứa, nếu tích nước lại qúa nhiều trước đỉnh lũ có thể họ sẽ phải xả nước vào đúng đỉnh lũ gây thảm họa cho dân cư hạ nguồn.

Tiếc thay chỉ hai tuần sau đó, cùng một lúc, các đập Đa Nhim, Trị An, Thác Mơ và Dầu Tiếng tại Việt Nam đã xả nước vào giữa đỉnh mùa lũ. Năm đó, dân Căm Bốt cũng đã tố cáo đập Yali của Việt Nam xả nước xuống tỉnh Ratakiri gây cho họ nhiều tổn thất.

Tai họa này do những nguyên nhân và yếu tố nào gây ra?

Đây là câu hỏi then chốt mà các cơ quan chính phủ trong nước và công ty A Vuơng có bổn phận và trách nhiệm trả lời. Đến nay vẫn chưa có một tường trình khoa học nào được chính phủ chính thức công bố.

Trong khi chờ đợi chính phủ, những thông số và thông tin đã công bố về A Vương có thể tạm cho tôi đan cử ra một số nguyên nhân mà dân cư hạ nguồn A Vương phải chú ý như sau:

1) Bí ẩn về dung tích hồ chứa và tiêu chuẩn của chính phủ: Theo bản tin Tuổi Trẻ ngày 19/12/2008, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lưu ý ban giám đốc nhà máy A Vương “đánh giá, khảo sát bão, lũ trong quá trình vận hành để bảo đảm an toàn tuyệt đối hồ chứa nước dung tích 800 triệu m3”. Nhưng theo số liệu của Hội Đập Lớn Việt Nam dung tích hữu ích của hồ A Vương chỉ có 267 triệu m3, tổng dung tích là 343,5 triệu m3. Khả năng cắt lũ chỉ có 76 triệu m3 mà thôi, vào tần suất 10%, nghĩa là rất thấp.

Việc chính phủ cho phép dung tích hồ cho công ty A Vương có ít dung tích phong lũ như thế là một quyết định nguy hiểm, coi rẻ mối an tòan của trăm ngàn dân cư ở hạ nguồn. So tỉ lệ dung tích phòng lũ với dung tích hữu ích họat động thủy điện, A Vương chỉ có 28% phòng lũ trong khi Sơn La/Hòa Bình có đến 50% và Tam Hiệp 56%.

2) Quy trình vận hành A Vương của chính phủ có thể sai và thái độ của công ty A Vương có vấn đề: Ông Lê Đình Bản - phó tổng giám đốc Công ty A Vương giải thích: “Tin dự báo thường không chính xác. Nếu xả trước, mà mưa không to, lượng nước không tích được đến mực gia cường, ai chịu trách nhiệm?”

Trong một báo cáo xả lũ của Công ty A Vương, họ cho tổng lượng nước xả lũ đã làm nhà máy tổn thất lượng điện năng lên tới 110 triệu kWh, thiệt hại của nhà máy mất hơn 55 tỷ đồng! Một con số thiệt hại quá lớn cho nhà máy! Công ty A Vương đã công khai coi trọng lợi tức thủy điện hơn an nguy hạ nguồn, tự nhận đã không tin vào dự báo và họ đã tích nước quá đầy vào những ngày trước đỉnh lũ.

3) Nạn phá rừng lan rộng đã làm mất đi khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn.

Theo bài của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân đã viết trên mạng Người Đại Biểu Nhân Dân ngày 12/10 : ”Ai cũng biết nạn phá rừng đang là một tai họa đối với đất nước. Nhưng phải nhìn thấy những bãi gỗ trôi theo lũ về huyện Đại Lộc (Quảng Nam); cảnh một làng bị cát vùi lấp tất cả, thì mới thấy cụ thể quy mô của tai họa này, mới nhận ra hậu quả khủng khiếp của lòng tham đầy tội lỗi của lâm tặc, và sự bất lực của một bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước đã không giải quyết được tận gốc hiểm họa dai dẳng này. Lũ chảy về nhanh. Thêm lũ gỗ chảy xuống hồ A Vương tấn công lan can đập và đe dọa an tòan kiến trúc của đập tất nhiên họ phải xả lũ một cách vội vàng.

Có thể tránh được không? Tại sao lại để xảy ra tai họa.

Tai họa A Vương vừa qua vẫn hòan tòan tránh được mặc dù hồ có dung tích thấp nếu biết hy sinh dung tích thủy điện dành để phòng lũ. Ngay từ đầu mùa lũ, nếu A Vương ý thức và tin vào dự báo hạ nước hồ xuống dưới 50 triệu m3 vào ngày 27, thì họ đã có 300 triệu m3 để phòng lũ trong hai ngày 28 và 29 giữ an toàn cho dân tránh 600 tỉ thiệt hại tài sản.

Không những thế, sau đó A Vương vẫn có đủ nước họat động thủy điện và số thâu 50 tỉ đồng chỉ vài ngày sau đó cũng lấy lại không hề mất.

Tai họa xảy ra là do chính quyền trung ương đã cho phép hồ A Vương thiết kế thiếu dung tích phòng lũ an toàn, lập quy trình vận hành hồ coi rẻ phận sự cắt lũ. Công ty A Vương thiếu ý thức trách nhiệm và chính quyền địa phương không theo dõi các quyết định của trung ương và không theo sát vận hành của A Vương để tích cực bảo vệ dân cư.

Các lý giải của chính quyền và trí thức trong nước ?

Dựa vào những tài liệu tôi đọc, đến nay đã hơn 1 tháng rồi, chính quyền vẫn chưa công bố một lý giải nào cho sự việc này.

Thật không ngờ tiến sĩ Nguyễn Tri Trinh trên mạng VNCOLD ngày 19/10 đã khẳng định rằng A Vương đã điều hành hồ đúng căn cứ pháp lý và kết luận rằng không có A Vương hạ lưu sẽ bị ngập lụt xấu hơn. Tôi nhìn từ góc độ nạn nhân nên hoàn toàn nghi ngờ tính cách khách quan khoa học của thông tin này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân viết ngày 12/10 cho rằng: Chính phủ không kiểm sóat được lâm tặc và không bảo tồn tài nguyên đất nước mà còn khuyến khích khai thác triệt để cạn kiệt tòan diện tiềm năng thiên nhiên. Tôi đồng ý với tiến sĩ Trân dù không quen biết ông, cả ba yếu tố tôi nêu ra bên trên đều quy tụ vào chính phủ đã cho phép khai thác thủy điện ồ ạt và tắc trách, chấp thuận các công trình đầu tư thiếu an toàn và còn lập trình để họ vận hành bừa bãi mà hậu quả là tai họa dân phải hứng chịu hoàn toàn.

Bài học rút ra từ A Vương ?

Dân cư Quảng Nam phải tiếp tục sống dưới đe dọa A Vương cần yêu cầu chính phủ cấm ngay việc phá rừng và xây thủy điện để làm những việc sau:

1) Giảm dung tích họat động của hồ A Vương xuống chỉ được chứa đến 100 triệu m3 khối cho thủy điện vào mùa lũ sắp tới. Phải để riêng 250 triệu m3 ra cho việc phòng lũ. Khối dung tích này là vùng cấm địa và nếu cần theo dự báo có thể còn phải tăng hơn nữa để bảo vệ đập lần bảo vệ dân. Xét lại quy trình vận hành dành ưu tiên một là chống lũ thay vì lo tổn thất phát điện.

2) Công ty A Vương cần bồi thường nạn nhân ngay và bảo hiểm các tai hại về sau nếu tái diễn.

3) Xét lại tất cả các dự án thủy điện trên tòan đất nước và quy trình vận hành để tránh tai họa A Vương tái diễn tại những hồ chứa khác.

4) Lập ra một nhóm điều tra kỹ thuật độc lập có thẩm quyền xem xét thiết kế, quy trình điều hành các dự án thủy điện dể rút ra các bài học.

5) Bạch hóa kết quả điều tra cho dân cư hạ nguồn của tất cả các đập thủy điện.

Kết luận

Ông Trương Duy Nhất đã viết trên mạng: “Mùa bão lũ vẫn chưa qua. Ý thức quan chức vùng lũ sẽ còn tiếp tục được… thủ thách. Bão lũ không hẳn chỉ là sự tàn phá. Nhiều khi chỉ nhờ vào bão lũ mới nhìn nhận, đánh giá chân xác được ý thức trách nhiệm và… tầm vóc quan chức.”

Tôi cho rằng tai họa A Vương là một tiếng chuông báo động. Sai trái lần đầu có thể tha thứ, nhưng lần sau, lũ sẽ cuốn đi cả lòng tha thứ trong các con tim nạn nhân từ bi nhất.


Tú Anh


22 tháng 10, 2009

Trót lớn!

VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH CỦA NƯỚC ANH







Trong ngôn ngữ học, bộ môn chuyên nghiên cứu về tên riêng là Danh xưng học (Onomastics) với hai chuyên ngành Nhân danh học (Anthroponomastics) – nghiên cứu tên về người và Địa danh học (Toponomastics) – nghiên cứu về tên đất. Tại Việt Nam, Danh xưng học vẫn còn là một ngành mới mẻ cho dù nó đã ra đời trên thế giới từ hàng trăm năm nay. Thậm chí nhiều chuyên gia ngôn ngữ còn chưa hiểu đúng và đầy đủ về giá trị của Danh xưng học đối với ngôn ngữ học nói chung và với việc giảng dạy ngoại ngữ nói riêng. Dưới ánh sáng của bộ môn Danh xưng học mà cụ thể là Địa danh học, bài viết bước đầu tiếp cận vấn đề địa danh của nước Anh (England) trên các mặt lịch sử, cấu tạo và ngữ nghĩa. Ngoài ra, bài viết cũng đưa ra một danh sách các địa danh tương đối quen thuộc tại nước Anh song lại có cách phát âm không hoàn toàn tuân theo các quy tắc ngữ âm của tiếng Anh hiện đại.
In linguistics, Onomastics is the study or science of the history, origin and formation of proper names. Onomastics is divided into anthroponomastics, the study of personal names, and toponomastics, the study of place names. Despite having been well-known in the international academic community for years, this science has been still baffling in Vietnam. Some linguists uphold improper or even mistaken understanding of the onomastic significance over linguistics in general and foreign language teaching in particular. In the light of toponomastics, this paper presents an introductory study of English place-names on historical, structural and meaning aspects. Besides, the paper provides a list of comparatively popular English place-names with unusual or bizarre pronunciations in reference to the Received Pronunciation standard.


1. DẪN NHẬP
Trong quá trình giảng dạy tiếng Anh nói chung và các môn văn hóa – văn minh nói riêng, không ít lần các giáo viên tiếng Anh cảm thấy bối rối với nhiều tên gọi được dùng ở nước Anh. Là những người tâm huyết với nghề, nhất định họ sẽ cất công tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng cho cho vấn đề gặp phải. Khi đó, dù chủ quan hay khách quan, họ đã ít nhiều tham gia vào một ngành nghiên cứu mà ngôn ngữ học gọi là Danh xưng học (DXH).
Tuy nhiên, cũng không ít các chuyên gia ngôn ngữ tại Việt Nam còn có cái nhìn chưa thỏa đáng về giá trị của DXH với ngôn ngữ học nói chung và với việc giảng dạy ngoại ngữ nói riêng. Trong khuôn khổ của bài viết này, sẽ lạc đề nếu người viết sa đa vào việc chứng minh lợi ích của DXH. Tuy nhiên, để người đọc dễ hình dung về vai trò của ngành khoa học chuyên nghiên cứu về tên riêng, chúng tôi xin nêu ra 2 ví dụ.
VD1: Chúng ta hãy đặt mình vào địa vị một người Việt tên là Dung /dzuŋ/. Với hiểu biết tương đối về tiếng Anh, anh ta sẽ cảm thấy như thế nào khi một người Anh, vốn là một chuyên gia tiếng Việt, thậm chí còn là giáo viên tiếng Việt lâu năm, cứ phát âm tên anh ta là /dʌŋ/*
VD2: Hầu hết người học tiếng Anh đều biết đến tên con sông nổi tiếng chảy qua thủ đô Vương quốc Anh. Chúng ta đều biết đó là sôngThames, con sông gắn với thủ đô London tựa như sông Hồng gắn với thủ đô Hà Nội vậy. Tuy nhiên, có thể khẳng định, phần lớn người học tiếng Anh, thậm chí cả giáo viên tiếng Anh (trong đó có những người rất nổi tiếng về trình độ ngoại ngữ uyên thâm) đều phát âm không chính xác tên con sông này. Đa số đều cho là sông Thames được phát âm là /θeɪms/. Tuy nhiên, sẽ là rất ngạc nhiên cho nhiều người, sông Thames được người Anh phát âm là /tεmz/.


Qua hai ví dụ nêu trên, chắc chắn nhiều người đã phần nào từ bỏ nghi ngờ về vai trò của DXH với việc giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là đối với các môn về văn hóa và văn minh. Thực ra, tên riêng (tên người và tên đất) cũng chỉ là một lớp từ (danh từ) nằm trong vốn từ vựng chung của một ngôn ngữ cụ thể. Với tư các của những người học và dạy ngoại ngữ, chúng ta đều thống nhất ở nhận định: học từ vựng là một phần không thể thiếu được trong việc học ngoại ngữ.
Một địa danh chỉ đơn giản là một cái tên nhưng việc tìm hiểu những gì đứng sau cái tên đó thực sự vô cùng phức tạp. Nghiên cứu tên riêng nói chung và địa danh nói riêng đòi hỏi người nghiên cứu phải có kiến thức tổng hợp về lịch sử, ngôn ngữ, phương ngữ, ngữ pháp, âm học, địa hình học và rất nhiều yếu tố liên quan khác.

2. ĐÔI ĐIỀU VỀ LỊCH SỬ ĐỊA DANH CỦA NƯỚC ANH
Có thể coi lịch sử địa danh của nước Anh là một phần không thể thiếu của lịch sử đất nước này. Câu chuyện về địa danh ở nước Anh là một câu chuyện dài và rất phức tạp. Theo Stenton & Mawer (1933) và Mills (2003), có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành địa danh tại Anh. Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng nhất chủ yếu đến từ các ngôn ngữ châu Âu. Các cuộc xâm lăng từ lục địa châu Âu cùng với việc các dân tộc từ Bắc Đức, Bắc Âu và vùng Normandy tới định cư tại hòn đảo Anh đã để lại nhiều dấu vết sâu đậm trên địa danh tại Anh. Do vậy, cùng với tiếng Anh cổ, tiếng Celtic, tiếng Gaelic, địa danh tại Anh còn có nguồn gốc từ tiếng Latin, tiếng Na Uy cổ và tiếng Pháp. Mỗi một ngôn ngữ đều mang tới nước Anh những địa danh nhất định và để lại ảnh hưởng của nó trên những địa danh còn tồn tại tới ngày nay. Điều này khiến địa danh tại Anh vừa phong phú vừa phức tạp.
Những địa danh cổ nhất tại Anh có lẽ là các tên có từ trước thời kì người Celtic đến đảo Anh (thế kỉ thứ IV trước CN). Thậm chí theo Mills (2003: xvii), có những tên đã có từ thời kì đồ đá mới. Tên các con sông như Colne, Itchen, Ouse và Wey là những ví dụ về địa danh có từ thời kì này.
Tiếp đến là thời kì người La Mã đô hộ (đầu CN đến thế kỉ V). Các tên La Mã đã gần như không còn nhưng lại xuất hiện hàng loạt các tên do người Briton (nói tiếng Celtic) hoặc Anglo-Saxon đặt ra khi tiếp xúc với các yếu tố La Mã. Reaney (1960: 79-80) đưa ra ví dụ về các yếu tố như chester hay caster. Theo Reaney, đây là các yếu tố chỉ thành lũy hay pháo đài của quân La Mã. Nhiều nghiên cứu gần đây (Coates 1999, Mills 2003) cho rằng các địa danh nổi tiếng như London, Thames hay York đều ra đời trong thời kì này.
Ngày nay, rất nhiều địa danh tại Anh có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ. Theo Crystal (2003: 8, 160), về cơ bản tiếng Anh cổ là tập hợp của các phương ngữ do người Angle và Saxon nói. Sau sự rút đi của người La Mã vào khoảng giữa thế kỉ thứ V, các tộc người Angle, Saxon, Frisian and Jute từ Bắc Đức bắt đầu di cư tới nước Anh và cùng với đó nhiều địa danh mới đã ra đời. Reaney (1960) và Mills (2003) cho rằng các địa danh có nguồn gốc tên người như Cornwall, Northumberland, nơi cư trú như Kingston, Tonbridge, hay mang yếu tố địa hình như Straford-Upon-Avon, Upwood v.v đều cơ bản bắt đầu xuất hiện trong thời kì này (xem thêm Elliott 1997).
Ảnh hưởng tiếp theo đến địa danh tại nước Anh đến từ các bộ tộc sống ở Bắc Âu (nói tiếng Na Uy cổ). Khoảng đầu thế kỉ thứ IX, người Viking bắt đầu gia tăng ảnh hưởng của họ tới nước Anh. Smithard (1912: 139-44) cho rằng ở những nơi định cư, các bộ tộc bắc Âu này thay đổi các tên có trước, đặt ra các tên mới, hoặc gọi chệch đi các tên Anh có từ trước. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng yếu tố “by” trong các tên như Derby hay Kirkby là một đóng góp nổi bật của các tên có gốc Bắc Âu vào hệ thống địa danh của nước Anh.
Ảnh hưởng lớn cuối cùng đến địa danh tại Anh là chiến thắng của người Norman năm 1066. Sau sự kiện này, cũng có nhiều tên mới xuất hiện nhưng thực ra thay đổi lớn nhất của địa danh lại nằm cách phát âm các tên đã có. Người Norman cảm thấy không thoải mái khi phát âm địa danh theo kiểu của người Anh. Do vậy, họ đã biến đổi cách phát âm các tên Anh sao cho dễ dàng với họ. Các tên như Nottingham và Durham là kết quả của các biến âm này. Ekwall (1960: xxviii) và Cameron (1961: 92) cho rằng tên gốc của Nottingham và Durham lần lượt là Snotingham và Dunholme.
Các chuyên gia nghiên cứu đều thống nhất rằng kể từ sau thế kỉ XII tới nay, địa danh tại Anh không có nhiều biến động lớn như những thời kì trước đó. Trong khi ngôn ngữ Anh vẫn biến đổi và phát triển mạnh mẽ nhiều thế kỉ sau đó thì địa danh, với tư cách là một đơn vị từ vựng, lại tham gia rất hạn chế vào quá trình này.
Như vậy, quá trình phát triển của địa danh tại nước Anh gắn chặt với quá trình hình thành tiếng Anh và dân tộc Anh. Khi nước Anh đã cơ bản được hình thành thì đó cũng là lúc địa danh tại Anh đi vào ổn định.

3. PHÂN LOẠI ĐỊA DANH
3.1 Dựa trên cấu trúc
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, dựa trên bình diện cấu trúc, địa danh tại Anh có thể chia làm 2 loại: đơn tố (simplex) và đa tố (compound). Nhóm địa danh đơn tố thường là các tên mang dấu ấn địa phương, mô tả một đặc điểm nổi bật nào đó của cảnh vật tự nhiên như các ngọn đồi hoặc thung lũng, hay di tích như các pháo đài La Mã hoặc nơi hành lễ thời tiền sử. Elliott (1997) đưa ra các ví dụ dưới đây:
  • Chester, Caster có nghĩa là “pháo đài” hoặc “doang trại” La Mã.
  • Tees, Avon và Aber có nghĩa là “nước” (sông Tees, sông Avon).
Ngoài ra , theo Mills (2003: 75) địa danh đơn tố còn gồm cả những nơi gần hoặc thuộc về một làng, một cộng đồng người nào đó. Ví dụ:
  • Bootle có nghĩa là “nơi ở” (tại vùng Merseyside)
  • Wick có nghĩa là “chỗ ở”, “nông trại”, hoặc “chợ” (tại vùng Devon).
Trên bình diện cấu trúc, loại địa danh thứ hai là đa tố (địa danh phức). Cấu tạo của loại địa danh này thường gồm một yếu tố có tính chất tính từ kết hợp với một (hoặc hơn một) yếu tố chỉ địa hình hoặc nơi cư trú. Phần lớn địa danh tại nước Anh thuộc nhóm này và hình thành trong giai đoạn người Anglo-Saxon thôn tính hòn đảo Anh. Dưới đây là một vài ví dụ trích từ Từ điển Địa danh nước Anh của Mills (2003):
  • Bredon, Penwith: tiền tố bre-pen- trong tiếng Anh cổ đều có nghĩa là “hill” (ngọn đồi).
  • Charton: hậu tố -ton có nghĩa là “nông trại” còn “Charl” có gốc từ từ cổ “churl” có nghĩa là “người đàn ông”.
  • Oldham, Shoreham: hậu tố -ham trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “thuộc về nhà cửa hoặc làng mạc”.
  • Rottingdean, Saltdean, Bbevendean: hậu tố -dean chỉ “thung lũng”.
  • Manchester, Lancaster: hậu tố -chester, -caster chỉ doang trại của quân La Mã.
  • Dundee, Duncombe: tiền tố dun- chỉ “pháo đài”.
3.2 Dựa trên chức năng
Trong một nghiên cứu đưa ra năm 1997, Elliott cho rằng nếu xem xét địa danh tại nước Anh trên bình diện chức năng, có thể thấy có 3 nhóm tên chính: tên có nguồn gốc tên người (folk name), tên gắn với nơi cư trú (habitative name) và tên dựa trên địa hình (topographic name).
Về các địa danh có nguồn gốc tên người, đây thường là tên của một dân tộc hoặc nhóm người sinh sống trên địa bàn mang tên. Ví dụ, vùng Sussex được hiểu là “vùng sinh sống của người Saxon ở phía nam. Cách giải thích cho Essex, Wessex và Middlesex cũng tương tự như vậy với ý nghĩa tương ứng là “phía đông, phía tây và miền trung” (xem Coates, 1983, 1999). Những địa danh loại này thường rất cổ và không phải người Anh nào cũng biết về nguồn gốc của chúng.
Nhóm địa danh thứ hai là các tên gắn với nơi cư trú của người Anh. Loại địa danh này có thể là các tên đơn tố cũng có thể là tên đa tố. Các địa danh thuộc nhóm này rất phong phú, đa dạng. Chúng có thể chứa các yếu tố liên hệ đến nhà cửa, nông trại, xóm làng, thành lũy v.v. Theo từ điển trực tuyến AskOxford.com của NXB Oxford, trong các tên loại này, yếu tố thứ hai bao giờ cũng mô tả nơi cư trú. Ví dụ các yếu tố ham - nhà cửa, worth - hàng rào, wīc - nơi ở, burh - thành lũy, tūn - trang trại trong tiếng Anh cổ, bý - nông trại và thorp - ngoài nông trại trong tiếng Na Uy cổ trong các địa danh như Seaham, Streatham, Middleton, Redworth, Lulworth, Ipswich, Didcot, Aylesbury, Grimsby, and Woodthorpe. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những yếu tố mô tả nơi cư trú thường mang nhiều ý nghĩa do được dùng ở nhiều địa phương khác nhau, trải qua nhiều thời kì phát triển, hoặc do kết hợp với những yếu tố khác. Chẳng hạn, hậu tố tūn (ton) trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “hàng rào” trong một số tên trong khi đó lại có nghĩa là “xóm làng, nông trại, nhà cửa” trong một số tên khác.
Bên cạng các nhóm địa danh có nguồn gốc tên người và nơi cư trú, nhóm địa danh hình thành theo địa hình cũng có số lượng rất phong phú. Watts (2004) cho rằng về nguồn gốc, đây là những tên có tính chất mô tả về địa hình sinh sống của người Anh cổ. Chúng có thể là đặc điểm của địa hình tự nhiên nhưng cũng có thể là những đặc điểm do con người tạo ra. Chính vì vậy ta có thể gặp các tên sông, suối, hồ, ao, rừng, núi, thung lũng trong rất nhiều các địa danh tại Anh như Oxford, Bakewell, Fulbrook, Goodwood, Moulsecoomb, Airedale, Sheffield, Liverpool v.v. Trong các tên loại này, yếu tố thứ 2 thường mô tả địa hình sinh sống như -ford - suối cạn, -coomb hoặc -dale - thung lũng.
Nói tới ý nghĩa của địa danh ở đây là nói tới nghĩa từ nguyên học chứ không phải nghĩa từ vựng thông thường. Nhìn suốt lịch sử nước Anh và tiếng Anh, ta thấy ý nghĩa của các từ chỉ địa hình không phải là không thay đổi ở các địa phương khác nhau. Trên thực tế, chúng thay đổi theo các giai đoạn của lịch sử trong suốt thời trung cổ. Chẳng hạn, theo Mills (2003), yếu tố feld trong tiếng Anh cổ có nghĩa là “đất vô chủ” sau này thay đổi thành “đất có chủ”, yếu tố wald là “rừng” đổi thành “vùng cao”, yếu tố ēah cũng là “rừng” sau này đổi thành “vùng khai hoang” rồi “đồng cỏ”. Việc lựa chọn và xác định xem nghĩa từ nguyên của một địa danh nào đó là gì đòi hỏi người nghiên cứu phải xét đến các yếu tố như địa chính trị trong khu vực, bản chất ngôn ngữ của từ ghép và cả tuổi của địa danh.

4. Ý NGHĨA CỦA ĐỊA DANH
Nói tới địa danh, ta thấy chúng vừa như quen vừa như lạ. Quen là vì ta dùng chúng để gọi tên các địa điểm mỗi khi cần. Khi đó chúng hoạt động như là những nhãn mác thông thường. Lạ là vì địa danh nào cũng chứa trong nó những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử mà không phải ai cũng nắm vững. Địa danh tại nước Anh cũng vậy. Cũng như ngôn ngữ và đất nước Anh, chúng là một phần của di sản văn hóa Anh.
Reaney (1960: 1-17) nhận xét rằng nhân sinh quan và thế giới quan của người Anh thời xa xưa được thể hiện khá rõ nét qua các địa danh. Hình ảnh của các ngọn đồi, thung lũng, con suối, con sông, hồ nước, rừng cây thường xuyên xuất hiện trong các địa danh. Các yếu tố quan trọng với người nông dân cũng được lấy làm địa danh như chất đất, mục đích sử dụng đất, độ nông sâu của sông suối, đồng cỏ cho gia súc, đất khai hoang trồng trọt, sự hiện diện của các loài vật ăn thịt như cáo, chó sói, các loài cho thịt, sữa, lông như bò hoặc cừu v.v.*
Câu hỏi “Cái tên này nghĩa là gì?” chắc đã không ít lần vang lên trong đầu chúng ta. Chẳng hạn, đối với tên thủ đô Hà Nội, hầu hết người Việt Nam đều biết biết ý nghĩa gốc của nó là “mảnh đất phía trong sông” hoặc “mảnh đất giữa các dòng sông”. Tuy nhiên, nếu đi về phía tây của Hà Nội trong bán kính vài chục cây số, hàng loạt các địa danh chỉ có một tiếng (một âm tiết) như (cầu) Giấy, Diễn, Nhổn, Trôi, Phùng, Chèm, Gạch chắc chắn sẽ làm nhiều người bối rối.
Trở lại với tiếng Anh, tương tự như trên, rất nhiều người nước ngoài học tiếng Anh và thậm chí cả người Anh bản xứ cũng không ít lần tự hỏi tại sao lại có những tên kì lạ như Great Snoring, Blackburn, Thong hay Penistone, rồi nghĩa của Coldean hay Fiveways là gì, hoặc nguồn gốc cả các tên như Liverpool, Bath, hay Winsor là ở đâu, rồi tại sao yếu tố -ham, -bury hay -ton thường xuất hiện trong các địa danh.
Thực ra, tất cả các địa danh và yếu tố cấu thành địa danh nêu trên đều có nghĩa gốc, hay nói cách khác là có nguồn gốc riêng của chúng. Nếu nói một cách hình tượng thì nguồn gốc và ý nghĩa của chúng “ẩn nấp” phía sau hình thức từ vựng hiện đại của chúng. Mặc dù có nguồn gốc từ các đơn vị lời nói, do tổ tiên xa xưa của người Anh sáng tạo ra để gọi tên (mô tả) nơi sinh sống và các mối liên hệ với nơi sinh sống, hầu hết các địa danh trong quá trình phát triển của mình đã mất đi ý nghĩa ngôn ngữ và chỉ còn hoạt động với tư cách như vỏ bọc hay nhãn mác mà thôi. Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta biết rằng phần lớn địa danh đều có hàng nghìn năm tuổi và chúng thuộc về những lớp từ vựng của tiếng Anh cổ hay các ngôn ngữ cổ và trung cổ khác.
Điều rất thú vị là, khác với các đơn vị từ vựng thông thường, nhiều địa danh đã thay đổi rất ít, hoặc thậm chí không thay đổi suốt nhiều thế kỉ qua. Mills (2003) và Coates (1999) cho rằng nhìn vào các địa danh đó ta vẫn ít nhiều đoán định được nghĩa gốc của nó dựa trên các yếu tố từ vựng hiện đại. Các tên như Claybrooke, Horseheath, Nettlebed, Oxford, Saltmarshe, Woodbridge, Sandford hay Oldland là các ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguồn gốc của địa danh đơn giản qua biểu hiện bên ngoài của các yếu tố từ vựng. Nếu không xem xét kĩ các yếu tố từ nguyên học, hình thức hiện đại của địa danh đôi khi sẽ đánh lừa chúng ta. Watts (2004) dẫn ra các ví dụ về nghĩa gốc của các địa danh như Easter là “chuồng cừu, bãi chăn thả cừu”, Slaughter là “(chỗ) lầy lội”, Swine là “khe, lạch” và Wool là “con suối”. Quả thực, nếu chỉ xét về vỏ bọc từ vựng hiện đại thì người nghiên cứu sẽ không thể tìm ra ý nghĩa gốc của những địa danh nêu trên vì chúng là những từ cổ, tồn tại dưới dạng “hóa thạch” trong vỏ bọc địa danh và các nghĩa cổ không còn được sử dụng trong giao tiếp hiện đại nữa.
Bên cạnh đó, theo Reaney (1960: 17-18) có nhiều tên khác nhau về chính tả nhưng lại có thể chung ngồn gốc. Chẳng hạn, Aldermaston và Alderminster đều chỉ “trang trại của quý tộc”, Chiswick và Keswick đều là “chỗ làm pho-mát” và Naunton, Newington, Newnton, Newton hay Niton đều là “trang trại mới”.
Dù là đối với tên đất hay tên người, muốn xác định được nghĩa gốc tên, người ta phải tiếp cận được những lớp ngôn ngữ nằm sâu dưới giá trị bề mặt của tên. Nghiên cứu địa danh của nước Anh trước hết đòi hỏi phải khảo sát kĩ lưỡng các yếu tố chính tả và đặt chúng trong quá trình biến đổi ngữ âm của các phương ngữ và ngôn ngữ Anh. Song song với đó, phải thực hiện những so sánh toàn diện giữa những tên giống nhau để tìm ra những tương đồng cũng như dị biệt. Cuối cùng, mọi nghiên cứu về địa danh phải dựa trên nền tảng kiến thức liên ngành về ngôn ngữ, lịch sử và địa lý.

5. VẤN ĐỀ PHÁT ÂM ĐỊA DANH
Như đã trình bày ở trên, địa danh là một loại từ đặc biệt nằm trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ. Do vậy, cách phát âm địa danh cũng nằm trong quy luật phát âm chung của ngôn ngữ đó. Địa danh tại nước Anh cũng vậy. Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn các tên được phát âm theo quy tắc, lại tồn tại những địa danh có cách phát âm rất đặc biệt. Foster (1981: 7) cho rằng kết quả của hàng nghìn năm chịu tác động của nhiều yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, chính trị, địa lí v.v đã làm cho địa danh tại nước Anh không những phong phú về số lượng mà còn đa dạng về phát âm.
Trên thực tế, tại nước Anh, rất nhiều tên thành phố hoặc làng mạc có cách phát âm làm không ít người học tiếng Anh cảm thấy bối rối. Nếu phát âm những địa danh này theo các nguyên tắc phát âm thông thường thì chắc chắn người học tiếng Anh, dù nắm rất vững về ngữ âm, sẽ vẫn phát âm không chính xác. Cách phát âm tên sông Thames như đã đề cập tới ở trên là một trong những ví dụ điển hình. Có thể coi như đây là một loại bẫy ngôn ngữ mà rất ít người học tiếng Anh như một ngoại ngữ có thể thoát khỏi
Trong quá trình thu thập tư liệu để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có cơ hội đối chiếu thực tế cách phát âm địa danh của hai đối tượng: người Anh bản xứ và sinh viên nước ngoài đang học tập tại Anh. Kết hợp với việc tham khảo từ điển phát âm địa danh của Miller (1971) và Foster (1981) cùng tài liệu nghiên cứu của GS. Richard Coates thuộc ĐH Sussex, chúng tôi xin đưa ra một danh sách những địa danh tương đối quen thuộc tại nước Anh nhưng có cách phát âm khác thường. Cách phát âm RP (Received Pronunciation) và cách phát âm BBC được sử dụng làm chuẩn mực để đối chiếu cho cách phát âm các địa danh dưới đây (sắp xếp theo thứ tự ABC).


6. KẾT LUẬN
Rõ ràng các địa danh của nước Anh chứa đựng trong chúng nhiều yếu tố bí ẩn nhưng nếu được giải mã thì sẽ rất thú vị. Với lịch sử lâu dài (có rất nhiều tên đã tồn tại hàng nghìn năm nay), địa danh của nước Anh đã trở thành đối tượng nghiên cứu của không chỉ ngôn ngữ học mà còn của nhiều ngành khoa học xã hội – nhân văn khác. Dù được kết cấu đơn tố hay đa tố, dù có chức năng trực chỉ tên người, địa bàn cư trú hay tính chất địa hình, địa danh của nước Anh cũng luôn phản ánh cái nhìn rất đặc thù của người Anh trước đây với mảnh đất nơi họ sinh sống. Về mặt phát âm, do chịu ảnh hưởng của nhiều ngôn ngữ khác nhau trong một thời gian dài (thậm chí có ngôn ngữ đã trở thành tử ngữ), khá nhiều địa danh của nước Anh còn lưu giữ trong chúng những yếu tố ngữ âm cổ mà ngày này không còn thấy trong tiếng Anh hiện đại.
Trong khuôn khổ của một bài viết, để có thể trình bày cặn kẽ mọi khía cạnh của vấn đề địa danh tại nước Anh là rất khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng bài viết có thể cung cấp cho những người đang và sẽ hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh một số thông tin bổ ích. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn gợi lên mối quan tâm của độc giả đến ngành DXH – một ngành khoa học còn tương đối mới mẻ tại nước ta.

Nguyễn Việt Khoa

---------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu in giấy
Cameron, K. (1961). English Place­-Names. London: B.T. Batsford.
Coates, R. (1983). The Linguistic History of Early Sussex: the Place-Name Evidence. Brighton: University of Sussex.
Coates, R. (1999). Place-Names before 1066. Chichester: Phillimore.
Crystal, D. (2003). The Cambridge Encyclopedia of the English Language. Cambridge: Cambridge University Press.
Ekwall, E. (1960). The Concise Oxford Dictionary of English Place­-Names. Fourth edition. Oxford: Oxford University Press.
Elliott, K. (1997). A Survey of the History of English Place­-Names. Sussex University Library: Dame Cateline de la Mor la souriete.
Foster, K. (1981). A Pronouncing Dictionary of English Place-Names. London: Routledge and Kegan Paul.
Miller, G.M. (1971). BBC Pronouncing Dictionary of British Names. London: Oxford University Press.
Mills A.D. (2003). A Dictionary of British Place-Names. London: Oxford University Press.
Reaney, P.H. (1960). The Origins of English Place­-Names. London: Routledge and Kegan Paul.
Smithard, W. (1912). Place-names at or near Derby. Journal of Derbyshire Archeological and Natural History Society, 34: 139-144.
Stenton, F.M. & Mawer, A. (1933). Introduction to the Survey of English Place-Names. Cambridge: Cambridge University Press.
Watts, V. E. (2004). The Cambridge Dictionary of English Place-Names. Cambridge: Cambridge University Press.
Tài liệu điện tử
List of names in English with non-intuitive pronunciations. Wikipedia. Tham khảo ngày 27/05/2006. http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_names_in_English_with_non-intuitive_pronunciations
What's in a Name. AskOxford.com. Tham khảo ngày 27/05/2006. http://www.askoxford.com/worldofwords/name/placenames/?view=uk
* Trong tiếng Anh, từ “dung” /dʌŋ/ có nghĩa là “phân gia súc”.
1 Cách phát âm khác: /’saɪrən.sɛstə(r)/
2 /’lɛntwən(r)daɪm/

19 tháng 10, 2009

Bàn thắng kì lạ!




Thật khổ thân các cổ động viên của Liverpool.



Watch Bàn thắng kì lạ! in Comedy  |  View More Free Videos Online at Veoh.com

Họ có thể đổ lỗi cho trọng tài nhưng họ không thể phủ nhận rằng quả bóng bay đó là do một cổ động viên nhí của Liverpool ném vào.

11 tháng 9, 2009

LẠC VIỆT mtdEVA TRÊN MAC VÀ LINUX



Từ điển Lạc Việt mtdEVA (2002
và 2009) trên các hệ thống Mac và Linux! Thoạt nghe ý tưởng này dường như không thể thực hiện được. Tại sao ư? Tại vì công ty Lạc Việt chỉ phát triển bộ từ điển song ngữ Lạc Việt mtdEVA cho các máy tính chạy hệ điều hành (HĐH) Windows, và gần đây là một số thiết bị cầm tay và điện thoại di động chạy HĐH Windows Mobile hay Symbian S60. Vì vậy, người dùng Mac và Linux không có cơ hội sử dụng bộ từ điển này. Bài viết giới thiệu 2 giải pháp giúp cài đặt và sử dụng bộ Lạc Việt mtdEVA trên các máy chạy HĐH Mac Leopard 10.5.6 và Linux Ubuntu 9.04 Jaunty Jackalope.

mtd-mac-ubun

Hình 1: Lạc Việt mtdEVA, Mac và Ubuntu

Có thể nói chắc chắn rằng tính tới thời điểm này, Lạc Việt mtdEVA là cái tên nổi tiếng nhất và cũng là thành công nhất trong số các phần mềm từ điển song ngữ được cài đặt trên máy tính của người dùng Việt Nam. Bộ từ điển mtdEVA là một trong những sản phẩm chính của công ty cổ phần Tin học Lạc Việt.

Trong hơn 10 năm qua, mtdEVA đã khẳng định được chất lượng của mình và trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, thậm chí là không thể thiếu, cho người dùng trong việc tra cứu từ điển. Không chỉ dừng lại với tiếng Anh, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng, công ty Lạc Việt còn phát hành nhiều loại từ điển của những ngôn ngữ phô biến hiện nay như Anh, Pháp, Hoa, Nhật…

Thành công của Lạc Việt trên Windows và một số nền tảng di động đã được khẳng định. Tuy nhiên, có hai nền tảng rất quan trọng mà Lạc Việt mtdEVA chưa chính thức vươn tới được, đó là Mac và Linux. Với sự phát triển nhanh chóng của hai nền tảng này trong thời gian qua (đặc biệt với Mac khi chuyển sang chip Intel), việc phát triển phiên bản Lạc Việt mtdEVA chạy trên các HĐH Mac và Linux có lẽ đã có trong hoạch định của các nhà lãnh đạo công ty Lạc Việt. Tuy nhiên, hiện nay người dùng Mac và Linux vẫn chưa có cơ hội sử dụng bộ từ điển này trên hệ thống của mình.

Mục đích của bài viết này là giới thiệu hai giải pháp đơn giản và tiết kiệm (có thể là miễn phí) giúp người dùng Mac và Linux cài đặt và sử dụng Lạc Việt mtdEVA một cách bình thường trên máy tính của mình. Giải pháp thứ nhất là sử dụng máy ảo và giải pháp thứ hai sử dụng phần mềm Wine. Chúng tôi thử nghiệm cài bộ từ điển này trên HĐH Mac Leopard 10.5.6 và Linux Ubuntu 9.04 Jaunty Jackalope.

Mặc dù chỉ đề cập tới bản mtdEVA trong bài viết này nhưng chúng tôi cũng đã thử cài đặt với các bản mtdFVP và mtdCVH và thấy là các bản này cũng chạy được trên Mac và Linux.

Các hướng dẫn của chúng tôi trong bài viết này được dựa trên giả thiết rằng bạn có bộ từ điển Lạc Việt mtdEVA (2002 hoặc 2009) có bản quyền. Phiên bản 2009 (mtdEVA9) có giá 45 nghìn đồng sử dụng một năm và 80 nghìn đồng sử dụng hai năm. Bạn có thể download phiên bản mtdEVA mới nhất cũng như tham khảo thêm thông tin về các sản phẩm từ điển Lạc Việt tại địa chỉ http://www.lacviet.com.vn. Hy vọng chúng ta sử dụng bộ từ điển Lạc Việt mtdEVA trên tinh thần tôn trọng bản quyền và ủng hộ phần mềm Việt Nam.

Trong thời gian chờ đợi bản Lạc Việt mtdEVA cho Mac/Linux (nếu có), hy vọng những giải pháp chúng tôi đề cập tới qua bài viết này có thể là những giải pháp tình thế khả dĩ nhất giúp các bạn sử dụng bộ phần mềm từ điển Lạc Việt mtdEVA trên các hệ thống Mac và Linux của mình.


I. GIẢI PHÁP MÁY ẢO

1. Máy ảo là gì?

Máy ảo (virtual machine) là một môi trường phần mềm cho phép nhiều HĐH và các ứng dụng của chúng hoạt động song song trên một máy tính duy nhất. Máy ảo hoạt động giống như một máy tính thực thụ với đầy đủ các thành phần cơ bản như CPU, ổ cứng, RAM, bộ nhớ màn hình, card mạng… Để tìm hiểu thêm thông tin về máy ảo, bạn có thể tham khảo bài viết Cài đặt nhiều hệ điều hành trên máy ảo” trên PCW Việt Nam tại đại chỉ http://www.pcworld.com.vn/A0206_78.

Về giải pháp từ điển Lạc Việt mtdEVA trên máy ảo, có thể hiểu một cách đơn giản là, để có thể sử dụng bộ mtdEVA trên Mac và Linux, trước hết bạn phải cài một HĐH Windows (XP chẳng hạn) lên một máy tính ảo do phần mềm tạo ra trên hệ thống của bạn. Sau khi đã có HĐH Windows ảo trên Mac/Linux của mình, bạn tiến hành cài đặt và sử dụng Lạc Việt mtdEVA trên máy ảo đó một cách bình thường.

mayao_logo

Hình 2: Các phần mềm tạo máy ảo

Để máy chủ (Mac/Linux), máy ảo và HĐH khách chạy bình thường, đĩa cứng của máy chủ phải còn trống ít nhất 10GB và tối thiểu thì bộ nhớ RAM của máy chủ phải là 1GB.

Những cái tên nổi tiếng trong thế giới các nhà phát triển phần mềm tạo máy ảo là VMware, Parallels và VirtualBox. Các phần mềm như WMware Workstation/Fusion, Parallel Desktop hay VirtualBox OSE đều là những sản phẩm rất tốt, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu về ảo hóa phần mềm của người dùng. Chúng đều là những bộ phần mềm có thể hoạt động tốt trên các nền tảng cơ bản như Windows, Mac hay Linux.

Tuy nhiên, trong khi VMware và Parallels phát triển các sản phẩm thương mại với giá lên tới vài trăm USD một phiên bản thì VirtualBox (được Sun Microsystems hậu thuẫn) lại là một sản phẩm hoàn toàn miễn phí. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các bạn cài VirtualBox để tạo các máy ảo trên Mac và Linux. Các hướng dẫn dưới đây của chúng tôi đều dựa trên phần mềm này.

(Tất nhiên, nếu bạn đã có WMware Workstation/Fusion hay Parallel Desktop for Mac cài đặt trên máy thì bạn chỉ cần tạo máy ảo và cài Lạc Việt mtdEVA mà không phải quan tâm tới việc cài đặt VirtualBox dưới đây)

2. Sử dụng VirtualBox

Bạn cần có:

  1. Đĩa CD cài đặt HĐH Windows (chúng tôi sử dụng Windows XP trong các ví dụ dưới đây)

  2. Phần mềm tạo máy ảo VirtualBox

2.1 Trên Leopard 10.5.6

a. Cài đặt VirtualBox và HĐH ảo

Để cài đặt VirtualBox và HĐH Windows trên máy ảo, bạn lần lượt làm theo các hướng dẫn dưới đây:

- Download bản VirtualBox cho Mac (VirtualBox for OS X hosts) tại địa chỉ http://www.virtualbox.org/wiki/Downloads. Phiên bản tại thời điểm viết bài là VirtualBox 2.2.0. Sau đó tiến hành cài đặt như bình thường, tức là mở (mount) file cài đặt rồi kéo thả hoặc copy VirtualBox tới thư mục Applications.

- Nhấn vào biểu tượng VirtualBox trong Applications để khởi động VirtualBox. Nếu là lần chạy đầu tiên, bạn có thể phải trả lời một số câu hỏi nhưng hầu như chỉ cần chấp nhận các giá trị mặc định.

VB-MAC

Hình 3: Tạo máy ảo trên VirtualBox

- Việc tao máy ảo diễn ra rất dễ dàng nên chúng tôi chỉ đề cập tới những bước cơ bản (bạn có thể tham khảo thông tin cài đặt tại http://www.makeuseof.com/tag/virtualbox-running-windows-on-a-mac-for-free-sort-of/).

(+) Từ cửa sổ VirtualBox, chọn NewTên cho máy ảoNew (ở mục Virtual Hard Disk)

(+) Đưa đĩa cài Windows XP vào ổ CD/DVD và chọn Start từ cửa sổ chương trình. VirtualBox sẽ tự động tìm ổ CD/DVD trên máy chủ và quá trình cài đặt HĐH Windows XP sẽ diễn ra như bình thường. Bạn hầu như không phải làm gì ngoài việc chấp nhận các giá trị chương trình gợi ý. Quá trình cài đặt kéo dài khoảng 30 tới 60 phút tùy thuộc vào cấu hình máy ảo và máy chủ của bạn.

(+) Sau khi cài đặt HĐH trên máy ảo xong, bạn nên tối ưu hóa hoạt động của HĐH trên máy ảo bằng cách chọn cài Guest Additions từ Devices trên cửa sổ VirtualBox.

b. Cài đặt và sử dụng Lạc Việt mtdEVA

- Bạn cần lưu ý: có vài cách “copy” file cài đặt tới máy ảo của VirtualBox như qua ổ CD/DVD, Shared Folder (thư mục dùng chung giữa máy ảo XP và máy chủ Leopard), ổ USB và download từ Internet từ trong máy ảo. Cấu hình cho những thành phần này nằm ở phần Settings của chương trình VirtualBox. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin tại http://www.virtualbox.org/wiki/User_HOWTOS và http://forums.virtualbox.org/.

VB_Additional_2

Hình 4: mtdEVA9 trên Leopard qua VirtualBox

- Bạn khởi động HĐH Windows XP trên máy ảo, copy file cài đặt Lạc Việt mtdEVA tới máy ảo và tiến hành cài đặt như bình thường.

- Trên máy ảo, bạn có thể chạy từ điển từ biểu tượng trên Desktop hoặc trong Program Files. Lạc Việt mtdEVA chạy rất ổn định, gần như không có trục trặc hay khác biệt gì so với khi chạy trên máy vật lý cài Windows XP.

save-state

Hình 5: Tắt máy ảo ở chế độ ngủ đông’ đông’

- Từ nay, muốn tra cứu từ điển mtdEVA, bạn chạy VirtualBox => Khởi động HĐH trên máy ảo => mở mtdEVA trong máy ảo. Tuy nhiên, quá trình này có thể khiến bạn mất tới vài chục giây để mở Lạc Việt mtdEVA. Do vậy, để rút ngắn đáng kể khoảng thời gian này, bạn không đóng Lạc Việt sau khi dùng và hãy tắt HĐH ảo theo chế độ Save the machine state. Chế độ này tương tự chế độ “ngủ đông” trên máy tính thông thường. Lần dùng sau, bạn có thể chỉ mất khoảng 5 giây để vào khởi động và vào từ điển (có thể còn nhanh hơn cả trên máy tính thường).

2.2 Trên Ubuntu 9.04

a. Cài đặt VirtualBox và HĐH ảo

Đối với người dùng thông thường, việc cài đặt VirtualBox trên Linux có đôi chút phức tạp hơn so với trên Mac. Vấn đề là có vài cách cài đặt phần mềm trên Linux và không thể nói cách này dễ dàng hay tiện lợi hơn cách kia. Đơn giản nhất là download file .deb về cài đặt nhưng cách này không phải lúc nào cũng thành công vì những thành phần hệ thống cần thiết cho hoạt động của VirtualBox không được cài đồng thời. Chúng tôi giới thiệu cách cài đặt mà người dùng thông thường dễ theo dõi và ít gặp rắc rối hơn cả. Để cài đặt theo cách này, máy tính của bạn cần kết nối Internet.

VirtualBox trên Linux có 2 bản cùng song song tồn tại. Một bản là VirtualBox OSE phát hành với toàn bộ mã nguồn mở đi kèm và bản kia là VirtualBox được phát triển trên cơ sở bản nguồn mở có bổ sung một số tính năng. Trong các ví dụ dưới đây chúng tôi sử dụng bản VirtualBox.

Để cài đặt VirtualBox (tại thời điểm viết bài là bản 2.2.0), bạn lần lượt làm theo các bước sau:

- Download file key sun_vbox.asc (một dạng xác nhận, không phải file bẻ khóa) từ http://download.virtualbox.org/virtualbox/debian/sun_vbox.asc và lưu tạm ở Desktop.

- Vào System => Administration => Software Sources => Third-Party Software => Add… và thêm dòng sau vào APT line:

deb http://download.virtualbox.org/virtualbox/debian intrepid non-free

(xem thêm mục 2.2.a dưới đây)

- Cũng vẫn trên cửa sổ Software Sources, bạn chọn Authentication => Import Key File rồi tìm đến nơi lưu file xác nhận và chọn sun_vbox.asc.

Cuối cùng bạn nhấn Close Reload để cập nhật thông tin cài đặt phần mềm cho Ubuntu.

- Tiếp theo, bạn vào System => Admimistration => Synaptic Package Manager và gõ virtualbox vào ô Quick Search.

VB-Ubuntu-SPM

Hình 6: Cài đặt VirtualBox qua SPM

- Để cài đặt VirtualBox, từ cửa sổ Synaptic Package Manager bạn chọn virtualbox-2.2 (nếu cài bản OSE thì chọn virtualbox-ose và virtualbox-ose-sourrce). Sau đó nhấn Apply-Apply để bắt đầu quá trình cài đặt. Ubuntu sẽ download và cài đặt VirtualBox cùng các thành phần cần thiết cho hoạt động của chương trình.

- Sau khi cài đặt thành công, bạn sẽ thấy shortcut của VirtualBox được đặt trong System Tools. Nếu bạn chọn cài bản VirtualBox OSE thì shortcut của chương trình sẽ nằm ở Accessaries.

- Mặc dù không có yêu cầu nhưng bạn nên khởi động lại máy tính sau khi cài đặt VirtualBox.

Thực hiện theo cách này sẽ đơn giản hóa đáng kể quá trình cài đặt vì bạn sẽ không phải cài đặt từng file riêng lẻ nếu hệ thống yêu. Để biết thêm thông tin, bạn có thể tham khảo chỉ dẫn tại http://www.virtualbox.org/wiki/Linux_Downloads.

- Sau khi khởi động lại Ubuntu, bạn chọn khởi động VirtualBox trong System Tools.

mtd-Ubu-VB

Hình 7: mtdEVA9 trên Ubuntu qua VirtualBox

- Vì là cùng một chương trình nên các bước tạo máy ảo và cài đặt Windows lên máy ảo diễn ra tương tự như đã trình bày ở mục 2.1.a bên trên. Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn tại http://www.blog.arun-prabha.com/2007/05/07/installing-virtualbox-and-windows-using-virtualbox-in-ubuntu/).

b. Cài đặt và sử dụng Lạc Việt mtdEVA

Tham khảo mục 2.1.b Cài đặt và sử dụng Lạc Việt mtdEVA bên trên.

3. Nhận xét

Giải pháp sử dụng Lạc Việt mtdEVA trên Mac và Linux thông qua việc cài đặt và chạy trên máy ảo tỏ ra khá đơn giản nhưng có lẽ bạn cũng cần biết về những điểm yếu của việc sử dụng giải pháp này.

Một vài năm trước, việc cài đặt và sử dụng máy ảo cùng các HĐH khách trên máy chủ không chỉ khó khăn do sự không thân thiện của các phần mềm tạo máy ảo mà còn ở sức mạnh hạn chế của máy tính ở thời điểm đó. Tới nay những khó khăn này đã được khắc phục đáng kể. Tuy vậy bạn vẫn cần phải lưu ý một số điều:

  • Sẽ là khó khăn lớn nếu bạn không có bản quyền sử dụng HĐH Windows.

  • Mặc dù có tính tương thích cao (vì Lạc Việt mtdEVA không thực sự chạy trên Mac/Linux mà chạy hoàn toàn trong HĐH Windows trên máy ảo) nhưng việc cài đặt cả một HĐH chỉ để chạy một phần mềm duy nhất e rằng có phần lãng phí.

  • Cài đặt máy ảo tức là bạn chấp nhận giảm một phần sức mạnh vốn có của hệ thống Mac/Linux của mình. Giả sử theo các giá trị mặc định (tối thiểu) của VirtualBox, bạn sẽ phải dành cho máy ảo Windows XP 192MB bộ nhớ RAM, 10GB ổ cứng, 12MB bộ nhớ của card màn hình. Ngoài ra, việc phải gánh thêm hoạt động của máy ảo khiến CPU luôn phải hoạt động ở cường độ cao. Kết quả là bạn sẽ thấy máy nóng hơn, quạt ồn hơn vì luôn chạy ở tốc độ cao, đáp ứng yêu cầu của một số chương trình lớn sẽ chậm hơn…,v.v.

Nói một cách hình tượng, cài đặt một HĐH ảo lên máy chủ Mac hay Linux chỉ để chạy Lạc Việt mtdEVA cũng giống như việc xây một ngôi nhà 4 tầng chỉ để làm garage cho một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, nếu “hệ thống” của bạn “giàu có” thì điều này cũng chẳng thấm vào đâu!


II. GIẢI PHÁP DÙNG PM BIÊN DỊCH WINE

1. Wine là gì?

Wine là một phần mềm mã nguồn mở cho phép các HĐH dòng Unix (trong đó có Mac) và Linux, bất kể kiến trúc x86 hay x86-64, thực thi các chương trình vốn chỉ chạy trên các HĐH Windows.

winehq_logo

Hình 8: Logo của Wine

Wine trực tiếp xử lý các thư viện giao tiếp lập trình ứng dụng của Windows (API), và đóng vai trò như cầu nối giữa ứng dụng của Windows và HĐH Unix/Linux. Nói một cách đơn giản, Wine hoạt động với tư cách của một lớp tương thích hay biên dịch

giữa 2 nền tảng. Windows và Unix như những người nói những ngôn ngữ khác nhau và Wine làm nhiệm vụ của một phiên dịch viên trực tiếp (giống như những người dịch cabin). Khi một chương trình Windows thực thi một chức năng mà Unix/Linux không có, Wine sẽ biên dịch các chỉ lệnh của chương trình đó thành những chỉ lệnh mà hệ thống Unix/Linux hỗ trợ. Ví dụ, nếu một chương trình yêu cầu hệ thống tạo một nút bấm hay một hộp thoại Windows, Wine sẽ chuyển yêu cầu đó thành dạng tương đương của Unix/Linux thông qua việc sử dụng giao thức X11.

Do đó, Wine không phải là một phần mềm mô phỏng. Về nguyên tắc, các chương trình Windows chạy qua Wine hoạt động hệt như các chương trình gốc và không gây ra các trục trặc về chiếm dụng tài nguyên hay tranh chấp bộ nhớ.

Khi bạn cài đặt một chương trình Windows trên Mac/Linux, Wine sẽ tạo một cấu trúc thư mục giống hệt như trên Windows: drive_C – Windows – Program Files… và đặt trong User/Tên người dùng/.wine/.

Dự án Wine ra đời năm 1993 với mục đích ban đầu là hỗ trợ khả năng chạy các ứng dụng của Windows 3.1 trên Linux. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ngày nay Wine có thể hỗ trợ nhiều ứng dụng Win32 từ Windows 98 tới Windows Vista để chạy trên nhiều HĐH Linux và Unix khác nhau.

Kể từ khi ra đời tới nay, Wine luôn là phần mềm “đang phát triển” (có thể hiểu tương tự như bản Beta). Do đó, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện Wine.

Tính tới thời điểm viết bài, phiên bản ổn định (stable) mới nhất là Wine 1.0.1 và bản thử nghiệm (development) là Wine 1.1.20. Để tham khảo thêm thông tin về Wine, bạn có thể vào địa chỉ http://www.winehq.org.

Song song với bản Wine miễn phí cũng có một bản “Wine thương mại” có tên là CrossOver do hãng CrossWeavers phát triển. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về CrossOver tại http://www.codeweavers.com. CrossOver (cho cả Linux và Mac) thực chất là một bản Wine có vẻ thân thiện hơn với người dùng. Các hướng dẫn ở phần sau cho Wine cũng có thể áp dụng cho CrossOver.

darwine_logo

Hình 9: Logo của Darwine

Bản Wine miễn phí cho Mac có tên là Dawine. Dự án Darwine (http://darwine.sourceforge.net/) đã từ lâu không còn được chính thức phát triển. Lý do không phải là vì người ta không còn nhu cầu chạy các ứng dụng của Windows trên Mac mà là do “sự thờ ơ của Apple cùng lo ngại về những ảnh hưởng không tốt tới Microsoft” (theo thông tin tại http://wiki.winehq.org/MacOSX). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi vấn đề có lẽ nằm ở hãng CrossWeavers và phần mềm CrossOver của họ.

CrossOver (có giá khoảng 65 USD) về căn bản chính là Wine và do một số thành viên chủ chốt của dự án Wine cùng xây dựng. Do đó, có thể hiểu là dự án Darwine miễn phí ngừng hoạt động để chuyển hướng sang hỗ trợ hoàn toàn bản CrossOver thương mại của CrossWeavers.

Tuy vậy, vẫn còn có nhiều người trong cộng đồng mã nguồn mở tiếp tục phát triển bản Wine cho Mac. Có vài cách xây dựng và cài Darwine trên Leopard nhưng chúng tôi đề xuất sử dụng bản cài đặt do Kronenberg phát triển.


2. Lạc Việt mtdEVA qua Wine

Để có thể giúp chương trình Windows chạy được trên Mac/Linux, Wine cần một số thư viện liên kết động DLL của Windows. Thông thường, dựa trên yêu cầu của chương trình, Wine sẽ tạo các thư viện này trong thư mục system32. Tuy nhiên, trong trường hợp cài đặt mtdEVA, vì những lý do chưa rõ, Wine không tạo đầy đủ các file DLL cần thiết. Bên cạnh đó, mtdEVA cũng đòi hỏi một số thư viện mà Wine không có. Do đó, chúng tôi tập hợp 23 file DLL cần thiết cho hoạt động của Lạc Việt mtdEVA trên Leopard và Ubuntu trong danh sách dưới đây (phần mở rộng đều là DLL):

comaddin, comcat, comctl32, comdlg32, commdlg, gdi32, mfc40, mfc40u, mfc42, mfc42loc, mfc42u, mfc90, mfc90enu msls31, msvcp50, msvcp60, msvcp90, msvcr71, msvcr90, msvcrt, msvcrt20, msvcrt40, pdh

Bạn có thể tìm thấy các file này trong thư mục windows/system32 trên máy tính chạy HĐH Windows.

Ngoài ra, Lạc Việt mtdEVA dùng các file font chữ riêng và đôi khi vì một nguyên nhân nào đó các font này dù có được cài đặt nhưng bị hỏng. Bạn có thể tìm thấy các file này trong thư mục fonts trên đĩa cài từ điển.

Để giúp bạn bớt khó khăn, chúng tôi đã tập hợp các file DLL và Fonts nêu trên trong file DLL_Fonts.zip (khoảng 6MB), và bạn có thể download tại http://ifile.it/swylz5p.

Nếu download, sau khi giải nén (giả sử tới Desktop), bạn sẽ thấy 2 thư mục là DLL (chứa các file DLL) và Fonts (chứa các font chữ). Nếu copy các file này bạn cũng nên lưu ở thư mục Desktop/DLL_Fonts/ tương ứng vì các hướng dẫn dưới đây đều dựa trên đường dẫn này.

2.1. Trên Leopard 10.5.6

a. Chuẩn bị cài đặt

- Bạn download Darwine 1.0.1 tại http://www.kronenberg.org/darwine/ rồi tiến hành cài đặt bình thường. Sau khi mở (mount) file cài đặt, bạn kéo Darwine (thư mục) tới Applications. Bạn cũng có thể kéo cả Trix (còn được gọi là WineTricks – công cụ hỗ trợ hoạt động của các phần mềm trên Wine) tới Applications/Darwine. Trong Darwine có WineHelper (chính là Wine) và thư mục Sample WineLib Applications chứa một số chương trình đặc trưng của Windows. Trong số các chương trình này, bạn cần lưu ý file winecfg.exe vì nó chính là chương trình thiết đặt cấu hình hoạt động cho Wine.

darwine_mount

Hình 10: Cài đặt Darwine

- Darwine cần X11 (hệ cửa sổ X của Mac) được cài đặt trên máy. X11 đã có sẵn trên Leopard. Nếu chạy Tiger hoặc cần nâng cấp X11 của Leopard, bạn có thể download bản X11 miễn phí mới nhất tại http://xquartz.macosforge.org/trac/wiki.

b. Cài đặt và sử dụng mtdEVA

* Cài đặt Lạc Việt mtdEVA2002/2009

Việc cài đặt mtdEVA2002 và 2009 diễn ra tương đối giống nhau ở phần này nên chúng tôi đưa ra các hướng dẫn chung cho cả 2 phiên bản. Để cài đặt, bạn lần lượt làm theo các bước dưới đây:

- Đưa đĩa cài Lạc Việt mtdEVA vào ổ CD/DVD và truy xuất nội dung đĩa cài qua biểu tượng ổ CD/DVD trên Desktop. Nếu bạn lưu nội dung đĩa cài hoặc file cài đặt ở một thư mục nào thì chuyển tới thư mục đó.

- Nhấn chuột phải vào file mtd2002.exe (bản 2002) hoặc mtd2008EVA.msi (bản 2009) và chọn Open with WineHelper. Nếu đây là lần cài đặt phần mềm Windows đầu tiên qua WineHelper, có thể chương trình sẽ mất khoảng 10 giây để thiết lập các thành phần cần thiết.

- Quá trình cài đặt Lạc Việt mtdEVA sẽ bắt đầu ngay sau đó và nó diễn ra giống hệt như trên Windows. Bạn không nên thay đổi bất cứ thông số nào. Hãy chấp nhận các giá trị mặc định mà chương trình đưa ra.

mtd-Mac-Install

Hình 11: Cài mtdEVA9 với thông số mặc định

- Sau khi quá trình cài đặt thành công, bạn sẽ thấy 2 biểu tượng Lạc Việt mtdEVA trên Desktop của Mac (bạn chỉ cần quan tâm tới biểu tượng có phần mở rộng là .lnk, có thể xóa biểu tượng còn lại).

- Lúc này Darwine đã tạo thư mục .wine trong Users/tên người dùng/ và lưu tất cả mọi thứ trong đó. Các bước tiếp theo đòi hỏi bạn phải truy nhập các thư mục con trong .wine. Tuy nhiên, thư mục .wine lại là một thư mục ẩn, và Mac không hiển thị các file hoặc thư mục ẩn. Do đó, bạn không thể truy nhập thư mục này theo cách thông thường.

Để vào .wine, bạn chuyển tới Users/tên người dùng/ rồi từ Finder chọn Go – Go to Folder… Gõ .wine và nhấn nút Go.

go.wine-2

Hình 12: Vào thư mục ẩn .wine

- Tiếp theo, bạn copy các file DLL từ Desktop/DLL_Fonts/DLL tới thư mục system32 và ghi đè lên các file cũ (nếu có). Đường dẫn đã cụ thể như sau:

Users/tên người dùng/.wine/drive_C/windows/system32

- Bạn chuyển sang /drive_C/Program Files/mtd2002 (với bản 2002) và mtd9 (với bản 2009) và xóa file winlogo.wav (xóa ngay khỏi Trash)

- (Tuỳ chọn) bạn copy các file font chữ từ Desktop/DLL_Fonts/Fonts hoặc thư mục Fonts trên đĩa cài tới ghi đè lên các file đã có trong /drive_C/windows/fonts.

- Bạn chạy file winecfg.exe trong Applications/Darwine/Sample WineLib Applications để thiết đặt thông số giao diện cho chương trình.

Trong Wine configuration, bạn nhấn chuột vào nhãn Graphics và chọn Emulate a virtual desktop. Nên chấp nhận thông số mặc định 800×600.

Đây không phải là bước bắt buộc nhưng bạn nên thực hiện vì nó sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý chương trình hơn.

* Sử dụng Lạc Việt mtdEVA

Thông thường, sau quá trình cài đặt và thiết lập cấu hình, bạn có thể nhấn đúp vào biểu tượng của mtdEVA trên Desktop để chạy chương trình bình thường như trên Windows (nếu bạn cũng cài cả CrossOver thì nhấn chuột phải vào biểu tượng và chọn Open with WineHelper). Wine mở một số cửa gỡ rối chương trình nhưng với người dùng thông thường thì không cần thiết nên bạn có thể tắt chúng đi sau khi mtdEVA đã khởi động.

open-wine_Desktop

Hình 13: Mở mtdEVA từ biểu tượng trên Desktop

Để tắt từ điển, bạn nhấn vào biểu tượng X trên cửa sổ Default - Wine desktop 2 lần (chứ không phải biểu tượng X trên của sổ mtdEVA).

Nói chung, bộ từ điển Lạc Việt mtdEVA chạy khá tốt qua Wine. Theo thử nghiệm của chúng tôi, bản mtdEVA2002 dường như chạy ổn định hơn bản mtdEVA9.

mtd-Mac

Hình 14: mtdEVA trên Leopard qua Wine

Tuy nhiên, vì từ điển Lạc Việt là chương trình lớn bao gồm nhiều thành phần chứa những cơ sở giữ liệu phức tạp khác nhau nên Wine sẽ mất nhiều thời gian biên dịch các chỉ lệnh hơn. Đây là lý do chính có thể khiến phát sinh lỗi khi chạy mtdEVA (đặc biệt là bản 2009).

Lỗi thông thường và ít nghiêm trọng nhất là khởi động từ điển chậm (khoảng 10 – 15 giây nhưng việc tra từ diễn ra bình thường).

Tiếp theo có thể là lỗi tắc kẹt ở logo khởi động của mtdEVA hoặc ở cửa sổ chương trình dù từ điển đã khởi động hoặc sử dụng được một lát thì chương trình bị treo. Lỗi này chủ yếu xảy ra với mtdEVA9. Cách khắc phục lỗi này khá “kỳ lạ”: bạn phải tắt WineHelper đi thì mtdEVA sẽ chạy bình thường. Khi bị lỗi nêu trên (cửa sổ Wine log sẽ báo “trying 60 sec”), bạn nhấn chuột phải vào biểu tượng WineHelper trên Dock và chọn Quit, rồi tiếp tục nhấn chuột phải vào biểu tượng này và chọn Force Quit. Hy vọng các bản (Dar)wine ổn định sau này sẽ khắc phục được lỗi này.

error-quit

Hình 15: Lỗi khi khởi động và cách khắc phục

Những lỗi nghiêm trọng nhất có thể là không cài đặt được hoặc không khởi động được Lạc Việt mtdEVA, WineHelper bị treo hoặc liên tục báo lỗi… Không thể có một giải pháp chung cho những lỗi loại này. Chúng tôi chỉ có thể nêu những gợi ý như Force Quit cả WineHelper và X11 từ Dock, mở Activity Monitor và Force Quit WineHelper và X11 cùng wineserver và các tiến trình có tên mwine, xóa triệt để toàn bộ thư mục .wine (xóa khỏi thùng rác), gỡ cài đặt Darwine… và tiến hành tất cả cả các bước lại từ đầu (nên dùng bản ổn ổn định).


2.2. Trên Ubuntu 9.04

a. Chẩn bị cài đặt

- Nếu Ubuntu của bạn chưa có Wine, bạn có thể cài đặt phần mềm này theo cách cài đặt bạn quen thuộc nhất. Trên Linux, bạn có vài cách cài đặt phần mềm nhưng ở đây chúng tôi xin giới thiệu cách cài đặt trực quan và đơn giản nhất với người dùng thông thường. Để cài đặt Wine theo cách này, máy tính của bạn cần kết nối với Internet. Bạn có thể tham khảo thêm các thông tin cài đặt tại http://www.winehq.org/download/

Trước tiên, bạn download file Scott Ritchie.gpg cho Wine (một dạng xác nhận) từ http://wine.budgetdedicated.com/apt/Scott%20Ritchie.gpg và lưu xuống một thư mục, chẳng hạn Desktop.

Tiếp theo, bạn vào System => Administration => Software Sources => Third-Party Software => Add… và thêm dòng sau vào APT line:

deb http://wine.budgetdedicated.com/apt jaunty main #WineHQ – Ubuntu 9.04 “Jaunty Jackalope”

ubuntu-soft-source

Hình 16: Cập nhật Software Sources

Cũng vẫn trên cửa sổ Software Sources, bạn chọn Authentication => Import Key File rồi tìm đến nơi lưu file xác nhận và chọn Scott Ritchie.gpg

Cuối cùng bạn nhấn Close và Reload để cập nhật thông tin cài đặt phần mềm cho Ubuntu.

Tiếp theo, bạn vào System => Admimistration => Synaptic Package Manager và gõ ‘wine’ vào ô Quick Search

Để cài đặt Wine, từ cửa sổ Synaptic Package Manager bạn chọn winewine-gecko. Sau đó bạn nhấn Apply để bắt đầu quá trình cài đặt. Ubuntu sẽ download và cài đặt Wine cùng những thành phần cần thiết cho hoạt động của Wine (xem thêm mục 2.2.a bên trên).

Sau khi cài đặt thành công, bạn sẽ thấy Wine ở trong Applications và Ubuntu có thể thực thi các file chạy của Windows ngay lập tức.

b. Cài đặt Lạc Việt mtdEVA2002/2009

* Lạc Việt mtdEVA2002:

Để bắt đầu cài từ điển, bạn nhấn chuột phải vào file mtdEVA2002.exe (trên CD Lạc Việt mtdEVA 2002 hoặc từ thư mục chứa các file cài đặt) và chọn Open with Wine Windows Loader. Quá trình cài đặt sẽ diễn ra như trên Windows. Bạn làm theo các yêu cầu của trình cài đặt và nên chấp nhận các giá trị mặc định.

mtd-Ubun-Install

Hình 17: Bắt đầu cài đặt mtdEVA

- Sau khi cài đặt thành công, Wine sẽ đặt shortcut của mtdEVA trong Applications/Wine/Programs và trên Desktop (bạn chỉ cần quan tâm tới biểu tượng có phần mở rộng là .lnk, có thể xóa biểu tượng còn lại).

- Bạn chạy thử mtdEVA2002 bằng việc chọn Lac Viet mtdEVA 2002 trong Wine/Programs hoặc nhấn chuột phải lên biểu tượng mtdEVA trên Desktop và chọn Open with Wine Windows Program Loader (có thể phải tìm qua Open with other Application). Nếu chương trình khởi động và chạy bình thường (nên thử một vài lần) thì bạn không cần phải thực hiện các bước sau đây.

mtd-Ubun-Open

Hình 18: Khởi động mtdEVA2002 từ Applications

Nếu mtdEVA không khởi động hoặc treo ở của sổ khởi động hoặc chỉ khởi động và chạy một lần duy nhất… thì bạn làm theo các hướng dẫn dưới đây (xem phần cài đặt mtdEVA9 dưới đây)

Nói chung, bản 2002 chạy khá ổn định trên Ubuntu qua Wine. Qua thử nghiệm chúng tôi nhận thấy gần như không có khác biệt gì về hoạt động của mtdEVA trên Unbuntu và Windows.

* Lạc Việt mtdEVA9 (2009):

File cài đặt bản 2009 là mtd2008EVA.msi. Để cài đăt mtdEVA9, bạn đưa đĩa cài đặt vào ổ CD/DVD và chuyển tới thư mục MTDDAT trên đĩa CD/DVD. Nếu bạn download và lưu file cài đặt trên một thư mục trên đĩa cứng thì chuyển tới thư mục này.

Nhấn chuột phải vào file mtd2008EVA.msi và chọn Open with Wine Windows Program Loader. Quá trình cài đặt diễn ra bình thường như trên Windows (tham khảo cài đặt mtdEVA2002 bên trên).

Sau khi quá trnh cài đặt hoàn thành, bạn phải thực hiện những bước sau để Lạc Việt mtdEVA9 có thể hoạt động trên Ubuntu (áp dụng cho cả mtdEVA2002 khi gặp trục trặc).

- Chuyển tới thư mục .wine/drive_C:

Đường dẫn cụ thể của thư mục trên là /home/tên người dùng/.wine/drive_c/ và bạn có thể tiếp cận qua Applications/Wine/Browsw C:\ Drive (hoặc mở home/tên người dùng, nhấn nhãn View và chọn Show Hidden Files…)

hid-wine-Ubun

Hình 19: Vào thư mục ẩn .wine

- Copy tất cả các file DLL từ Desktop/DLL_Fonts/DLL tới thư mục system32 trong drive_C/windows/system32 và ghi đè lên các file đã có

- Vẫn trong drive_C, bạn chuyển tới Program Files/mtd2002 và xóa file winlogo.wav (xóa ngay khỏi thùng rác)

-(tùy chọn) Copy các file fonts từ Desktop/DLL_Fonts/fonts tới drive_C/windows/fonts và ghi đè lên các file đã có.

mtd-open_Desktop

Hình 20: Mở mtdEVA từ biểu tượng trên Desktop

Quá trình cài đặt và cấu hình để mtdEVA9 hoạt động đã hoàn thành. Bạn có thể chạy mtdEVA từ Applications/Wine/Programs hoặc từ shortcut trên Desktop.

c. Sử dụng Lạc Việt mtdEVA

Cả mtdEVA2002 và mtdEVA9 đều chạy ổn định trên Ubuntu. Bản 2002 không có trục trặc gì nhưng thời gian khởi động lâu hơn bản 2009 một chút. Bạn có thể chạy mtdEVA thông qua Applications/Wine/Programs hoặc shortcut của chương trình trên Desktop.

Nếu Lạc Việt mtdEVA (đặc biệt bản 2009) không chạy, bạn có thể phải “kích hoạt” nó theo cách sau đây:

Mở Terminal (từ Applications/Accessaries) và gõ các lệnh sau:

- cd ~/.wine/drive_c/Program*/mtd9

- wine mtd2008EVA.exe

wine-terminal

Hình 21: Chạy mtdEVA từ dòng lệnh

Chương trình sẽ khởi động và từ lần sau bạn chỉ việc chạy từ biểu tượng trên Desktop hoặc trong Wine/Programs


3. Nhận xét

Hy vọng, bạn đang nhấm nháp ly rượu vang thơm ngon khi đọc mục này!

Nói chung giải pháp dùng Wine hơi phức tạp với người dùng thông thường. Bạn phải nắm được một số nguyên tắc hoạt động cơ bản của Mac/Linux để thực hiện việc cài Wine và mtdEVA. Ngoài ra, giao diện của mtdEVA9 trên Leopard qua Wine cũng không được đẹp như trên Windows. Bù lại, mtdEVA qua Wine hoạt đúng với tư cách một phần mềm trên Mac/Linux, đó là độc lập với các chương trình khác, không ngốn RAM, không bắt CPU phải làm việc liên tục với cường độ cao…,v.v.

Giải pháp này phù hợp cho những bạn ưa tìm tòi, khám phá thế giới máy tính. Ngoài ra, ở một chừng mực nào đó, đây là giải pháp của “con nhà nghèo” khi mà cả túi tiền và túi tài nguyên hệ thống đều có hạn!


III. KẾT LUẬN

Mọi sự đều có 2 mặt: tích cực và tiêu cực, thuận lợi và khó khăn…,v.v. Việc áp dụng giải pháp máy ảo hay giải pháp dùng Wine để chạy bộ từ điển Lạc Việt mtdEVA trên Mac hay Linux cũng không nằm ngoài quy luật này. Tức là mỗi giải pháp có những mặt mạnh và mặt yếu riêng.

Nếu như giải pháp máy ảo đem lại tính tương thích cao – mtdEVA chạy trơn tru, gần như không gặp vấn đề gì – thì nó lại là giải pháp khá tốn kém. Tốn kém ở đây được hiểu là tốn kém về tài chính như phải mua bản quyền cho HĐH Windows (nếu bạn chưa có), tốn kém về mặt thời gian cài đặt HĐH và tốn kém về tài nguyên hệ thống như lượng RAM, đĩa cứng, bộ nhớ video… phải chia sẻ giữa Mac/Linux và HĐH ảo mà mtdEVA trên chạy trên đó.

Tốn kém về mặt tài nguyên có thể là khó chịu nhất vì nó làm giảm hiệu năng làm việc chung của toàn hệ thống (tuy điều này là không đáng kể với những máy có cấu hình cao).

Với giải pháp dùng Wine, các điểm yếu của giải pháp máy ảo được được khắc phục triệt để. Bạn không phải tốn tiền cho HĐH ảo, và tài nguyên hệ thống được sử dụng hiệu quả, không hề bị lãng phí. Tuy nhiên, điểm bất lợi của giải pháp này lại là việc bạn phải dành thời gian “cấu hình” cho Wine và mtdEVA. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng với người dùng thông thường. Hơn nữa, vì phải biên dịch lại các chỉ lệnh nên không phải lúc nào Wine cũng đảm bảo được chương trình sẽ hoạt động y hệt như trên Windows.

Thực ra, còn một giải pháp nữa để chạy mtdEVA trên Mac và Linux, đó là kết hợp 2 giải pháp nêu trên với sự trợ giúp của một phần mềm hỗ trợ ứng dụng hoạt động không cần cài đặt (như VMware ThinApp). Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chưa thể đề cập tới giải pháp này. Hy vọng, trong một tương lai không xa chúng tôi sẽ có dịp trở lại đề tài này.

Dựa trên các phân tích về điểm mạnh và điểm yếu của 2 giải pháp nêu trên, các bạn có thể lựa chọn một giải pháp phù hợp cho mình. Tất nhiên, dù lựa chọn giải pháp máy ảo hay giải pháp dùng Wine thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phải sử dụng được bộ phần mềm từ điển Lạc Việt mtdEVA trên các hệ thống chạy HĐH Mac và Linux. Hy vọng, qua những hướng dẫn nêu trên của chúng tôi, các bạn có thể tự tin làm việc trên Mac và Linux với sự trợ giúp của bộ từ điển Lạc Việt mtdEVA.

Chúc các bạn thành công!


Nguyễn Việt Khoa

Linguistics and English Language

University of Sussex, UK

Email: vietkhoabk@hotmail.com


Tài liệu tham khảo:

http://forums.virtualbox.org

http://www.codeweavers.com/support/forums

http://www.lacviet.com.vn

http://www.macvn.com

http://www.tinhte.com/forum

http://www.ubuntu-vn.org

http://www.winehq.org

 
Adapted and Bloggerised by VIETTIEN | Since 2007 | Designed by Lasantha Bandara