17 tháng 7, 2009

Chính sách đồng hóa của TQ là nguyên nhân gây bất mãn

Tây Tạng, Tân Cương : chính sách đồng hóa của Trung Quốc là nguyên nhân gây bất mãn


Lính Trung Quốc mang vũ trang tuần hành trên đường phố Địch Hóa (Ảnh : Reuters)
Lính Trung Quốc mang vũ trang tuần hành trên đường phố Địch Hóa
(Ảnh : Reuters)

Nghe bài này




VN_20090713a.mp3 -

Bạo loạn tại Tân Cương hiện nay và tại Tây Tạng hồi tháng ba 2008 có cùng một nguồn cội và những điểm tương đồng. Người Duy Ngô Nhĩ nói tiếngThổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi ở Tân Cương và người Tây Tạng theo đạo Phật đều nổi dậy chống chính sách đồng hóa thô bạo của Bắc Kinh.

Mặc dù giữa Tây Tạng và Tân Cương từ địa lý, tài nguyên đến văn hóa đều hoàn toàn không có một điểm tương đồng, nhưng các cuộc bạo loạn tại hai vùng ven biên của Trung Quốc đều mang sắc thái chung.

Theo nhận định của giới chuyên gia được AFP trích dẫn thì mẫu số chung này là hai sắc dân kẻ theo đạo Phật người theo đạo Hồi đều phẫn nộ chính sách Hán hóa thô bạo của Bắc Kinh.

Chính sách đồng hóa này được thực hiện có hệ thống từ khi đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông chiếm chính quyền năm 1949 tại Hoa lục.

Hệ quả là 60 năm sau, chính sách đưa người Hán lên định cư tại hai khu vực ven biên này làm đảo lộn quân bình dân số. Chỉ riêng tại thủ phủ Lhassa, người Hán đã chiếm đến 17% và kiểm soát hầu hết sinh hoạt thương mại. Còn tại Địch Hóa, thủ phủ của Tân Cương, người Hán đã chiếm đa số với 75%, người Duy Ngô Nhĩ trở thành thiểu số ngay trên quê hương của mình.

Chuyên gia Mỹ Dru Gladney nhận định là ở Tây Tạng cũng như tại Tân Cương, người dân địa phương nổi dậy là chuyện tự nhiên.

>Chính sách Hán hóa được thể hiện qua các biện pháp bóp nghẹt văn hóa, tiêu diệt ngôn ngữ, cản trở sinh hoạt tôn giáo và tự do tín ngưỡng. Tệ hại hơn nữa là chính quyền Trung Quốc xem người dân Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ như một loại « công dân hạng hai » ngay trên đất nước của tổ tiên để lại.

Chuyên gia này cho biết thêm là từ sáu mươi năm qua, Trung Quốc thi hành cùng một chính sách sắc tộc tại Tây Tạng cũng như tại Tân Cương và mô hình đồng hóa này không thể thành công, không thể khuất phục được những dân tộc có bản sắc vững chắc và văn hóa cao.

Tháng ba năm ngoái trước những cuộc biểu tình phản kháng tại Tây Tạng, bộ máy an ninh của Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp làm 203 người chết, một ngàn người bị thương và gần 6 ngàn người bị bắt giam từ đó. Đây là số liệu do Ủy ban quốc tế ủng hộ Tây Tạng đưa ra trong hồ sơ kiện chính phủ Trung Quốc tội diệt chủng tại Tòa án Tây Ban Nha.

Tại Tân Cương, bạo động còn đẫm máu hơn với 184 người chết theo số liệu chính thức, nhưng phong trào ly khai nói đến con số từ 600 đến 800 người Duy Ngô Nhĩ bị giết.

Nhà Tây Tạng học người Pháp Claude Levenson ghi nhận tại hai « vùng tự trị này » biến cố trên đây làm lộ ra tình trạng sống « trong hận thù và sợ hãi ». Tại hai nơi, giới quan sát chứng kiến những điểm tương đồng khác trong cách xử lý của nhà nước Trung Quốc : lực lượng công an đứng về phía người Hán và dùng từ ngữ khinh miệt người địa phương là « bọn man rợ ».

Trước phản ứng của cộng đồng người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, Bắc Kinh quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo lưu vong là Đức Đạt Lai lạt Ma của Tây Tạng và bà Rebya Kadeer đứng đầu tổ chức Đại Hội người Duy Ngô Nhĩ trên thế giới.

Bất chấp mọi nghịch lý, chính quyền Trung Quốc một mặt ám chỉ Hoa Kỳ gián tiếp can thiệp vào nội tình Trung Quốc, mặt khác lên án thành phần « Hồi giáo cực đoan liên kết với khủng bố Al Qaida » phá hoại tình đoàn kết dân tộc.

Điểm giống nhau cuối cùng là chính sách truy bắt hàng loạt những người mà Trung Quốc gọi là « gây chia rẽ dân tộc ».

Theo chuyên gia Pháp Jean-Philippe Beja, đại học Hong Kong, thì nếu như những lời tuyên bố của giới lãnh đạo Trung Quốc là chính xác thì công luận có quyền nghi ngờ Bắc Kinh cố tình để xảy ra một cuộc « thanh lọc » sắc tộc. Vì từ tháng giêng, chính quyền địa phương Tân Cương tuyên bố là thành phần ly khai sẵn sàng « ra tay » bằng mọi giá.

Nhưng sự kiện chủ tịch Hồ Cẩm Đào giữa chừng bỏ hội nghị G8 khẩn cấp về nước cho thấy tình hình không đơn giản.

Tân Cương trước khi bị Trung Quốc xáp nhập, là nước độc lập với tên gọi là Đông Turkestan. Khác với Tây Tạng, Tân Cương có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên gồm dầu hỏa, khí đốt, Uranium và than đá, nhu cầu sinh tử của Trung Quốc.

Tân Cương còn có giá trị địa lý chiến lược rất quan trọng nằm giữa Trung Quốc và 8 nước Trung Á. Ngoài ra Tân Cương còn nằm cạnh một vùng bất ổn của thế giới Hồi Giáo trong đó có Pakistan và Afghanistan. Chính vị trí đặc biệt này làm cho Bắc Kinh vô cùng lo ngại.



Tú Anh

Bài đăng ngày 13/07/2009

(Theo RFI tiếng Việt)

THÊM NHẬN XÉT

0 bình luận :

Đăng nhận xét-bình luận

Cảm ơn Bình luận/Nhận xét của bạn.

 
Adapted and Bloggerised by VIETTIEN | Since 2007 | Designed by Lasantha Bandara