31 tháng 7, 2009

Cách tạo nhãn (Tab View) cho Blogger


THÔNG TIN

TabView là gì?
TabView là cách rất tiện lợi để giới thiệu thông tin cho người đọc, đặc biệt khi bạn muốn tiết kiệm diện tích trên sidebar hoặc sidebar đã có nhiều thành phần.

Thành phần nào có thể đưa vào TabView?
TabView có thể hiển thị nhiều loại thông tin như nhắn nhanh (Shoutmix), Twitter, bài mới nhất, bình luận mới nhất...

THÊM TABVIEW VÀO BLOGGER

1. Trong Dashboard, chọn Layout - Edit HTML
2. Nhấn chuột vào Download Full Template để sao lưu toàn bộ thiết lập của blog (phòng trường hợp có trục trặc có thể khôi phục blog về trạng thái như hiện hành)
3. Nhấn chuột vào Expand Widget Template để xem Template ở chế độ nâng cao. Sao chép toàn bộ đoạn mã dưới đây và dán vào ngay trước giá trị ]]></b:skin> (có thể dùng Ctrl+F để tìm nhanh).


div.TabView div.Tabs
{
height: 24px;
overflow: hidden;
}
div.TabView div.Tabs a
{
float: left;
display: block;
width: 90px; /*width of main menu*/ text-align: center;
height: 24px; /* height of main menu */
padding-top: 3px;
vertical-align: middle;
border: 1px solid #F4F4F4; /* border colour from above */
border-bottom-width: 0;
text-decoration: none;
font-family: "Times New Roman", Serif; /* Type of Fonts */
font-weight: 900;
color: #F4F4F4; /* Colour of fonts*/
}
div.TabView div.Tabs a:hover, div.TabView div.Tabs a.Active
{
background-color: #FFFFFF;/* background colour*/
}
div.TabView div.Pages
{
clear: both;
border: 1px solid #F4F4F4; /* line colour menu*/
overflow: hidden;
background-color: #FFFFFF; /* backgorund colour */
}
div.TabView div.Pages div.Page
{
height: 100%;
padding: 0px;
overflow: hidden;
}
div.TabView div.Pages div.Page div.Pad
{
padding: 3px 5px;

4. Dán đoạn mã sau ngay trước </head>

<script src="http://viettien.webs.com/codes/tabview.js" type="text/javascript"></script>

5. Lưu Template, chuyển tới Layout - Page Elements, nhấn chuột vào Add a Gadget và chọn HTML/Javascript từ danh sách. Sao chép và dán đoạn mã sau đâu vào cửa sổ Configure HTML/JavaScript:

<form action="tabview.html" method="get">
<div class="TabView" id="TabView">
<div class="Tabs" style="width: 350px;">

<a>Nhãn 1</a>
<a>Nhãn 2</a>

</div>
<div class="Pages" style="width: 350px; height: 250px;">
<div class="Page">
<div class="Pad">

Mã 1 cho Nhãn 1 <br />
Mã 2 cho Nhãn 1 <br />

</div>
</div>
<div class="Page">
<div class="Pad">

Mã 1 cho Nhãn 2 <br />
Mã 2 cho Nhãn 2 <br />

</div>
</div>
</div></div>
</form>
<script type="text/javascript">
tabview_initialize('TabView');
</script>

6. Lưu các thay đổi cho Template. Việc thêm mã TabView vào Template của blog đã hoàn thành. Bước tiếp theo là thuộc về sự sáng tạo của bạn.

7. Chú ý về các tham số trong HTML/Javascript:
- Nhãn 1-2: tên nhãn bạn muốn gán cho Tab (ví dụ Nhắn nhanh, Bài mới...);
- "width: 350px; height: 250px": độ rộng và độ cao của khung TabView tính bằng pixel. Bạn có thể thay đổi các thông số này cho vừa với theme của blog.
- Mã cho Nhãn: là nơi dán mã của thành phần bạn muốn thêm vào TabView. Ví dụ Nhãn 1Bài mới thì bạn dán mã Bài mới (Recent Commnent) đè lên Mã 1 cho Nhãn 1.

Chúc vui!


Tham khảo:
- http://blogtutormaster.blogspot.com
- http://hoctrointro.blogspot.com

29 tháng 7, 2009

Hành hương

Đây là bài của bác Xuân My bên Diễn đàn Giáo dục (http://edu.net.vn/forums/t/65680.aspx). Lời văn mộc mạc nhưng xúc động. Để tỏ lòng tri ân với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, viettien xin đăng lại ở đây.

---------------------


Khổ thơ để đời

Đò suôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Hóa tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi suốt ngàn năm

Thơ Lê Bá Dương

Khổ thơ trên có rất nhiều phiên bản khác nhau. Đã có vài bài báo dài viết về vấn đề này. Ngay cả Lê Bá Dương cũng không nhớ rõ chính bản. Chỉ biết rằng anh đã viết thành thơ tâm nguyện của những người còn sống khi nghĩ về các đồng đội, những người thân đã ngã xuống trong cuộc chiến Quảng Trị năm 1972. Chỉ tiếc rằng phiên bản của khổ thơ được khắc trên tấm bia bên Bến Thả Hoa lại hơi ngô nghê, chứng tỏ sự vô cảm của người có trách nhiệm.

Bến thả hoa

Bến thả hoa được xây dựng bên bờ nam dòng Thạch Hãn. Cách đây 37 năm, từ bờ bắc, hàng nghìn chiến sĩ trẻ măng đã hướng tới nơi này bơi qua để sát cánh cùng đồng đội tiếp tục cuộc chiến. Lòng sông rộng không đầy 200 mét hứng đầy bom đạn. Bao nhiêu anh đã mãi mãi nằm dưới đáy sông?

Nghĩa trang Đường Chín

Sáng 26/07/2009, nghi lễ trọng thể tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ được tổ chức tại Nghĩa trang Đường Chín. Choáng!!! Khi thấy trước mặt các quan chức và bàn dân thiên hạ là tượng Phật bà Quan Âm (PBQA). Số là trong suốt ngày 25/07, tại nơi đây đã diễn ra lễ cầu siêu cho hương hồn các liệt sĩ. Sau khi dâng hương cho PBQA (!), các quan chức và ngoại giao đoàn lên trên cao dâng hương tượng đài chính, rất thành kính nhưng không có bát hương để cắm. Điều duy nhất an ủi TD là dù trời nắng gắt nhưng không có quan chức nào cần người khác che ô.

Thành Cổ

Sáng 25/07, 5 anh em đoàn 6971 vào Thành Cổ. Không có các quan chức, không lễ nghi rườm rà. Bó hương thắp mãi không được vì gió thổi từ cả 4 hướng. Lòng rưng rưng nghĩ: chắc các đồng đội cũ kéo nhau về trêu đùa.

Tượng đài Sinh Viên (TDSV) nằm khiêm tốn trong một góc thành. Đã có nhiều xếp mắng mỏ: Sao chỉ có riêng SV, chả lẽ chỉ có các ông đó hi sinh ở đây hay sao, thế còn các Nông dân, Công nhân, Viên chức. Kính thưa các xếp, tất cả SV đã ngã xuống ở đây đều là con em của ba giai tầng trên.

Có một số ngôi mộ tượng trưng. Đinh Thế Huynh, lính SV 1971 vừa khóc vừa trả lời anh em mấy năm trước: Khi khai quật, không có một thi thể nào nguyên vẹn mà là những đám đất có di hài lẫn lộn của rất nhiều người, thậm chí cả ta lẫn địch, rất nhiều người bị chôn đi chôn lại nhiều lần.

Nghĩa Trang Trường Sơn

Trưa 25/07, 5 anh em đến Nghĩa Trang Trường Sơn (NTTS) nằm bên đường Hồ Chí Minh đang mở lại to đẹp đàng hoàng hơn. Đi theo còn có bốn nữ phóng viên xinh tươi với mục tiêu chụp cho nhau vài pô ảnh để về khoe!!! (Không vu cáo vì đó là nguyên đai nguyên kiện lời các xếp đó ríu rít thổ lộ với nhau trên đường về).

Đang tiến đến định thắp hương trước tượng đài thì được đám áo vàng nhã nhặn ngăn lại. Té ra đoàn của xếp Nguyễn Xuân Phúc, Chánh Văn phòng phủ Thủ tướng đang trịnh trọng hành lễ.

Ngay sau tượng đài có một cây bồ đề cành lá xum xuê. Truyền thuyết nói rằng cây đó tự mọc và rất linh thiêng.

Vô cùng biết ơn cụ Đồng Sĩ Nguyên và các trợ lý đã chọn được một vùng đất đẹp để các anh yên nghỉ.

Trong khuôn viên mênh mông của NTTS, ngoài tượng đài chính, còn rất nhiều tượng đài khác nhau ghi nhận nhiều vẻ của cuộc sống và chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh thời chống Mỹ. Phía dưới bên trái tượng đài chính có bức phù điêu ghi nhớ các liệt sĩ ngành Giáo dục đề năm 2007. Cách đó khoảng 100 mét, cao hơn, có tượng cô gái Vân Kiều vai gùi đạn, tay cầm đàn Ta-lư.

Gió Lào lồng lộng rào rào qua những lùm cây, cứ tưởng như các anh vẫn đang hành quân. Mênh mông quá, không biết có tượng nào về một binh trạm nào không để nhớ lại bài hát của cụ Huy Du "Nổi lửa lên em".

Nghĩa trang Ái tử

Ngoài ba nghĩa trang lớn: Đường Chín, Trường Sơn, Thành Cổ, trên dất Quảng Trị còn có hơn 80 nghĩa trang liệt sĩ của cả nước. Bọn 6971 đến nghĩa trang Ái Tử, nơi bắt đầu chiến dịch Quảng Trị 1972. Anh Báu, trai tân, giáo viên ĐHBKHN nằm ở đây. Năm 1972, anh hứng trọn một quả pháo trên sông Ba Lòng. Cả bọn khóc lóc dúi tiền vào tay bác quản trang xin ngày rằm mùng một thắp cho anh nén nhang. Có lẽ bác quản trang đã gặp quá nhiều tình huống như vậy. Bác điềm đạm đưa lại đám tiền và nói: các chú yên tâm, chúng tôi vẫn làm thường xuyên.

Chị ruột anh Báu vẫn ở HN. Bọn tôi hỏi vì sao chị không đưa anh về. Chị nói: nhiều lần gia đình muốn nhưng anh đều hiện về và nói muốn ở lại Ái tử với đồng đội.

Nhân chứng lịch sử

Cụ Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy có mặt trong đoạn giao lưu được truyền hình trực tiếp tối 26/07 như một nhân chứng lịch sử năm 1972. Cụ đã 80 tuổi mà trông còn phong độ hơn hẳn TD. Trên chuyến xe đi vào, nắng sói vào phía cụ, cụ vẫn say sưa ngáy ngon lành. Cụ nói: tao rèn luyện nhiều mới trụ được qua chiến tranh. Trong Quảng Trị, Cụ ở cùng phòng với TD nhưng cứ sáng sớm, một tên lính cũ của cụ đã đến mời đi. Hắn đang muốn làm ăn lớn ở Quảng Trị, cần cụ hà hơi tiếp sức!!!

Truyền hình trực tiếp

Trước giờ truyền hình trực tiếp, ngồi nghe các quan chức lảm nhảm tứ tung trên diễn đàn, TD rỉ tai anh bạn: Tao không rỗi hơi nghe bọn này nói và đi ra bờ sông Thạch Hãn, xuống một chiếc thuyền có 5 vòng hoa. Sẵn bật lửa, TD đốt nến trên các vòng hoa. Bên kia sông dòng hoa lửa trôi mênh mang về biển, nến cháy gần hết mà các xếp chưa xuống. Tức mình lên ngồi cạnh cụ Huy bên cánh gà sân khấu. Bọn chúng tưởng mình là cần vụ của cụ nên không phản đối. Cạnh cụ là một em xinh tươi. TD: Cháu là MC. Từ bé đến giờ mới nhận được nụ cười tươi như vậy: Vâng ạ. Em MC gái đã thuộc lòng kịch bản nhưng em MC trai đang ra sức ôn luyện bài vở. Bỗng bị nổ điện, khói um tùm, người hoảng hốt, đèn một bên sân khấu tắt ngóm. Một cháu dũng cảm leo lên dàn đèn sửa. Còn ba phút, bỗng có tiếng kêu ầm lên: lại có thay đổi kịch bản.

Cuối cùng mọi việc cũng ổn thỏa như bà con thấy trên TV mặc dù không phát đầy đủ toàn bộ mà ngắt giữa chừng.

Trăn trở

Chắc còn lâu Nghĩa Trang Trường Sơn mới bị đụng chạm đến. Lo cho Nghĩa Trang Đường Chín, nhà mặt tiền bên con đường chín mới to đùng đi Lao Bảo, không biết còn trụ lại được đến bao giờ. Quảng Trị vẫn rất nghèo.

27 tháng 7, 2009

3 giải pháp thay thế cho hệ thống comment của Blogger

Ai đã dùng hệ thống commnent của Wordpress hay Yahoo Plus thì sẽ thấy hệ thống comment của Blogger thực sự là “sucks” :-). Mặc dù đã được cải tiến nhiều trong thời gian qua nhưng commnent của Blogger vẫn kém xa các hệ thống tương tự của các đối thủ. Hy vọng Blogger sẽ sớm có các thay đổi phù hợp để thu hút thêm nhiều blogger trong thời gian tới.

Trong thời gian chờ đợi, bà con thử dùng 3 hệ thống commnent của hãng khác thay thế cho comment của Blogger. Đó là: JS-Kit Commnets, Disqus IntenseDebate. Mặc dù nói là cho Blogger nhưng các hệ thống comment này có thể dùng cho cả Wordpress (với điều kiện blog không lưu trên wordpress.com), TypePad, Movable Type, Tumblr…

Để dùng các hệ thống commnent thay thế, trước tiên bà con phải vô trang chủ của họ và tạo một tài khoản quản lí.

Để khỏi thắc mắc, viettien xin nói luôn là nếu dùng commnent của Blogger thì mọi thứ sẽ được lưu ở host của Blogger. Nếu dùng commnent của hãng thay thế, mọi thứ sẽ được tích hợp trên blog của bà con về mặt giao diện nhưng về nội dung và quản lí nội dung comment sẽ nằm ở host của hệ thống commnent thay thế. Nghe vẫn hơi khó hiểu phải không? Đơn giản thế này nhé: nó giống như ta lưu ảnh minh họa cho bài viết trên host của Blogger hay trên Photobucket. Nếu lưu trên Photobuket, để quản lí ảnh, ta phải tạo một tài khoản với Photobucket.

1. JS-Kit (http://js-kit.com/)

Cài đặt JS-Kit cho Blogger cự kì đơn giản. Sau khi đã có tài khoản từ http://js-kit.com/, đăng nhập vào tài khoản, click vào Install rồi chọn Blogger plugin. Sau đó thì cứ Next… là xong. Cuối quá trình cài đặt JS-Kit sẽ đề nghị bạn cấp quyền truy cập để mã JS-Kit được thêm vào Blogger của bạn.

Vài tính năng nổi bật của JS-Kit: trình soạn thảo richtext, nhúng mã YouTube, thêm ảnh, thêm mặt cười, có 3 hệ giao diện (hình như sắp tới thì chỉ còn Echo), tùy biến giao diện comment, ngăn chặn spam…

2. Disqus (http://disqus.com)

Cài đặt Disqus cũng khá đơn giản. Sau khi có tài khoản từ trang chủ của Disqus, bà con nhấn vào nhãn Tools, rồi chọn Blogger trong mục Integration, nhấn (Re)Install, rồi theo các hướng dẫn tiếp theo rất trực quan của Disqus:

- vào Blogger của bạn, lưu Template xuống máy, tải Template lên server của Disqus;

- dán đè Template mới vào Edit Template trong Edit HTML của Blogger (xóa cái cũ đi rồi mới dán cho an toàn - nhớ Save trước khi chuyển sang cửa sổ khác)

- Vào Settings > Comments và đổi giá trị thành New Posts Do Not Have Comments

Vài tính năng nổi bật của Disqus: liên thông giữa các mạng xã hội (báo về comment mới tới các mạng khác như WP, YouTube, Twitter, Digg…), commnent bằng video từ Seesmic, kết nối với Facebook, Twitter…, tùy biến giao diện, cỡ chữ, font chữ commnent…

Disqus cho phép chỉnh sửa CSS và tích hợp tốt với blog về mặt giao diện (Disqus sẽ dùng đúng các màu mà blog của bạn dùng)

3. IntenseDebate (http://intensedebate.com)

Cài đặt IntenseDebate cũng tương tự như với Disqus. Cứ theo các hướng dẫn trên màn hình.

Các tính năng của IntenseDebate cũng tương tự của Disqus nhưng có thêm plugin YouTube như của JS-Kit.

Cả 3 hệ thống comment thay thế trên đều có các tính năng cơ bản như, phân trang, giới hạn số comment trên trang, dảo chiều thứ twuj comment, ngăn chặn comment…

Tới đây có thể bà con sẽ hỏi tại sao viettien dùng JS-Kit mà không dùng 2 cái kia. Câu trả lời có thể là vì JS-Kit có nhiều tính năng hơn Disqus và IntenseDebate (tôi thích trình soạn thảo richtext và tính năng them ảnh cho comment của JS-Kit).

Tuy nhiên, mọi thứ đều có 2 mặt. Lành nhất là dùng chính hệ thống commnent của Blogger vì nó có độ tương thích và ổn định cao nhất nhưng nó lại khá đơn điệu. Muốn có nhiều tính năng thì dùng JS-Kit nhưng nó lại hơi năng nề (tải trang chậm). Muốn thanh thoát, sáng sủa và dễ dàng liên kết với các mạng xã hội khác thì dùng Disqus hoặc IntenseDebate nhưng cài đặt và gỡ cài đặt không hoàn toàn tự động như với JS-Kit.

Tham khảo chính từ:

http://webupd8.blogspot.com/2009/03/alternatives-blogger-default-comments.html

25 tháng 7, 2009

JS-KIT comment source code


This is to add more features to the comment functions. This piece of code by JS-KIT works as an alternative for the Blogger comment format. I myself do not feel forced to recommend the Blogger one or the JS-KIT one so it is you, my VIETTIEN's blog's visitors, who decide which to choose to leave your comments.

To enable this comment system, just add the code into your post. Make sure you edit the "label" before publishing.

----------------
<div class="js-kit-comments" paginate="10" label="Nhan xet cua ban: go TV co dau=OK" ></div>

<script src="http://js-kit.com/comments.js"></script>

----------------







22 tháng 7, 2009

"Tầu lạ" tấn công ngư dân Việt Nam là tầu Trung Quốc









Thuyền đánh cá của Việt Nam - DR


Nghe cuộc phỏng vấn:

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ông Dương Danh Dy, chuyên gia về Trung Quốc nói thẳng rằng báo chí Việt Nam dùng từ "tầu lạ", để tránh không nói đến tầu Trung Quốc. Theo ông, cần phải vạch cho công luận thấy rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời.

RFI : Xin chào ông Dương Danh Dy, với tư cách là công dân Việt Nam, ông nghĩ gì về những thông tin mà báo chí trong nước cho biết là các ngư dân Việt Nam thường xuyên bị các « tầu lạ » tấn công ?

Dương Danh Dy : Tôi xin thẳng thắn nói với ông rằng chữ « tầu lạ » mà báo chí Việt Nam dùng, thực ra muốn tránh nói đến tầu Trung Quốc. Ta phải nói thẳng với nhau như vậy. Bởi vì, chúng ta biết là từ tháng ba năm nay, Trung Quốc đã thành lập một đội tuần tầu, đi tuần tra ở khu vực mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải của họ, còn đối với Việt Nam, thì đó là biển Đông. Trong đoàn tầu đó, có những chiếc, như tầu Ngư Chính, số bao nhiêu, tôi không nhớ. Họ nói rõ đó là một hộ vệ hạm, được cải biên thành tầu đánh cá, có trọng tải mấy nghìn tấn, với tốc độ mấy chục hải lý /giờ. Những cái tầu gọi là tuần tra đánh cá đó chỉ chạm vào các thuyền đánh cá vài trăm mã lực của Việt Nam thì các thuyền này tan vỡ ngay.

Tôi nghĩ là trong khu vực, các nước Philippines, Malaysia, Indonesia cũng có những tầu tuần tra, nhưng họ không có những đoàn tầu to lớn và họ không tuyên bố rõ ràng là đội tầu tuần tra này có quyền xua đuổi các tầu đánh cá trong khu vực mà họ cho là của họ, kiểm tra, bắt giữ v.v. Cho nên, tôi xin nói thật, xin nhắc lại, nói « tầu lạ » là muốn tránh. Chứ nói trắng ra thì đó là tầu Trung Quốc.

RFI : Ông suy nghĩ gì về hiện tượng này :

Dương Danh Dy : Nói thật là tôi suy nghĩ rất nhiều, cũng như những người Việt Nam yêu nước khác đều suy nghĩ. Trong lúc lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước, Việt Nam và Trung Quốc, đã trịnh trọng nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều tuyên bố rằng quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc là « 16 chữ » : Láng Giềng Hữu Nghị, Hợp Tác Toàn Diện, Ổn Định Lâu Dài, Hướng Tới Tương Lai. Ngoài ra còn có « 4 Tốt » : Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt. Những điều này được nhắc tới rất nhiều lần trên báo chí Việt Nam, Trung Quốc. Đấy là một nguyên tắc mà từ sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hai Đảng và hai Nhà nước, đã xây dựng nên.

Thứ hai là trong khu vực biển Đông, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng tuyên bố là gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng có lợi. Đấy là những điều rõ như ban ngày, Trung Quốc đã nói như vậy.

Về biển Đông, Trung Quốc bảo là của Trung Quốc. Việt Nam bảo là của Việt Nam. Rõ ràng là hai bên đang có tranh chấp. Trong khi chưa ngã ngũ, tại sao Trung Quốc lại dùng sức mạnh của mình, đến và bắt ngư dân Việt Nam, đâm vào tầu của Việt Nam. Tinh thần đó không đúng với điều Trung Quốc nói là gác lại tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi. Đó là chưa nói đến tinh thần láng giềng tốt, hữu nghị, rồi bạn bè tốt, đối tác tốt, đồng chí tốt v.v. Thế mà Trung Quốc lại bắt ngư dân, những người nghèo khổ Việt Nam, phải nộp tiền chuộc.

Hiện nay, Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên tới trên 2100 tỷ đô la. Trong số hơn 3 chục ngư dân, họ còn giữ 12 người làm con tin và họ đòi nộp phạt hơn 200 ngàn nhân dân tệ, tính ra chỉ hơn 2 chục ngàn đô la. Họ định lấy số tiền này để làm giàu thêm cái dự trữ khổng lồ hay là lòng tham của người Trung Quốc vô đáy.

Tôi xin nói thật là qua các việc bắt giữ ngư dân Việt Nam, đòi tiền chuộc v.v. người Trung Quốc, những ngư dân Trung Quốc – mà chắc chắn là chính quyền Trung Quốc đã biết, bởi vì bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức kháng nghị về việc này rồi – đã làm trái với những cam kết long trọng mà người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cũng như chính quyền các cấp của họ đã từng hứa mỗi khi sang thăm Việt Nam.

RFI : Ông vừa đề cập đến việc vẫn còn 12 ngư dân và một số tầu của Việt Nam bị Trung Quốc giữ. Theo báo chí trong nước, trong những ngày gần đây, phía Trung Quốc, không rõ cơ quan nào, thường xuyên gọi điện thoại, thông qua phiên dịch, đến nhà của một số ngư dân hiện vẫn bị giam giữ tại Trung Quốc và giục phải nộp tiền phạt thì mới thả. Xin ông giải thích sự khó hiểu này ? Phía Việt Nam đã đề nghị một cách chính thức qua con đường ngoại giao là phía Trung Quốc phải thả các ngư dân đó. Là chuyên gia về Trung Quốc, ông hiểu rõ cơ chế hoạt động của chính quyền Trung Quốc, vậy theo ông, vì sao có hiện tượng này ?

Dương Danh Dy : Tôi nghĩ trong việc này, chúng ta phải kiên trì. Với người Trung Quốc, không kiên trì không được. Sốt ruột, nóng mắt lên cũng không được. Trước đây, ta với Trung Quốc nói rằng phải « có tình có lý ». Bây giờ, tôi xin phép đổi lại là « có lý có tình ». Cái tình của ta và Trung Quốc xuống thứ yếu rồi. Bây giờ phải có lý. Chúng ta phải đấu lý với họ.

Việc bộ Ngoại giao nói với đại sứ quán Trung Quốc ở đây, tức là cấp chính phủ với chính phủ rồi. Tôi không biết đơn vị bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam là thuộc tỉnh nào. Chẳng nhẽ chính quyền tỉnh đó không nghe lệnh của trung ương ? Người ta sẽ hỏi ngay là chính quyền Trung Quốc trong việc này có thái độ ra sao ? Chẳng nhẽ những điều họ nói về láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai, rồi đồng chí tốt, hợp tác tốt … chỉ là những lời nói suông à ? Tôi nghĩ, ban lãnh đạo Trung Quốc, sớm muộn gì, phải cân nhắc việc này. Không thể vì cái chuyện nhỏ này mà làm ảnh hưởng đến cục diện lớn là tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Năm nay, Việt Nam đang chuẩn bị 60 Quốc Khánh Trung Quốc và năm tới chuẩn bị 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao với nhau. Tôi nghĩ, chắc chắn ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc việc này. Tôi xin nhắc lại, với Trung Quốc, chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại và chúng ta phải đấu « lý » với họ. Còn « tình » thì tôi thấy bây giờ nó xa xôi, xa vời lắm rồi.

RFI : Qua vụ « tầu lạ » tấn công ngư dân Việt Nam, phải chăng một trong những giải pháp tốt nhất là nên đưa ra công luận quốc tế vấn đề an toàn của ngư dân Việt Nam trong ngư trường, thuộc lãnh hải Việt Nam ?

Dương Danh Dy : Sau vụ ba tầu cá bị bắt, các cấp có trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như bộ đội biên phòng địa phương đã có những biện pháp. Từ đó đến nay, không có tầu nào của Việt Nam bị bắt, chỉ có vụ ngày 15/07, một tầu cá của Việt Nam bị « tầu lạ » đâm chìm. Điều này cho thấy, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ thích đáng, thì những sự việc trên sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Tất nhiên, trong việc này, không thể vì chuyện mấy tầu đánh cá mà để xẩy ra, để bùng nổ ra những chuyện chúng ta không muốn. Bởi vì điều này, trước hết là không có lợi gì cho chúng ta, và cho cả khu vực nữa. Nhưng tôi nghĩ, cũng cần phải có một số biện pháp cứng rắn hơn nữa. Tức là cần phải tuyên truyền, nói rộng ra cho dư luận quốc tế biết rằng, người Trung Quốc nói như vậy đấy. Tôi chưa thấy báo chí ta, dư luận Việt Nam nói đến chuyện Trung Quốc đã hứa hẹn với chúng ta « 16 chữ », rồi « 4 tốt ». Chưa thấy báo chí Việt Nam vạch ra điều này.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng cần phải công khai tranh luận, công khai vạch rõ những cái không đúng của Trung Quốc, họ đã nói mà lại nuốt lời.

RFI : Xin cảm ơn ông Dương Danh Dy

Đức Tâm

(Theo RFI tiếng Việt)

Bài đăng ngày 20/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày 20/07/2009 16:48 TU


19 tháng 7, 2009

Nhúng MP3 vào Blogger


Nhúng MP3 vào Blogger bằng ngay công cụ của Google và Odeo.

Nghe thử Cẩm Vân hát:

Google:


Odeo:


Dưới đây là source code. Copy & Paste vào Edit Html rồi thay "MP3_FILE_URL" bằng địa chỉ chứa file MP3.

Lưu ý: có thể thay đổi các thông số khác như độ rộng (width), độ cao (height), màu nền (bgcolor)... Odeo đòi hỏi phải phải điền đúng khoảng thời gian (bằng giây) vào phần
DURATION nếu không thanh progress bar sẽ không chạy.

Google:
--------------------------
<embed type="application/x-shockwave-flash" src="http://www.google.com/reader/ui/3247397568-audio-player.swf?audioUrl=MP3_FILE_URL" width="400" height="27" allowscriptaccess="never" quality="best" bgcolor="#ffffff" wmode="window" flashvars="playerMode=embedded" />
--------------------------

Odeo:
--------------------------
<embed type="application/x-shockwave-flash" src="http://www.odeo.com/flash/audio_player_standard_gray.swf" width="400" height="52" allowScriptAccess="always" wmode="transparent" flashvars="audio_duration=DURATION&amp;external_url=MP3_FILE_URL" />
--------------------------

Note: có vẻ chỉ chạy trong Firefox (?)


Cẩm Vân - Sóng về đâu



Sóng về đâu của Trịnh Công Sơn do Cẩm Vân hát


Tôi là ai?



Posted by Picasa

Yêu cầu TQ thả không điều kiện ngư dân VN

17:32′ 09/07/2009 (GMT+7)

Hôm nay (9/7), tại cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay, không điều kiện 12 ngư dân và 2 tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt khi đang hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Lê Dũng cho biết Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại đối với sức khoẻ và tài sản của ngư dân bị bắt giữ, sớm thông báo tình hình và kết quả giải quyết vụ việc cho phía Việt Nam theo đúng quy định của Hiệp định lãnh sự giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Phía Trung Quốc đã ghi nhận yêu cầu của phía Việt Nam và sự việc đang được giải quyết thông qua con đường ngoại giao”, người phát ngôn cho hay.

Trước đó, theo thông tin của các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 21/6, lực lượng tuần tra Trung Quốc đã bắt ba tàu cá gồm 37 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên.

Ngày 25/6, chỉ có hai tàu cá gồm 25 ngư dân được trả về Việt Nam an toàn. Giam giữ 12 ngư dân và 2 tàu cá còn lại, Trung Quốc yêu cầu ngư dân phải nộp đủ tiền phạt mới được trả tự do. Mức tiền phạt này lên đến hàng trăm triệu đồng.

Phía Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và tàu cá còn lại, không có hành động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phản ứng trước sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về quan điểm của Việt Nam trước việc các nước xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, ông Lê Dũng cho hay do nằm trong khu vực tiểu vùng sông Mekong nên Việt Nam rất quan tâm thông tin tác hại khai thác tới dòng chảy và môi trường sinh thái, đặc biệt là với các nước hạ lưu.

“Sông Mekong là sông quốc tế, việc khai thác cần tính đến lợi ích các nước trong lưu vực, bảo vệ môi trường và dân cư sinh sống dọc sông Mekong. Việt Nam đang tích cực phối hợp xây dựng dự án và chương trình hợp tác bảo vệ và sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên của sông Mekong, đặc biệt là nguồn nước. Việt Nam muốn hợp tác theo hướng đó để đáp ứng lợi ích và yêu cầu phát triển bền vững của các nước trong lưu vực sông Mekong”, ông Lê Dũng nói.


Linh Thư

Phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Phúc của BBC

Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội vừa cho BBC Việt ngữ biết quan điểm của mình về các vụ bắt thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, cựu Trung tá Trần Anh Kim và luật sư Lê Công Định mới diễn ra.


Nghe câu hỏi khó của BBC:




BBC phong van ong Nguyen Trong Phuc


Trả lời BBC Việt ngữ hôm 09/7/2009, Giáo sư Phúc nói:

“Bất cứ ai có hành vi chống đối lại nhà nước, dù là ở ngoài hay ở trong bộ máy chính quyền, đảng, nhà nước đều phải được xử lý nghiêm.

“Thậm chí với những người đang có các vị trí này, khác trong bộ máy nhà nước mà vi phạm pháp luật, tham nhũng, hoặc chống đối nhà nước, thì việc xử lý là hoàn toàn bình thường, và tôi tin là ở nước nào cũng vậy thôi.”

Được hỏi xem liệu các vụ bắt giữ cấp tập này có thể hiện sự thay đổi trong chính sách của chính quyền và đảng cộng sản đối với các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến ôn hòa trong nước hay không, ông Phúc nói:

“Không nên nghĩ là trước đây nhà nước và các đồng chí lãnh đạo mềm dẻo, con nay là cứng rắn. Đó là hai việc khác nhau.

“Chính sách chung của đảng và nhà nước vẫn là cởi mở, còn với các trường hợp cụ thể, chống đối thì phải xử lý thôi.”

Trước câu hỏi liệu các vụ bắt giữ này có gây ra không khí e ngại, lo sợ theo kiểu bị khủng bố tinh thần trong dư luận, đặc biệt với những ai trong các tầng lớp nhân dân muốn lên tiếng, phê bình, chỉ trích đường lối của đảng và nhà nước hay không, quan chức cao cấp của Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia này cho hay:

Việc báo chí đưa tin rầm rộ không có ý tạo ra dư luận răn đe gì đâu.

GS. Nguyễn Trọng Phúc

“Theo tôi, đảng và nhà nước vẫn chân trọng những ý kiến trung thực và chân thành đóng góp cho đất nước. Còn những ai chống đối thì phải xử lý như đã nói.

“Việc báo chí đưa tin rầm rộ như vừa rồi không có ý tạo ra dư luận răn đe gì đâu. Báo chí hiện nay vẫn đưa tin rất công khai các vụ bắt giữ với những người vi phạm pháp luật, như các vụ tham nhũng lớn v.v… Tôi thấy không có gì đặc biệt ở đây.”

Người đã và đang nghiên cứu, biên soạn, xây dựng và góp ý nhiều tài liệu cao cấp có liên quan tới chính sách, đường lối của Đảng và bộ máy chính quyền nhận định cụ thể về nguyên nhân các vụ bắt giữ các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim và Lê Công Định:

“Bản thân họ đã bộc lộ ý đồ chính trị rất rõ ràng. Các đối tượng này chống đối lại nhà nước và chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa.

“Đương nhiên những người này nếu nhận thức được vấn đề, hối lỗi và ăn năn, thì xử lý sẽ khác. Việc xử lý cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ của các đương sự đó.”

Việt Nam và quốc tế

Bàn về khác biệt trong cách ứng xử đối với những người bất đồng chính kiến và những nhà hoạt động dân chủ thách thức vị thế của đảng cầm quyền, giữa Việt Nam, các nước trong khu vực và quốc tế, Giáo sư Phúc nói:

“Theo tôi mỗi nước có cách xử lý riêng của người ta. Có thể họ không bắt bớ, mà cũng không nên bàn tới chuyện bắt hay không, nhưng nếu đụng tới lợi ích quốc gia, chế độ, thể chế và lợi ích của nhà nước thì người ta sẽ có cách xử lý kịp thời.”

Đối với đề nghị công khai đòi thành lập và đưa vào hoạt động một đảng phái chính trị ở trong nước, như trường hợp đảng Dân Chủ mà các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim đưa ra, cựu Viện trưởng Viện lịch sử Đảng bình luận:

“Luật pháp Việt Nam quy định là tại Việt Nam chỉ có một đảng cộng sản và không thừa nhận chế độ đa nguyên, đa đảng, nhất là đảng đối lập.

“Cương lĩnh của đảng và pháp luật của nhà nước không cho phép cái đó. Nhiều nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia v.v… về thực chất là một đảng. Nói chung là pháp luật đã quy định như thế thì phải chấp hành.

Nhưng Giáo sư Phúc cũng nói về một sự điều chỉnh về thể chế trong tương lai:

Khuôn khổ pháp luật của nhà nước Việt Nam chưa cho phép làm điều đó, thì việc anh vận động, tổ chức, rồi có sự chỉ đạo từ nước ngoài, thì cái đó là không thể được

GS. Nguyễn Trọng Phúc

“Trong tương lai cũng có thể có viễn cảnh Việt Nam với nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại và hoạt động, thế nhưng khuôn khổ pháp luật trong hiện tại hiện này vẫn là như vậy.

“Và hiện tại này theo tôi cũng không phải là ngắn ngủi mà còn có thể kéo dài. Nhưng nếu có một viễn cảnh mà hệ thống đa đảng bộc lộ được những điểm tốt, thì cũng có thể có những điều chỉnh và lúc ấy hãy hay.”

Giáo sư Phúc, người cũng là ủy viên Ban chấp hành Hội sử học Việt Nam, nói về điều kiện để các đảng phái khác với đảng Cộng sản có thể được hoạt động tại Việt Nam:

“Khi sự phát triển của xã hội và xu thế chung phù hợp, đến đó thì sẽ bàn. Còn các đề án mà các nhóm, tổ chức đưa ra như hiện nay mới chỉ dừng ở mức cương lĩnh, mục tiêu, cái đó thì nhiều lắm.

“Nhưng cái chính là chúng cần phải được khảo nghiệm, thử nghiệm, chứng minh trong thực tiễn, lịch sử như thế nào.

“Hiện nay khuôn khổ pháp luật của nhà nước Việt Nam chưa cho phép làm điều đó, thì việc anh vận động, tổ chức, rồi có sự chỉ đạo từ nước ngoài, thì cái đó là không thể được,” Giáo sư Phúc nhấn mạnh.


(Theo BBC Việt ngữ)

==============================

18 tháng 7, 2009

Nghệ thuật ca từ của Trịnh Công Sơn qua "Ðoá hoa vô thường"



Trịnh Công Sơn
với “ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG”

SỰ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT THEO QUY LUẬT TÌNH CẢM – CẢM XÚC



Nguyễn Thị Tâm Anh*
(ĐH Mở Bán công TP HCM)

http://www.ou.edu.vn/vietnam/files/tapsankhoahoc/2006/PDF/So%2004(10)/tskh04(10)_page97.pdf



Nghe Hồng Nhung hát


Track 13 - 149.doa hoa vo thuong-hong nhung



Mỗi con người đều có quan niệm khác nhau về cái đẹp và từ đó mà góc độ đánh giá cái đẹp trong một tác phẩm nghệ thuật của họ cũng khác nhau. Bất chợt ta nhìn thấy một cánh rừng trong mùa thay lá, một bức tường đổ nát chông chênh rêu xanh phủ kín, một bức tranh cũ treo lệch… và ta cảm nhận chúng đẹp, đẹp theo cách riêng. Những con người có tâm hồn sáng tạo sẽ tô điểm thêm để biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy nghệ thuật rất gần gũi và thân thiết với đời sống con người, một điều gì đó rất gần, rất xa… nhưng không thể không tồn tại… Vậy nghệ thuật là gì?

Nghệ thuật chính là thành quả, là giá trị sáng tạo của con người, không có trong thế giới tự nhiên. Nghiên cứu nghệ thuật không thể tách rời việc nghiên cứu cái đẹp, mặt khác là phải phát hiện những ranh giới giữa cái đẹp và nghệ thuật trong thực tiễn sáng tạo cũng như trong khái niệm khoa học. Đôi khi người ta không phân biệt cái đẹp và nghệ thuật hoặc tuyệt đối hóa vai trò của cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, từ cái đẹp đến nghệ thuật là những bước đi của sự phát triển về tinh thần, những chuyển hóa chức năng trong hoạt động sáng tạo của con người. Từ cái đẹp phổ biến, thông thường như một quy luật trong hoạt động, hành vi của con người, bất cứ người nào cũng có khả năng này song điều đó chưa đủ để trở thành nghệ thuật, chưa phải là nghệ thuật. Muốn vượt qua ranh giới này cần có những điều kiện chủ quan (phải có khả năng sáng tạo) và khách quan (công phu, tài vật, trí thức, thời gian) để đi vào ngưỡng cửa nghệ thuật, tạo ra tác phẩm của nghệ thuật ứng dụng. Từ nghệ thuật ứng dụng bước thêm một bước mới có thể đạt đến nghệ thuật thuần túy, có nghĩa là một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng muốn chuyển hóa thành nghệ thuật thuần túy phải gạt bỏ chức năng thực tế – sử dụng còn lại chức năng thẩm mỹ – nghệ thuật, chỉ để thưởng ngoạn về mặt tinh thần mà thôi.

Ban đầu những yếu tố của nghệ thuật như nhạc điệu, màu sắc, vần thơ… làm phương tiện truyền cảm để chuyên chở nội dung tư tưởng triết lý, đạo đức, những tri thức khoa học và lịch sử, những tín điều tôn giáo… Đó là sự liên kết tay đôi giữa nghệ thuật với các hình thái ý thức khác, gọi là nghệ thuật ứng dụng – lưỡng tính. Nhưng đời sống nội tâm và hành vi ứng xử, gọi chung là hành động – sống của con người trở thành một nội dung riêng biệt của nghệ thuật, thì nghệ thuật thuần nhất – đơn tính ra đời. Nghệ thuật không còn là phương tiện truyền cảm để phục vụ cho các hình thái ý thức khác, mà tự mình là một hình thái độc lập, gọi là nghệ thuật thuần nhất (hay thuần túy) – đơn tính (chỉ có một tính năng thẩm mỹ nghệ thuật, không mang tính sử dụng, tính ích dụng).

Tóm lại, hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, là một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn của con người, đi theo quy luật của cái đẹp ở trình độ phát triển cao, nhằm phục vụ cho con người một đời sống tinh thần phong phú, đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của con người vươn tới những giá trị chân – thiện – mỹ.

Nghệ thuật là một hoạt động tinh thần – thực tiễn không phải đơn thuần là hoạt động tinh thần. Đó là một mô hình đa diện phản ánh toàn bộ những hình thái hoạt động quan trọng nhất của con người: thực tiễn, giao tiếp, nhận thức và giá trị. Nghệ thuật thực hiện mô hình hóa cuộc sống của con người nhằm tái hiện một cách toàn diện những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tình cảm của con người. Ý thức nghệ thuật khác với các hình thái ý thức khác ở đặc trưng cảm tính – cụ thể, đặc trưng tình cảm, thể hiện đặc trưng ở phạm trù hình tượng. Trong đó, thao tác miêu tả và biểu hiện là hai thao tác quen thuộc nhưng có ý nghĩa rất lớn của đặc trưng hình tượng. Không có một loại hoạt động nào ngoài hoạt động nghệ thuật lại có sự kết hợp chặt chẽ việc phản ánh đối tượng khách quan (miêu tả) và việc phản ánh tư tưởng tình cảm chủ quan của con người sáng tạo (biểu hiện), nhất là ở thành phẩm cuối cùng của nó. Trong các yếu tố trên thì yếu tố cảm xúc – cá biệt của chủ thể sáng tạo là quan trọng nhất, là cái phôi đầu tiên để tạo nên hình tượng.

Trong phạm vi nhỏ, tôi muốn đề cập đến một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật, “Nghệ thuật là sự sáng tạo theo quy luật tình cảm – cảm xúc”. Một tác phẩm nghệ thuật được phôi thai và thành hình xuất phát từ ý tưởng của người nghệ sỹ. Người nghệ sỹ phải có cảm xúc, có tình cảm khi nhìn thấy, nghe thấy hay cảm thấy một hình ảnh nào đó, một điều gì đó. Hay nói cách khác người nghệ sỹ cần có một trái tim giàu xúc cảm với khối óc và bàn tay hoa mỹ để làm tươi đẹp và phong phú thêm cuộc sống. Tôi vẫn luôn cảm thấy rằng nghệ thuật đòi hỏi sự cô đơn hay nói như ai đó đã nói đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn “nỗi cô đơn chính là vực thẳm linh hồn mà nghệ thuật cần đạt tới, như đạt tới chân thân của mình, để từ đây biết khước từ mọi ảo tưởng cuộc đời”. Dĩ nhiên, không ai khuyến khích hướng đến sự cô đơn nhưng dường như một tâm hồn cô đơn dễ dàng đồng điệu với cái đẹp, cảm nhận nó và từ đó vượt lên trên cái đẹp thông thường, đạt được sự thăng hoa trong nghệ thuật…

Ở đây tôi chọn lĩnh vực âm nhạc, âm nhạc của Trịnh Công Sơn để minh họa cho đặc trưng cơ bản này. Âm nhạc được xếp vào loại hình nghệ thuật đơn tính và thuộc nhóm thời gian. Nghệ thuật đơn tính chính là nơi tất cả phẩm hạnh của cái đẹp hội tụ lại, nơi sự sống con người hóa thân. Âm nhạc có đặc điểm chung là diễn đạt được sự biến đổi và phát triển, diễn đạt tính quá trình của tâm trạng và hành động. Từ phương thức xây dựng hình tượng đến cấu trúc của thể loại và tác phẩm, kể cả ngôn ngữ, đều tuân thủ và khai thác tối đa quy luật thời gian, đều mang tính chất quá trình, tính phát triển.

Nhưng cũng vì mang tính thời gian nên bên cạnh yếu tố sở trường cũng có sở đoản: thiếu sự đứng yên, sự tĩnh tại trong không gian, phải khắc phục bằng cách tạo ra các yếu tố kỹ thuật, tạo ảo giác về không gian, về sự tĩnh tại. Đó là lối xây dựng hình tượng kiểu nhắc lại, trùng lặp theo hình trôn ốc và dùng ngôn ngữ đa thanh. Nghệ thuật âm nhạc là nghệ thuật âm thanh vì lẽ nó tác động đến con người một cách nhanh nhất, mạnh nhất và nhạy nhất; là nghệ thuật thời gian vì nó miêu tả được tâm trạng và cuộc sống của con người trong một quá trình biến đổi và phát triển; và âm nhạc còn là nghệ thuật biểu diễn vì nó trải qua ba lần sáng tạo: sáng tác, trình diễn và người nghe thưởng thức. Ngoài những đặc điểm chung trên thì âm nhạc còn có đặc điểm ngôn ngữ. Yếu tố ngôn ngữ của âm nhạc là nhịp điệu. Để đắp vào bộ khung nhịp điệu đó, âm nhạc có yếu tố giai điệu. Và do âm nhạc là nghệ thuật trình diễn, không miêu tả nên ngôn ngữ của âm nhạc có tính ước lệ, không mô phỏng theo âm thanh hay động tác có thật trong đời sống. Người cảm thụ cần có sự hiểu biết về ngôn ngữ, giai điệu của âm nhạc (bao gồm cấu tạo âm giai, điệu thức, hòa thanh, phức điệu) đồng thời cũng cần hiểu các thể loại và phương tiện nhạc khí có tính năng gì.

Âm nhạc có hai nhóm thể loại: thanh nhạc và khí nhạc. Trong mỗi nhóm lại có những thể loại khác nhau, ví như trong thanh nhạc có làn điệu, ca khúc, nhạc kịch (opera); trong khí nhạc có khúc luyện, nhạc khúc, sonate, tổ khúc, concerto, symphonie, với quy mô diễn tấu mà phân thành nhạc thính phòng hay giao hưởng. Ngoài cách phân biệt trên còn có cách phân biệt theo quy mô dàn nhạc như độc tấu, hòa tấu, giao hưởng. Tính thời gian phản ánh trong cấu tạo thể loại ở độ dài ngắn và sự biến đổi, sự luân chuyển các chương, đoạn có tính chất khác nhau.

Trong một tác phẩm âm nhạc, thì phần giai điệu (cao độ) thể hiện sự đẹp đẽ của nghệ thuật, đó cũng chính là phần “máu thịt” của tác phẩm; phần nhịp điệu (trường độ) với những âm dài ngắn khác nhau xuất hiện liên tục theo chu kỳ được xem là phần “xương” của tác phẩm; âm sắc sẽ khác nhau và tiêu biểu cho mỗi giọng người trình diễn; cường độ chính là độ mạnh nhẹ của âm và sắc thái âm nhạc sẽ thể hiện tình cảm trong khi biểu diễn ở từng đoạn hoặc trên cả bản nhạc.

Cũng nhằm minh họa cho đặc trưng trên, xin chọn tác phẩm “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn. Âm nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ không xa lạ gì với mỗi con người Việt Nam. Từ lâu lắm, ông đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận. Nhạc của ông không đơn giản chỉ là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài, mỗi ca khúc là một khúc tâm sự, một câu chuyện dài chưa đoạn kết. Nguồn cảm hứng của nhạc Trịnh khơi nguồn từ những nỗi khổ đau trong đời người, nỗi thất vọng, sự chông chênh, những gì không vuông tròn, đối xứng. Cảm xúc của ông dường như luôn đi trước một bước. Trong nỗi sống hình thành nỗi nhớ và nỗi chết, mới gặp gỡ mà đã có dự cảm chia lìa, mất mát… Những cặp phạm trù buồn – vui, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau, đắng – ngọt luôn tồn tại trong suy nghĩ, trong tâm tưởng và từ đó lặng lẽ đi vào từng ca khúc của ông. Ông quê ở làng Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nhưng sinh ra tại Đắc Lắc. Ca khúc đầu tay của ông được sáng tác năm 1958 mang tên “Ướt mi”. Cho đến khi mất, ông đã sáng tác được hơn 700 tác phẩm chia thành 3 chủ đề lớn: Tình yêu – Quê hương – Thân phận. Ông sống với quan niệm: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để… gió cuốn đi”. Và như thế, người nghệ sĩ đã sống trọn với đời, với người.

Trịnh Công Sơn bước chân vào loại hình nghệ thuật thời gian này như một định mệnh. Người khác diễn đạt tâm hồn mình bằng tiếng nói, chữ viết và nhiều phương tiện khác còn ông lại có khuynh hướng nghiêng về những ca khúc. Qua ca khúc, ông đã đến gần và đã di xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng gánh nhẹ giùm những phiền muộn… Đối với ông, ca khúc chính là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ sinh thành…†

“Đóa hoa vô thường” vừa là dạng liên khúc vừa mang dáng dấp trường ca. Với phần nhạc dạo đệm trước mỗi đoản khúc, bài hát kể về một tình sử triết lý giữa chữ ”ái” và chữ “tâm”. Ở đây, tôi chọn ca khúc này để phân tích cũng một phần do yếu tố chủ quan bởi tôi thích và lấy làm lạ trước cấu trúc của ca khúc này. Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Đóa hoa vô thường” thì đến nay vẫn còn có những cách giải thích khác nhau. Một lần trên đài FM có phát thanh về nguồn gốc ra đời tác phẩm này. Theo đó thì Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc này xuất phát từ một bức tranh ghép trong một buổi triển lãm. Đó là một bức tranh vẽ ghép gồm mười bức nhỏ kể về câu chuyện một người bị mất trâu. Tâm trạng của người này thể hiện rõ qua những bức họa nhỏ hơn. Một người đàn ông mua được một con trâu tốt, ông rất vui mừng dắt trâu về và lấy làm hớn hở vì từ nay đã có trâu tốt đi cày. Lo sợ bị mất trâu nên ông đã đóng một cái chuồng thật chắc và buộc trâu vào. Nỗi vui mừng không kéo dài được bao lâu… Một buổi sáng thức giấc, ra thăm trâu, ông chỉ thấy còn lại vỏn vẹn cọng dây thừng buộc trâu nằm trơ trọi trên chiếc cọc. Thất vọng, hụt hẫng… Kẻ nào đó đã lấy đi niềm vui của ông… Nội dung của những bức vẽ là thế… Trịnh Công Sơn luôn nhận ra cái lẽ vô thường trong trời đất. Vô thường bàng bạc trong âm nhạc của ông khiến người nghe cảm thấy bâng khuâng và không cần hiểu hết ý nghĩa cũng đã thấy hay lắm rồi. Và trong đó còn chứa đựng chiều sâu triết lý làm rung động đến sâu thẳm tâm hồn mỗi con người… Với “Đóa hoa vô thường”, Trịnh Công Sơn đã nhạc hóa lý thuyết và lý thuyết hóa nhạc2. Toàn bài là một chuyện tình với ẩn chứa đâu đó hình ảnh một người phụ nữ đẹp, một “đóa hoa vô thường”. Với đoạn đầu tiên, nhịp 6/8 thong dong như lời tâm tình kể về khi đi tìm tình:

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi

Trong vườn mưa tạnh tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh…

Ở đây, ta thấy ông đã sử dụng ngôn ngữ siêu thực. Những sự vật bình thường, nhỏ bé nay đã được con mắt người nhạc sĩ ưu ái: “Một hồn giấy mới”

Tìm mãi rồi cũng đến lúc gặp được tình. Nhịp 2/4 hớn hở ở đoạn hai đã miêu tả tâm trạng vui mừng khi đưa tình về:

Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa

Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân

Ở đoạn thứ ba, ông nói rằng bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất. Nhịp êm ái, nồng thắm càng như tăng thêm nỗi hạnh phúc của những kẻ yêu nhau và được gần bên nhau:

Sen hồng một nụ em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào
Thế nhưng đoạn sau nhạc trở nên hiu hắt với nhịp 4/4 đều đặn, “một thời yêu dấu đã qua”:
Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần

Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà

Ông lại viết rằng “Con sóng biển dâu đã mang tình về chốn cũ”. Nhịp trong đoạn này vừa dồn dập, vừa mang đến cảm giác mênh mông:

Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta

Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xa tựa như
Vừa đến nơi chia lìa…

Ông đã sử dụng ngôn ngữ hiện sinh tạo cho người nghe tâm trạng khúc mắc, gây khắc khoải, bế tắc để tâm tình “Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà”.

Rồi nhạc bỗng đang mạnh và liền nhau lại trở nên êm dịu để đi vào đoạn kết “từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường”. Sao lại như vậy? Ông giải thích rằng “Tình do tâm ta mà sinh. Có khi tình mất mà tâm còn động vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi”:

Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo

Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường…

Như vậy, từ chữ “ái” đến chữ “tâm”, Đóa hoa vô thường đã trình bày một quá trình chuyển hóa trong đó chuyện đời cũng như chuyện tình diễn biến dưới hình thức đối nghịch từng đôi, từng cặp như “tôi” với “em”: tìm – gặp, gặp – mất, mất – còn, có – không. Vô thường, trong Trịnh Công Sơn, không có gì khác hơn là từ cái “có” đi vào cái “không”. Những ý tưởng đối nghịch như thế luôn tồn tại trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn và tạo thành nét riêng ông đặc sắc.

Trịnh Công Sơn là vậy – người nghệ sỹ bằng tình cảm, cảm xúc của mình đã để lại những tác phẩm đi vào lòng mỗi con người theo cách riêng, mãi với thời gian. Ông cũng là một “đóa hoa vô thường” – nở giữa đất trời.





*Giáo viên cơ hữu Khoa ĐNÁ Học, ĐH Mở Bán công TP.HCM (ở một số blog, tên tác giả không phải là Nguyễn Thị Tâm Anh nhưng tôi tin chị Tâm Anh là tác giả đích thực của bài viết này)

† Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 273-274.

2 Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 143.



* TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Lâm Vinh, Tài liệu Nghệ thuật học, ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2000 – 2001.
2. TS. Lâm Vinh, Mỹ học (về cái đẹp – về nghệ thuật – về con người), ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
3. Bửu Ý, Trịnh Công Sơn – một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
4. Trịnh Công Sơn, 1939 – 2001. Cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
5. Trịnh Công Sơn – người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
6. Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB Âm nhạc, 1995.


* PHỤ LỤC

ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

(Trịnh Công Sơn)

*Nhịp 6/8

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai

Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi

Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối

Một bờ môi thơm

Một hồn giấy mới

Tìm em tôi tìm nhủ lòng tôi ơi

Tìm đêm chưa từng tìm ngày tinh khôi

Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay

Tìm lại trên sông những dấu hài

Tìm em xa gần đất trời rộn ràng

Tìm trong sương hồng trong chiều bạc mệnh

trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em…

Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh sấm bay rền vang

Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn

Tôi mời em về đêm gội mưa trong

Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm……

Trong vườn mưa tạnh tiếng nhạc hân hoan

Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh…

* Nhịp 2/4

Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo

Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa

Từ em tôi đã đắp bồi, có tôi trong dáng em ngồi trước sân

Mùa đông cho em nỗi buồn, chiều em ra đứng hát kinh đầu sông

Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành

Từ nay anh đã có nàng, biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca

Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân

(Nhạc chuyển)

* Nhịp 3/4

Sen hồng một nụ em ngồi một thuở

Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu

Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào

Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh

Sen buồn một mình, em buồn đền trọn mối tình

* Nhịp 4/4

Một chiều em đứng cuối sông

Gió mùa thu rất ân cần

Chở lời kinh đến núi non

Những lời tình em trối trăn

Một thời yêu dấu đã qua

Gót hồng em muốn quay về

Dù trần gian có xót xa

Cũng đành về với quê nhà

* C

Từ đó trong vườn khuya

Ôi áo xưa em là

Một chút mây phù du

Đã thoáng qua đời ta

Từ đó trong hồn ta

Ôi tiếng chuông não nề

Ngựa hí vang rừng xa

Vọng suốt đất trời kia

Từ đó ta ngồi mê

Để thấy trên đường xa

Một chuyến xa tựa như

Vừa đến nơi chia lìa…

(Nhạc)

Từ đó ta nằm đau

Ôi núi cũng như đèo

Một chút vô thường theo

Từng phút cao giờ sâu

Từ đó hoa là em

Một sớm kia rất hồng

Nở hết trong hoàng hôn

Đợi gió vô thường lên

Từ đó em là sương

Rụng mát trong bình minh

Từ đó ta là đêm

Nở đóa hoa vô thường

(Nhạc để dứt..)

 
Adapted and Bloggerised by VIETTIEN | Since 2007 | Designed by Lasantha Bandara