31 tháng 7, 2011

KHÔNG NÊN COI ĐIỂM THI SỬ THẤP LÀ THẢM HOẠ

VIETTIEN: Bác Bộ trưởng Giáo dục nói (khuyên): "Không nên coi điểm thi Sử thấp là thảm họa" sau khi có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Mình luôn nghĩ học sinh dốt sử là chuyện "rất không bình thường", và đã từ lâu mình luôn cố gắng tìm cách lý giải tại sao học sinh-sinh viên ngày nay lại thiếu hiểu biết phổ thông về lịch sử đến vậy. Nay, nghe "Đại tướng, Tổng tư lệnh" ngành giáo dục nói vậy mình mới vỡ lẽ. Khâm phục!


Đọc bài trả lời phỏng vấn VnExpress của bác "ngành trưởng" và bài "văn tế" của bác Quê Choa thấy từ "HAY" của tiếng Việt quả là đáng quý. Vậy post lại ở blog của mình phòng cái từ HAY đó bị quy cho là đi lề bên trái!


=========
Bài trả lời PV của bác Thượng thư Bộ học:

'Không nên coi điểm thi Sử thấp là thảm họa'

"Khi khoa học lịch sử có ít tiếng nói trong cuộc sống hiện đại, khi cơ hội tìm việc làm của những người giỏi Sử ít đi thì môn này sẽ không hấp dẫn học sinh", Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội, ngày 29/7.



- Trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, môn Lịch sử có nhiều điểm 0, Bộ trưởng nói gì về vấn đề này?

- Đã là cuộc thi tuyển đại học thì đề thi có sự phân loại để tuyển chọn. Vừa qua, học sinh theo đuổi ngoại ngữ, tin học… những môn như Lịch sử và Văn học bị xem nhẹ hơn chút. Chúng ta đừng coi đó là thảm họa rồi quy là chú trọng đẩy cái này, sao nhãng cái kia.

Kể cả nước Mỹ và nhiều nước khác đều có tình trạng này chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Khi mà khoa học lịch sử có ít tiếng nói trong cuộc sống hiện đại, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi Sử ít đi thì môn Sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Nếu không có tin học thì người ta sẽ không sống được trong cuộc sống hiện đại, vì thế họ phải học. Và khi học rồi sẽ tìm thấy thu nhập cao, công việc tốt thì người học tự dưng thấy hay.

Có những thứ mà do thời đại, do xu thế phát triển mà người ta phải học. Trở lại vấn đề, điểm Sử thấp, môn Sử kém hấp dẫn là chuyện của thời đại, của thế hệ này dưới tác động của cách mạng khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của thị trường lao động.
ong luan
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Sẽ phải thay đổi cách học sử". Ảnh: Tiến Dũng.
- Theo các nhà giáo dục, điểm thi Lịch sử thấp là do chính cách dạy và học môn Lịch sử còn giáo điều. Quan điểm của Bộ trưởng?

- Việc dạy học sinh đánh trận này trận kia dẹp bao nhiêu giặc, thu bao nhiêu vũ khí thì đúng là không nên, phải thay đổi. Bản thân tôi cho rằng dạy sử là để học sinh hiểu biết truyền thống, tăng cường lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm với đất nước chứ dạy sử để bắt các em nhớ số liệu thì phải thay đổi. Phản ứng của xã hội trong chuyện này là đúng. Tôi cũng từng nói với nhà sử học Dương Trung Quốc là phải có sự phối hợp để thay đổi cách dạy sử hiện nay dù đây là chuyện không đơn giản. Nhưng tôi vẫn khẳng định nếu đổ hết lỗi cho việc dạy sử là không đúng, không nên cực đoan.

- Vậy theo ông, cần thay đổi cách dạy và học Lịch sử như thế nào?

- Đó là điều cần bàn. Mục tiêu của chúng ta là thay đổi giáo dục căn bản và toàn diện, trong đó có việc thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Về môn Sử, chúng tôi đã trao đổi với Hội Sử học Việt Nam để phối hợp thay đổi. Môn Địa lý, Văn học cũng đều phải xem xét thay đổi. Nhưng thay đổi sách giáo khoa thì không phải làm ngay được mà phải có quy trình. Nếu thay đổi một cách sạch trơn, liên tục thì thành tùy tiện.

- Bộ trưởng nghĩ gì về việc rất nhiều người dân Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc, trong khi lịch sử Việt Nam lại được nhớ đến không nhiều?

- Đúng là như vậy, nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục mà đó là vấn đề của xã hội. Người ta biết về lịch sử Trung Quốc không phải là do được học về lịch sử nước này, mà thông qua xem phim đọc truyện Trung Quốc. Vì vậy, sẽ phải thay đổi cách học sử, nhưng thay đổi thế nào thì cần bàn rộng rãi trong giới sử học, các nhà giáo, chuyên gia lịch sử. Chúng tôi sẽ xem xét để sớm thay đổi cách dạy các môn xã hội, trong đó có lịch sử.
Tiến Dũng thực hiện
Link: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2011/07/khong-nen-coi-diem-thi-su-thap-la-tham-hoa/


=======
Bài văn tế của bác Lập:


Trả lời pv báo Tuổi trẻ, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích  như vầy: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém.“  Mình đang uống nước, đọc đến đoạn này bỗng sặc nước, phun ướt cả máy tính. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa nghe một ông bộ trưởng giáo dục nào lại phát ngôn làm mình sốc đến như vậy.
Với 98% thí sinh có điểm sử dưới trung bình, trong đó có hàng ngàn điểm không khiến thiên hạ giật mình kinh hãi thì Bộ trưởng nói tỉnh bơ, cho đó là chuyện bình thường. Thất kinh.
Chính vì “Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”, với kết quả như vậy thiên hạ mới giật mình hoảng hốt. Bộ trưởng không hề biết đỏ mặt xấu hổ, không hề biết đau xót thì quá lạ. Nếu chỉ là cuộc chơi ” đố vui có thưởng” thôi, mà có mấy ngàn điểm không lịch sử người ta đã giật mình  lo lắng rồi, huống hồ đây là thi tuyển quốc gia, Bộ trưởng ơi là Bộ trưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã viết như vầy: “Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”. Đại tướng viết vậy là để  tái khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc dạy và học  sử, để cho kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải nhớ. Chả biết Bộ trưởng đã đọc chưa. Mà chưa đọc thì cũng phải biết điều đó chứ, một ông giáo dạy sử cấp 2 còn biết nữa là Bộ trưởng.
 Chắc chắn Bộ trưởng thừa biết lứa học sinh thi đại học năm nay, dăm mười năm nữa sẽ là lực lượng nồng cốt  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thử hình dung mà xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi lực lượng nồng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ấy có 98% mù tịt về lịch sử nước nhà, trong khi Trung Quốc lúc nào cũng muốn nuốt chửng nước ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng cũng thừa biết, từ  phim ” Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long”, phố đèn lồng ở Thanh Hóa, xây Vạn lý trường thành ở Đà Lạt…. đến việc mất đất ở biên giới, coi Hoàng Sa “chỉ là bãi chim ỉa”, đàn áp và khinh bỉ người biểu tình yêu nước, đục bia ở Lạng Sơn bỏ bia ở Nghệ An… có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể bỏ qua, ấy là việc dốt sử. Không lẽ Bộ trưởng không biết xấu hổ, không biết đau, không biết lo lắng về điều đó hay sao.
Cho nên, với dự án  xây dựng bộ sách giáo khoa 70 nghìn tỉ, và với phát ngôn phi giáo dục, vô trách nhiệm như đã nêu trên, xin nói thật với Bộ trưởng như vầy: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!
 Tặng ngài hai cái ảnh này để ngài hiểu thêm hậu quả của việc dốt sử.

Link: http://quechoa.info/2011/07/31/thưa-bộ-trưởng-ngai-rất-khong-binh-thường/





=======
Bài bút chiến của Nguyên Ngọc:


(Nguyên Ngọc viết gửi Nguyễn Quang Lập)
Sau khi đưa bài Để nhận ra cái biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử trên SGTT, mình nhận được email của bác Nguyên Ngọc gửi cho bản gốc, với lời nhắn: “Đây là bài nguyên văn, Sài gòn tiếp thị đã cắt hơn nửa bài. Tùy Lập sử dụng.” Rất mừng, xin chân thành cảm ơn bác Nguyên Ngọc đã gửi cho bản gốc, đọc rất sướng.
Giáo sư Văn Như Cương viết: “Trong kì thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy Sử và học Sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…”
Thưa giáo sư Cương, ông nhầm rồi! Có một nhà quản lý giáo dục, mà là người đứng đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong các nhà quản lý giáo dục, không hề “đau đầu” như giáo sư tưởng và tin. Trái lại, với cái đầu vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái, tuyệt đối bình tĩnh, ông ấy nói: “Đấy là chuyện bình thường”. Chuyện nhỏ xíu ấy mà, gì mà rối lên thế! Thậm chí thấp vậy chứ thấp nữa, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thi sử đều bị điểm không, cũng chẳng lay chuyển được sự bình tâm của ông, bởi vì ông đã có một phép mầu, ông đã tìm ra một thủ phạm tuyệt đối và tuyệt vời: Thời đại! Chắc như đinh đóng cột và với một sự liều lĩnh khó tin, ông tuyên bố trước những người đối thoại: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy… Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm Lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…” Nghĩa là ngoài “thời đại”, ông còn tìm ra thêm được mấy thủ phạm đích đáng nữa, đều là con đẻ của cái “thời đại” chết tiệt kia: “xu thế phát triển”, “thế hệ này”, “cách mạng khoa học công nghệ”, “sự biến đổi đòi hỏi của thị trường lao động” v.v…
Liều lĩnh khó tin, bởi xin hỏi: nhờ ông “nhìn rộng ra” và chỉ cho biết, dù chỉ một ví dụ thôi, với tất cả các thủ phạm như ông đã dễ dàng phát hiện, có nơi nào trên toàn thế giới có kết quả thi môn lịch sử thê thảm như vừa rồi trong nền giáo dục do ông đảm trách trước quốc dân?
Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc.
Trước hết, chính các thứ thời đại, xu thế, thế hệ, cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi thị trường lao động… như ông vừa kể lại đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng  khoa học xã hội nhân văn, trong đó có sử và môn sử (và cả môn văn nữa, mà kết quả vừa rồi cũng chẳng hay ho hơn mấy). Xin nêu một bằng chứng: chính là đứng trước những vấn đề như vậy, mà cách đây mấy năm trường đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ đã rà soát lại toàn bộ chiến lược của họ, và nghiêm khắc nhận ra, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, họ vẫn còn coi trọng chưa đủ các môn xã hội nhân văn và quyết chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa vào các môn ấy. Bởi vì đối với bất cứ xã hội nào, ở bất cứ “thời đại” nào, thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thì càng khẩn thiết hơn, chính khoa học xã hội nhân văn là hết sức cần thiết để giữ cái nền bền chắc cho xã hội và con người, cho sự phát triển bền vững, cho con người dẫu có khoa học công nghệ cao đến đâu, vật chất nhiều đến đâu, cũng vẫn còn là con người chứ không phải là những cái máy khô cằn, nhất là những cái máy chỉ biết hau háu làm ra tiền và nhai tiền. Giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương. Một xã hội quay lưng lại với các khoa học xã hội và nhân văn là một xã hội suy đồi. Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C”, là một nền giáo dục suy đồi. Và bế tắc. Buồn thay đó chính là tình trạng thực của nền giáo dục chúng ta hiện nay. Và đừng nói rằng điều đó không liên quan gì đến tội ác gia tăng trong xã hội, và cả trong học đường, làm nhức nhối toàn xã hội, còn những người đứng đầu ngành giáo dục thì bình chân như vại. Tất nhiên vấn đề ở đây lớn hơn vấn đề giáo dục, lớn hơn vấn đề của ngành giáo dục, nhưng muốn nói gì thì nói, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì nó được sinh ra, xã hội bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra nuôi nó, là để nó làm trước hết công việc ấy: giữ cái nền bình ổn lâu dài vững chãi cho xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Quả đã đến lúc cần rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục này; và câu hỏi căn bản, đầu tiên là: nó định chế ra máy hay đào tạo ra người? Nếu quả nó định đào tạo ra người thì nhất thiết không vì bất cứ lý do gì, vì lý do “thời đại” càng không, có thể để mặc cho khối C lủi thủi như vậy, không thể coi kết quả thảm hại của thi sử năm nay là bình thường. Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi các giá trị tinh thần và nhân văn chẳng còn đáng xu nào! Một thảm họa xã hội!
 Mấy hôm nay nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng. Tuy nhiên hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề. Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất, do đó cũng học kém nhất, học một cách đối phó nhất, kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn – cùng một vài môn khác thuộc cái gọi là “chương trình cứng” – . Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Rất cần thiết và cũng có thể rất hay. Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải là “thống soái” để cho tất cả những cái khác, môn khác phải châu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người. Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác. Một ví dụ: có lần tôi đã nói với một người hiện có vị trí rất cao trong lãnh đạo đất nước rằng tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó … chỉ là tiền sử, là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người! Ông ấy ngạc nhiên hỏi thật thế sao? Thì anh cứ kiểm tra  mà xem, tôi bảo. Không biết sau đó ông ấy có kiểm tra không, nhưng rồi không thấy ông nói gì nữa … Học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm như thí sinh tội nghiệp vừa rồi.
Ông Bộ trưởng hỏi: Thì tin học có gì hấp dẫn đâu nào, tại sao người ta vẫn lao vào học? Một là, hấp dẫn quá chứ, ít nhất nó cũng cho ta thấy con người có thể sáng tạo ra những thứ thông mình đến chừng nào, chẳng thú vị sao? Nhưng còn có điều quan trọng hơn: nó không bị chính trị hóa, không dễ gì chính trị hóa nó như văn và sử.
Vậy đó, sự thật! Còn e dè, sợ “nhạy cảm”, tránh né nhau, kiêng sợ những lực lượng vô hình như thần thánh, không dám nói thật ra thì có thay đổi cách học cách dạy đến mấy, khéo sang năm môn sử lại 99,99% dưới điểm 5 cho mà xem. Và văn cũng không hơn đâu. Nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ, để có một nền giáo dục thực sự lành mạnh và hiệu quả, đào tạo con người ra người, cho một đất nước thật sự văn minh.
Gần đây giáo sư Ngô Việt Trung, viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã nói rất thẳng thắn: Phải tách khoa học ra khỏi thế quyền. Giáo sư Hoàng Tụy thì nói: Phải “thế tục hóa”nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng biết cuộc cách mạng về giáo dục ở chấu Âu đưa đến nền giáo dục hiện đại rực rỡ ngày nay, là kết quả tuyệt vời của cuộc đấu tranh thế tục hóa giáo dục, giải phóng giáo dục ra khỏi kìm chế lâu dài của Nhà thờ. Cần hiểu lời Hoàng Tụy trong ý nghĩa đó.
 Nhân nói chuyện sử, xin kể điều này: Ở Pháp có một tổ chức do các nhà sử học độc lập lập ra, tên là CVUH (Comité  de Vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy Ban Cảnh giác đối mặt với việc đưa Lịch ra sử dụng trong Công chúng. Vậy đó, lịch sử luôn rất dễ bị lợi dụng, thậm chí bóp méo, cắt xén, cắt nghĩa tùy tiện bởi các thế lực khác nhau nhằm làm công cụ cho những mục đích phi lịch sử. Ở nhà trường, cảnh giác với lợi dụng này càng phải ráo riết hơn. Học lịch sử tuyệt nhiên cũng không cần nhớ thuộc lòng đến mụ mị bất cứ ngày tháng phiền phức và vô ích nào, khi như lời ông Bộ trưởng, chúng ta đang sống trong “thời đại” này, cái thời đại chỉ cần nhẹ tay nhấp chuột là ra tất cả. Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử, để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới. Đặc biệt hôm nay, khi vận mệnh Tổ quốc một lần nữa lại đứng trước thử thách lớn.
N. N
Tác giả gửi cho Quêchoa

5 tháng 7, 2011

TÍNH NĂNG NỔI BẬT CỦA Mac OS X Lion


Thông thường, cứ khoảng hai năm Apple lại giới thiệu một phiên bản mới của hệ điều hành (HĐH) họ nhà mèo. Thông lệ này được thực hiện khá nghiêm chỉnh kể từ khi Apple chuyển sang dùng chip Intel cho các dòng máy tính cá nhân của mình.

Nếu như Mac OS X 10.4 Tiger (Hổ) được phát hành 04/2005 và bản 10.5 Leopard (Báo đốm) được tung ra 10/2007 thì bản 10.6 Snow Leopard (Báo tuyết) chính thức tới tay người dùng 08/2009. Giữ đúng lịch trình, tháng Bảy năm 2011 này, Apple nâng cấp HĐH Mac OS X nổi tiếng của mình lên bản Lion 10.7 (Sư tử).

Theo Apple, Lion có hơn 250 tính năng mới so với các phiên bản Mac OS X trước đó (cụ thể là Snow Leopard). Trên trang giới thiệu về Lion 10.7, Apple nói đầy tự tin là Lion sẽ “thay đổi cách sử dụng Mac của mọi người”. Apple giải thích là “Mọi người làm những điều tương tự trên máy tính trong nhiều năm qua: nhấn chuột, cuộn trang, lưu file...” và với Lion những thao tác vốn đã được chấp nhận rộng rãi đó “sẽ bị thách thức” bởi những tính năng mới của HĐH này – những tính năng đem lại sự thay đổi căn bản “trong cách bạn sử dụng máy tính”.

Dưới đây, tôi xin trao đổi về những tính năng mới đáng chú ý nhất được giới thiệu trong OS X Lion (bản Golden Master). Tôi chỉ lựa chọn những tính năng mà tôi cho là “đáng giá nhất” của HĐH mới này theo quan điểm của một người dùng Mac thông thường. Để có thêm thông tin về các nâng cấp khác, bạn có thể tham khảo tại website của Apple (http://www.apple.com/macosx/whats-new/).

1. Launchpad


Tính năng mới này trên Lion đem lại cái nhìn mới cho các phần mềm và ứng dụng được cài đặt trên Mac (Apple gọi là Launchpad nhà mới cho các App). Việc tìm kiếm các ứng dụng lúc này không rườm rà như trên Snow Leopd nữa. Application folder không còn xuất hiện trên thanh Dock. Thay vào đó là nút Launchpad nằm ngay cạnh Finder. Việc tiếp cận các ứng dụng trở nên cực kì dễ dàng và trực quan. Bạn chỉ việc nhất nút Launchpad, các ứng dụng trong thư mục Application sẽ được hiển thị lên toàn màn hình. Bạn có thể lựa chọn ứng dụng để mở, sắp xếp ứng dụng theo nhóm, thậm chí là xoá (gỡ cài đặt) ứng dụng chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Launchpad sẽ tự động cập nhật các ứng dụng mới cài đặt và phân trang cho các chúng. Để di chuyển giữa các trang, bạn chỉ việc dùng hai ngón tay quét phải (trái) trên Trackpad (như ta giở trang sách).

2. AirDrop

Đây là một trong những tính năng mới thú vị và hữu ích nhất của Lion. Bạn có thể chia sẻ file với những người dùng Mac có AirDrop trong phạm vi khoảng 10 mét (30 feet) mà không phải thiết lập Wi-Fi. Bạn chỉ cần click vào biểu tượng AirDrop trên cửa sổ Finder và Mac sẽ tự động kìm kiếm và phát hiện ra những máy Mac có AirDrop trong phạm vi nêu trên. Để chia sẻ file, đơn giản bạn chỉ cần kéo thả file lên tên người dùng. Khi người dùng này chấp nhận, file đó (đã mã hoá) sẽ được gửi tới thư mục Downloads của máy đích. Để kết thúc phiên làm việc, bạn chỉ việc đóng cửa sổ Finder lại, và máy đích sẽ không còn nhìn thấy máy tính của bạn nữa.


Tuy nhiên, tính năng AirDrop đòi hỏi các máy Mac phải tương đối mới, có phần cứng Wi-Fi tương thích và tương đồng với nhau (vì mặc dù không phải thiết lập mạng Wi-Fi nhưng Lion dựa trên nền tảng mạng ngang hàng Wi-Fi để chia sẻ file).

3. Multi-Touch

Cảm ứng đa điểm cực kì tinh tế trên Trackpad và Magic Mouse vốn đã là một điểm đặc sắc và là lợi thế cạnh tranh của các dòng máy tính Apple. Phát huy những thế mạnh này, Lion mang lại cho bạn những cách tương tác mới với chiếc máy tính Apple của bạn. Các hoạt động Gõ, Chọn, Cuốn, Trượt, Quét, Xoay… trực tiếp trên Touchpad đa điểm diễn ra mượt mà, tự nhiên và trực quan hơn rất nhiều.

Ví dụ, khi bạn cuộn xuống trên Trackpad hoặc Magic Mouse, văn bản sẽ cuộn xuống. Khi bạn cuốn lên, trang web bạn đang xem sẽ cuốn lên. Khi bạn quét sang phải, hình ảnh sẽ cuộn sang phải… (cũng cần lưu ý, trên Lion thanh cuốn chỉ xuất hiện khi bạn cuốn/cuộn).

Bạn có thể tuỳ biến Trackpad trong System Preferences.


Vài thao tác thường dùng với Trackpad:


4. Full-screen apps

Một màn hình to hơn, hiển thị được nhiều chi tiết hơn luôn là mơ ước của người dùng. OS X Lion hỗ trợ tính năng toàn màn hình (full-screen) cho các ứng dụng của Apple và một số ứng dụng của hãng thứ ba (không phải là tất cả).


Nếu ứng dụng được hỗ trợ khả năng phóng to toàn màn hình, bạn sẽ nhìn thấy nút Full-screen ở phía trên góc phải cửa sổ chương trình. Khi có hơn một chương trình ở chế độ toàn màn hình, Lion cung cấp cho bạn cách di chuyển giữa các chương trình đó qua Trackpad bằng cách quét ba ngón tay sang trái hoặc phải. Nếu muốn xem tất cả các ứng dụng đang ở trạng thái toàn màn hình, bạn có thể vào Mission Control bằng cách quét ba ngón tay ngược lên trên.

5. Mission Control

Một trong những cải tiến dễ nhận thấy nhất thể hiện trong Lion là đưa Exposé, Dashboard, Spaces và ứng dụng toàn màn hình vào một trung tâm quản lý gọi là Mission Control.


Mục đích của việc làm này có thể là giúp người dùng ngay lập tức có được cái nhìn toàn cảnh về những cửa sổ đang mở và những ứng dụng đạng chạy trên Mac. Thông qua Mission Control, bạn có thể tiếp cận các ứng dụng cơ bản của Mac như Exposé hay Dashboard, hoặc tạo thêm Desktop nếu muốn.

6. Auto Save

Auto Save - một tính năng rất cần thiết cho những người đãng trí! Nếu bạn từng quên lưu và rồi mất một tài liệu mà bạn đã bỏ ra hàng giờ chuẩn bị thì chắc bạn sẽ ước mình lưu nó sớm hơn và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, theo Apple, bạn sẽ không phải lo lắng về điều này vì với OS X Lion, cứ 5 phút văn bản/tài liệu sẽ được lưu tự động một lần.


Lion cũng cung cấp một số tuỳ chọn cho bạn như “Revert to Last Opened” (trở lại trang thái khi mở file lần gần đây nhất), “Lock” (khoá văn bản nếu bạn không muốn có thay đổi nào nữa), “Browse All Versions…” (cung cấp một danh sách các phiên bản của tài liệu với giao diện gần giống Time Machine.

7. Internet Restore and Utilities

Theo những gì Apple hứa hẹn ở phần này thì việc cài đặt, khôi phục hoặc sao lưu Lion tỏ ra rất dễ dàng và thân thiện.


OS X Lion được tích hợp sẵn một phân vùng khôi phục cho phép bạn sửa chữa hoặc cài đặt lại HĐH mà không phải dùng tới đĩa cài đặt. Trong chế độ Recovery Mode, bạn có thể vừa khôi phục Mac từ một bản sao lưu hoặc cài đặt lại Lion vừa sử dụng được Safari và Mail như bình thường (rất tốt trong lúc chờ đợi).

8. Resume

Lion cung cấp tính năng “trở lại trạng thái” (Resume), có lẽ phù hợp cho những người hơi “lười’ như tôi. Tính năng này thể hiện ở hai cấp độ: ứng dụng và hệ thống.


Ở cấp ứng dụng, Resume cho phép một chương trình khi được mở lại sẽ trở lại trạng thái giống hệt như khi người dùng đóng nó lần trước (tức là cửa sổ mở, text được lựa chọn, thậm chí cả vị trí con trỏ… đều y chang như lúc chương trình được đóng). Ở cấp độ hệ thống, khi khởi động lại Lion sẽ mở lại tất cả các ứng dụng, cửa sổ hiện hành, vị trí các thành phần… tức là giúp người dùng có thể làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, Lion cũng cung cấp cho người dùng các lựa chọn mở ứng dụng hoặc khởi động lại hệ thống ở trạng thái mặc định.

9. Full Disk Encryption

FileVault 2 trên OS X Lion có tính năng mã hoá toàn bộ phân vùng (Full Disk Encryption). FileVault là một chương trình hệ thống dùng để mã hoá file trên các HĐH của Apple (được giới thiệu lần đầu tiên trên Mac OS X 10.3 Panther – Báo đen). Việc mã hoá file giúp bạn bảo vệ dữ liệu của mình tránh các con mắt dòm ngó. Ở các phiên bản HĐH trước, FileVault chỉ có thể mã hoá thư mục Home của người dùng. Còn trên Lion, bạn có thể mã hoá không chỉ thư mục Home mà còn toàn bộ phân vùng trên ổ cứng (ổ đĩa luận lý). Ngoài ra, FileVault trên Lion còn có thể mã hoá các ổ USB và FireWire.


Tính năng mới này rất hữu ích với những ai có các thông tin nhạy cảm lưu ở những vị trí khác nhau trên ổ đĩa. Mã hoá toàn bộ ổ đĩa khiến dữ liệu của bạn được bảo vệ ở mức nghiêm ngặt nhất, tránh được những rủi ro kép bất ngờ (giả sử như bị mất máy và bị lộ dữ liệu bí mật…).

10. Một số tính năng đáng chú ý của các ứng dụng khác
  • Mail: Apple Mail của Lion ở các bản Preview chứa đầy lỗi. Ở bản GM này ứng dụng Mail chạy trơn tru, nói chung chưa thấy có vấn đề gì. Nói thực, ứng dụng quản lý thư điện tử trên Lion được Apple dùng khá nhiều mỹ từ để mô tả (toàn màn hình, liệt kê thư kiểu mới, preview thư, tìm kiếm kiểu mới...) nhưng cá nhân tôi vẫn thấy nó không thân thiện như Thunderbird.

  • Hệ thống
    • Lion cho phép bạn chuyển toàn bộ thông tin từ PC sang Mac. Lion tự động di chuyển và đồng bộ các tài liệu, sổ địa chỉ, lịch biểu, tài khoản email (cả Outlook và Windows Mail) và các file multimedia.
    • System Profiler (About this Mac – More Information) được thiết kế lại hoàn toàn mới, nhìn sáng sủa và dễ theo dõi hơn.
    • Có thể bật/tắt “đèn chỉ thị” (Indicator light) với những ứng dụng đang mở ở Dock. Nếu bạn muốn biết chính xác ứng dụng nào đang mở thì Indicator light trên Dock tỏ ra rất hữu ích.

  • Electronic Distribution: Apple thông báo OS X Lion sẽ được phân phối và cài đặt qua App Store (tức là không có bản DVD). Điều này có thể là một chỉ dấu cho thấy Apple đang nỗ lực thắt chặt bản quyền với Mac OS X – một HĐH mà xưa nay người dùng vẫn cài đặt mà không lo lắng về mã số đăng ký (Serial key) như bên Windows.
  • FaceTime: Một kiểu “Skype” của Apple. Facetime cho phép người dùng Mac gọi các cuộc điện thoại Video (với độ phân giải cao lên tới 720p) tớinhững người dùng Mac khác (hỗ trợ cho cả iPhone 4, iPad 2).

  • iChat: Thay đổi đáng kể nhất của iChat là đã hỗ trợ Yahoo! Messenger. Bạn có thể đăng nhập và sử dụng tất cả các dịch vụ của Yahoo! Messenger thông qua iChat. Ngoài ra, iChat còn hỗ trợ AIM, Jabber và Google Talk.
  • QuickTime: Trên Lion, QuickTime cho phép ghép các video clip, trích xuất audio, xoay chiều video, ghi lại thao tác trên màn hình...
  • Safari
    • Bổ sung Reading List (một kiểu đánh dấu trang rất thú vị)
    • Lật trang trước/sau bằng Touchpad/Trackpad
    • Tự động thiết liên kết với Mail để thiết lập tài khoản Gmail, Yahoo Mail.
    • Hỗ trợ tốt hơn cho CSS3 (thiết kết web).


Hai điểm rất đáng chú ý của Lion (trên máy của tôi)

1. Máy mát hơn: 

  • Lion không nóng như Snow Leopard. Cùng chạy các ứng dụng như nhau nhưng Lion luôn mát hơn khoảng 10 độ. Ví dụ, khi chạy Safari xem flash video, mở Word và PointPoint, chạy VLC xem HD video, mở Windows 7 trên VMware Fusion... tức là ép CPU hoạt động gần như hết công suất thì iStat trên Snow Leopard báo tới 75 độ còn trên Lion báo sấp xỉ 65 độ. 
  • Ví dụ như lúc này (thời điểm viết bài), nhiệt độ trong phòng là 30 độ, các ứng dụng đang chạy là Word, Safari, Preview, QuickTime, Mail, Opera... thì nhiệt độ của CPU là 50 độ. Với điều kiện tương tự, nhiệt độ thường là 55 tới 60 độ trên Snow Leopard.
2. Thời gian dùng pin lâu hơn (health của pin là 97%):
  • Với điều kiện là dùng Safari và Opera lướt web (có xem flash) độ sáng màn hình khoảng 40% thì lượng pin giảm từ 100% xuống 20% trên Snow Leopard là khoảng 3.5 giờ, còn trên Lion con số này là khoảng 4 giờ.


Trên đây là những tính năng mới mà tôi cho là thú vị hoặc có ích trong Mac OS X Lion. Hy vọng khi sử dụng OS X Lion, các bạn sẽ phát hiện ra thêm nhiều tính năng và đặc điểm mới của của “chú sư tử” này.



Tài liệu tham khảo:
  1. Apple (2011) OS X Lion - The world's most advanced desktop operating [Online]. Available from: http://www.apple.com/macosx/ [Accessed: 03 July 2011].
  2. Business Insider (2011) The 10 Best Features In Mac OS X Lion [Online]. Available from: http://www.businessinsider.com/the-10-best-features-in-mac-os-x-lion-2011-3#the-mac-app-store-will-play-a-huge-role-in-lion-11 [Accessed: 03 July 2011].
  3. CNET News (2011) First Take: Mac OS X Lion coming in July for $29.99 [Online]. Available from: http://news.cnet.com/8301-13579_3-20068838-37/first-take-mac-os-x-lion-coming-in-july-for-$29.99/ [Accessed: 03 July 2011].
  4. MacWorld (2011) Mac OS X Lion: What you need to know [Online]. Available from: http://www.macworld.com/article/160434/2011/06/lion_faq.html [Accessed: 03 July 2011].


1 tháng 7, 2011

LEVEL 2 PRACTICE TESTS OF ENGLISH

Các bài PRACTICE TEST dưới đây là dành cho Class 2- B1 (MSc. at HUST). Anh chị em nên cố gắng thực hành một cách nghiêm túc trước khi tham khảo phần đáp án (keys and tapescripts).


Xin lưu ý: 
  • Bài tập sẽ được chữa trên lớp;
  • Văn bản chỉ có tính minh hoạ, link download bên dưới mỗi bài;
  • Vì một số lý do, phần Audio của các bài Listening không được cung cấp (nếu có, tôi sẽ để link dưới bài);
  • Nếu muốn có bài Practice có thể chỉnh sửa và không có Watermark, xin liên hệ trực tiếp với tôi;
  • Các TEST sẽ được lần lượt cập nhật tại đây.
--------------------------------------------------------------


1. Bài phát ngày 28-6 


* LISTENING 28-6





Download bài Listening 28-6 tại đây (khoảng 885KB)





* ĐÁP ÁN + Audio bài LISTENING 28-6
Download phần Key tại đây (khoảng 160KB) và phần Audio tại đây (file ZIP, khoảng 9.8MB).




2. Bài phát ngày 30-6


BÀI B1 CEFR PRACTICE




Download:
  • Bài B1 CEFR PRACTICE và đáp án tại đây (khoảng 3.25MB)
  • Phần Audio tại đây (khoảng 29.5MB)




2. Các bài phát ngày từ 07/07 tới 28/07

  • Tất cả các bài được gói trong một file ZIP dung lượng khoảng gần 11MB;
  • Key đi kèm sau mỗi bài (nếu câu trả lời chưa khớp, hãy tham khảo bài chữa trên lớp);
  • Phần Audio không bao gồm trong file ZIP này (nếu được phép, Audio sẽ được cập nhật sau).



Tiếp tục cập nhật...

 
Adapted and Bloggerised by VIETTIEN | Since 2007 | Designed by Lasantha Bandara